“Cái gì cũng đúng nhưng nơi này nơi kia nhìn đâu cũng thấy sai sai”. Bài thứ 4 – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính.

Ngày đăng: 07:05 11/07/2022 Lượt xem: 194
CÁI GÌ CŨNG ĐÚNG NHƯNG NƠI NÀY NƠI KIA
NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY SAI SAI
Hoàng Văn Kính

     
 BÀI 4: TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

 
       Tự phê bình và phê bình là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng ta. Từ đảng viên thường đến các ông to bà lớn đã là cán bộ, đảng viên thì định kì đều phải làm bản tự kiểm điểm tự phê bình và tự nhận mức phân loại rồi trình ra tổ đảng hoặc chi bộ nhưng thực tế hiện nay đấu tranh phê bình không tồn tại theo đúng nghĩa Cộng sản. Phương châm: Nếu ngươi không đụng đến ta thì ta cũng sẽ không đụng đến ngươi đã và đang chi phối sinh hoạt ở cơ sở. Nếu không phải 100% thì cũng 99,99% trong tất cả các bản tự kiểm điểm ở phần ưu điểm thì rất dài, kể lể công lao thành tích rất hay, còn sang phần tồn tại khuyết điểm năm nào cũng chỉ có mỗi định dạng: Do bận nhiều việc nên chưa xắp xếp được thời gian đi cơ sở; chưa bố trí được thời gian đi học tập chính trị, nghe thời sự; còn ngại đấu tranh phê bình; tính tình còn nóng nẩy; đôi lúc còn vi phạm các quy định như đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, đổ rác không đúng thời gian quy định… thế là tất cả đều vui vẻ.
       Ở nơi tôi sinh hoạt tuy chỉ toàn hưu trí nhưng họ còn không cho nhận mức 2 vì ảnh hưởng đến thành tích của tập thể! Đấu tranh phê bình rất dễ bị quy chụp tội danh kẻ gây rối, làm mất đoàn kết nên nhiều người biết đấy nhưng chọn giải pháp im lặng để giữ hòa khí chung.
       Trước mặt cấp trên mấy ai dám nói thẳng, nói thật, nói ngay và cũng có ai muốn nghe người khác nói thẳng nói thật về những thiếu sót, khuyết điểm của mình. Hàng năm ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Bắc Son, Hoàng Trung Hải, Tất Thành Cang, một loạt tướng tá trong Quân đội… có thực hiện tự phê và phê bình không? Chắc chắn là có và thậm chí họ còn chỉ đạo cả Đảng bộ.
       Nhưng việc thủ trưởng lấy tiền đâu ra làm cái nhà to thế, mua cái xe đẹp thế, cho con cái đi du học bên Tây, bồ nọ gái kia, sao lắm “ thái tử đỏ” vào biến chế thế như họ Triệu ở Hà Giang, họ Nguyễn Nhân ở Bắc Ninh, Lê Phước Hoài Bảo, Nguyễn Xuân Anh… ai cũng thắc mắc nhưng ai dám ho he nửa lời. Nếu mọi cán bộ, đảng viên đều có ý thức tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thân Cộng sản thì đâu đến nỗi. Có một bộ phận quan lại các cấp ở ta mặt rất dầy, rất vô liêm sỉ họ vờ câm, vờ điếc, vờ ngu ngu một tý để mang lại lợi nhuận cho mình, khi bị phát hiện thì sụt sùi tỏ vẻ ăn năn rồi đâu lại vào đó. Đấy là bản chất thật của kẻ cơ hội, cũng như thằng chơi ma, nghiện đá mồm thì leo lẻo nhưng xuống lỗ cũng chẳng cai được.
       Có thể nói các tổ chức Đảng ở cơ sở, đặc biêt ở cấp chi bộ không phát huy được tác dụng, hoạt động rất kém không hiệu quả, sinh hoạt chỉ là hình thức, cho có lệ. Chi bộ chỉ làm 3 việc: Thu đảng phí; đôn đốc đảng viên đi học tập, nghe thời sự ( nhưng tỷ lệ người đi nghe cũng rất thấp thường không được 50% ) và định kì sinh hoạt, ra nghị quyết lãnh đạo ( tháng nào cũng một ba-rem giống nhau, nếu có thay đổi cũng chỉ một vài số liệu, bí thư đọc xong dự thảo là tất cả đều giơ tay OK ). Có nhiều cuộc họp còn không đủ 50% đảng viên dự.
       Phê bình và phê bình hiện nay ở nhiều nơi chỉ còn là hình thức. Có lẽ cũng bởi thế mà 14/14 = 100% thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh phúc giơ tay biểu quyết sai nguyên tắc đề cử con gái bà Bí thư không đủ điều kiện vào chức danh Phó giám đốc một Sở. Thậm chí ông Trưởng ban Tổ chức còn gào mồm kêu đúng quy trình, đúng quy định chỉ đến khi bị vạch mặt họ mới “ thành khẩn” nhận thiếu sót, khuyết điểm. Sai lè lè như thế mà bà Bí thư ( mẹ của đương sự ) vẫn cứ yên vị tại chỗ. Một sự trớ trêu mà người dân ai cũng lắc đầu ngao ngán! Ai cũng biết ông Nguyễn Ngọc Hai nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từng bị kỉ luật Đảng với hình thức cảnh cáo nhưng sau đó ông này vẫn được HĐND tỉnh bầu giữ chức Chủ tịch UBND để rồi đến ngày 10/2 vừa qua lại bị bắt về tội “ Vi phạm quy định về quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Chẳng lẽ ở cái tỉnh này không cơ cấu Ban Thường vụ, Ban tổ chức, UBKT Tỉnh ủy? . Ở thời điểm ấy đã có nhiều đơn thư phản ảnh lên TW nhưng rất tiếc nó đã không được xem xét và bị ỉm đi ( Lời ông Đình Trung cựu Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kì 1990-2000 )
       Một vụ việc cũng rất đáng buồn: Trường hợp Thiếu tá Trịnh Văn Khoa công tác ở Công an Quận Đồ Sơn đã phải viết đơn xin ra khỏi ngành đồng thời với việc tố cáo những hành vi sai trái cấp trên của mình. Đơn của anh đồng thời phải gửi đi cả 2 nơi: Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Thanh tra Bộ Công an. Tại sao anh Khoa phải gửi đơn vượt cấp, tại sao anh phải gửi đồng thời cả 2 cơ quan. Câu hỏi không khó để trả lời.
       Chỉ khi “ quyền lực được nhốt vào trong chiếc lồng cơ chế và luật pháp ” đủ để các công bộc của dân nhìn thấy đống vàng mười lù lù trước mắt mà không dám, không thể, không cần và không muốn thì mới hy vọng dẹp được vấn nạn tham nhũng tiêu cực, người dân mới được hưởng cuộc sống yên bình.
       Thực ra cũng không khó lắm, các nước họ đã làm từ rất lâu rồi. Vấn đề là ở ta có dám và quyết tâm làm hay không?
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
tin tức liên quan