‘Quà bình thường, thi thoảng gửi’: Cựu tướng cảnh sát biển tỉnh queo về tiền tỷ hối lộ

Ngày đăng: 03:29 21/07/2022 Lượt xem: 150

‘Quà bình thường, thi thoảng gửi’: Cựu tướng cảnh sát biển tỉnh queo về tiền tỷ hối lộ

                                                             Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Một ông từng làm đến chức Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 có quá trình phấn đấu kiểu gì mà trước phiên toà xử vụ buôn lậu 198 triệu lít xăng lại bao biện rằng mình từng nhận 6,9 tỷ đồng của trùm xăng lậu song đó là quà, không phải "hối lộ".

 

Nếu đó không phải là cái lý sự cùn của kẻ ăn hối lộ quen mui nhưng vẫn một mực cho mình sạch sẽ trước ba quân thì quả là nguy hiểm cho xã tắc. Nhất là ông cựu tướng Lê Văn Minh, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 này khi đó lại đang giữ gìn, bảo vệ an ninh kinh tế cho cả một vùng biển bao la của Tổ quốc.  

Không nhớ, không biết

Trước Toà án án Quân sự Quân khu 7, ông ta trình bày dài dòng nhưng qua đó đủ hiểu cái" tầm" của một viên tướng tha hoá. Ông ta bị đại diện VKS lưu ý rằng, nếu bị cáo không khai báo thành khẩn sẽ rút tình tiết giảm nhẹ. 

 Bị cáo Lê Văn Minh (áo trắng), cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh vùng Cảnh sát Biển 4. Ảnh: Đình Hiếu

VKS đã công bố bút lục cho thấy ông Minh từng khai biết rõ việc buôn lậu của Phan Thanh Hữu (giám đốc doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu), bao gồm cả việc hai bên từng nhắn tin tọa độ tàu cho nhau.

Ông Minh sau đó thừa nhận rằng có cho trao đổi tin nhắn với Hữu về vấn đề tọa độ, nhưng thời điểm ấy chưa nhận thức được hành vi này là giúp sức cho buôn lậu.

Với cáo buộc nhận 6,9 tỷ đồng từ Hữu để tạo điều kiện cho các hoạt động buôn bán xăng lậu xuyên biên giới, ông Minh thừa nhận nhưng quả quyết đó không phải tiền "hối lộ, ăn chia tháng" mà chỉ là "quà bình thường, thi thoảng gửi".

Ông Minh còn nói không nhớ đã nhận bao nhiêu lần, cũng không biết cụ thể số tiền mỗi lần...

Một vị cựu Tướng nữa cũng chẳng kém cạnh, đó là cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 Lê Xuân Thanh. Ông này khai việc Hữu hối lộ thông qua vợ mình là bà Phan Thị Xuân và con gái mà nói tỉnh queo "mình không biết gì”. 

Theo cáo trạng, số tiền 1,8 tỷ đồng gia đình bị can Thanh nhận từ phía Hữu qua 11 lần chuyển khoản thì chính bà Xuân cho hay bà từng nói với chồng về việc này nhưng không thấy chồng nói gì. 

Rồi thêm nữa là cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) đã phạm tội. Khi được biệt phái sang làm Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389, ông ta lại vẫn duy trì đường dây bảo kê, hưởng lương hàng tháng của giám đốc Hữu rất trắng trợn. Ông ta còn đòi tăng thêm mỗi tháng từ 30.000 USD lên 60.000 USD cộng thêm cả trăm triệu đồng. Khi thấy đã bị lộ, ông ta còn bày cách cho người thân của mình cao chạy xa bay.

Bị cáo Nguyễn Thế Anh (giữa), cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Đình Hiếu

Thế mới thấy nhóm lợi ích này quan hệ khăng khít ra sao để từ đó lũng đoạn bộ máy phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.  

"Đi đêm lắm có ngày gặp ma". Cái gì đến sẽ đến với những kẻ lợi dụng chức quyền để tham nhũng. Trong vụ án này, nhà nước thất thu thuế vô cùng lớn, ảnh hưởng đến việc thu ngân sách nói chung của quốc gia. Tội này thật nghiêm trọng. 

Quy định 69: Hết sức kịp thời

Mới đây, ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định mới này nhằm hoàn thiện và thay thế cho 2 Quy định trước đây, Quy định 07 về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm và Quy định 102 (đều ra đời trong nhiệm kỳ khoá 12 của Đảng) về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.  

Quy định 69 có 4 chương với 58 điều, trong đó bổ sung nhiều nội dung mới, phù hợp với tình hình thực tiễn, cụ thể hóa các hình thức kỷ luật đối với những vi phạm mà thời gian vừa qua nổi lên như một xu hướng, một mối đe dọa, một thách thức cho Đảng, cho đất nước.

Theo điều 39, đảng viên sẽ bị kỷ luật nặng nếu vi phạm đến mức phải khai trừ Đảng trước khi tính chuyện họ phạm tội phải xử trước pháp luật nếu họ:

- Lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che hoặc cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để làm trái quy định, trục lợi; dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

- Đưa, nhận, môi giới hối lộ; môi giới làm thủ tục hành chính hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới hưởng thù lao dưới mọi hình thức trái quy định. Đưa, nhận "hoa hồng" hoặc môi giới đưa, nhận "hoa hồng" trái quy định. Nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi thực thi công vụ.

Vậy mà nực cười thay khi mấy ông cựu tướng cũng như hàng loạt các cán bộ cao cấp khác trong lực lượng Cảnh sát biển phạm tội bảo kê buôn lậu mà vẫn chày cối cãi cùn. 

Những tình tiết của vụ án buôn lậu xăng dầu tại vùng biển phía Nam càng cho thấy có quá nhiều bất ổn trong bộ máy thực thi pháp luật của chúng ta và bộ máy cần được chấn chỉnh, thanh lọc.

Chúng ta đã đến lúc phải coi đây là hành vi cố ý phá hoại kinh tế quốc gia, không thể vì có thành tích này nọ với đất nước mà được xem xét giảm án bởi họ chính là lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, bảo vệ kinh tế giúp đất nước phát triển lành mạnh nhất. Trước Tòa án Quân sự cấp sơ thẩm, họ vẫn còn ngoan cố nói năng ngô nghê như người không học chứ đừng nói họ đều là người thực thi pháp luật trong lực lượng vũ trang có cấp hàm, chức vụ rất lớn.

Từ ví dụ cụ thể nói trên càng cho thấy việc Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 69 là hết sức kịp thời để xử lý những đảng viên vi phạm kỷ luật sao cho không để lọt người, lọt tội bất kể họ là ai. Tất cả đều phải bình đẳng trước pháp luật.  

( C. H sưu tầm)

 

 

tin tức liên quan