"Chờ đợi 62 năm - Tấm bằng Tổ quốc ghi công". TG: Hoàng Kiền

Ngày đăng: 08:02 27/07/2022 Lượt xem: 287
-----------------------------------------------------------------------

CHỜ ĐỢI 62 NĂM - TẤM BằNG TỔ QUỐC GHI CÔNG

       Đầu tháng 5 năm 2022 tôi thay mặt thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam (Hội Trường Sơn Việt Nam) vào dự Đại hội của Hội Trường Sơn tỉnh Bình Dương. Đại tá Lê Văn Hoà - Chủ tịch, Đại tá Nguyễn Hồng Thái - Phó chủ tịch Hội Trường Sơn tỉnh tổ chức gặp mặt trao đổi với hai lão chiến sĩ Trường Sơn. Biết tôi là Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam, bác Ao Sĩ, đi ô tô từ Ban Mê Thuật vượt hơn 400 km vừa về đây gặp chúng tôi ngay cùng trao đổi. Bác nói: Tôi về dự đại hội và gặp mặt anh em, rồi tiếp tục đề nghị về trường hợp đồng đội Trần Văn Thời sau 62 năm hi sinh đến nay vẫn chưa được công nhận liệt sĩ; Tôi năm nay 93 tuổi rồi, chưa nhìn thấy tấm bằng Tổ quốc ghi công cho Trần Văn Thời, tôi chết không nhắm được mắt. Thật cảm động trước nỗi trăn trở, sâu thẳm từ đáy lòng của người Chiến sĩ Trường Sơn tuổi đã ở lớp U100.
 
ĐƯỜNG DÂY 559 - CON ĐƯỜNG THỐNG NHẤT
ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN
       Để tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cần chi viện sức người, sức của cho cách mạng Miền Nam. Ngày 19 tháng 5 năm 1959, Đoàn công tác quân sự đặc biệt có quyết định thành lập. Thượng tá Võ Bẩm người con Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng. Đồng chí Võ Bẩm đã xuống các nông trường do mình phụ trách trước kia để chọn người có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ. Trước hết phải là người miền Nam tập kết, quen địa hình rừng núi miền tây khu V. Ngoài ra còn phải bảo đảm 7 tiêu chuẩn cụ thể: Tự nguyện, Tinh thần dũng cảm, Tính kỷ luật, tự giác cao, Ý thức bảo đảm bí mật tốt, Lý lịch rõ ràng, Kiên định - Trung thành - Sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, Sức khoẻ dẻo dai
       Nhiệm vụ của đoàn ban đầu và được bổ sung trong quá trình phát triển là:
1. Tổ chức vận tải, chi viện chiến lược cho chiến trường Miền Nam, giúp đỡ một phần cho vùng đông Đông Bắc Campuchia, Trung và Hạ Lào.
2. Hình thành một chiến trường đánh địch, phối hợp với chiến trường cả nước.
3. Là một binh đoàn hậu cần chiến lược, chiến dịch, là hậu phương trực tiếp cho các chiến trường kế cận.
4. Đoàn kết, phối hợp với quân dân hai nước bạn Lào và Campuchia ở khu vực, xây dựng căn cứ địa vững chắc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ hành lang chiến lược.
       Trường Sơn là một dãy núi cao, rừng đại ngàn trải dọc Bắc - Nam, phân cách giữa ba nước và nằm gọn trong lòng ba nước Đông Dương. Phía sườn Đông Trường Sơn thuộc Việt Nam, phía sườn Tây Trường Sơn thuộc về hai nước bạn Lào và Campuchia. Phía Việt Nam có dải cao nguyên Tây Nguyên rộng lớn. Phía Lào có cao nguyên Bô Lô Ven kéo đến Đông Bắc Campuchia cũng rộng lớn không kém. Thời tiết khí hậu phức tạp khác nhau, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, chủ yếu là dân dộc thiểu số, kinh tế lạc hậu, đời sống nghèo nhưng có truyền thống đoàn kết đấu tranh lâu đời, trung thành với cách mạng với kháng chiến. Trường Sơn có vị trí chiến lược để mở đường chi viện chiến trường xuyên ba nước Đông Dương.
       Đường giao liên, con đường chi chi viện chiến lược được triển khai mở đầu cho đường Trường Sơn. Vạn sự khởi đầu nan, muôn vàn khó khăn gian khổ mở ra ...
       Nguyên tắc tối cao đã được Trung ương dặn: “Việc mở đường không được ai biết...Không được để lọt vào tay địch một người, một hiện vật. Một mẩu thuốc lá cũng có thể tạo nên một thứ tang chứng”.
       “Hàng” chủ yếu là vũ khí, mà tiêu chuẩn số 1 là không có dấu vết chế tạo tại Liên Xô, Trung Quốc, phải là súng cũ của Pháp và các nước không phải là Xã hội chủ nghĩa. Vũ khí ban đầu chủ yếu ta thu được của Pháp gồm súng trường Maz, tiểu liên Tuyn khoảng 20 tấn. Một số quân trang quân dụng, ống nhòm, địa bàn, bản đồ cũng được lệnh thu hồi giao cho Đoàn 559. Nếu vũ khí trang bị của các nước Xã hội chủ nghĩa phải xoá hết dấu vết. Tất cả được bao gói bảo quản bằng mỡ, gói bằng giấy pharaphin, mỗi gói 25 kg, bảo đảm khi cần thiết có thể chôn xuống bùn đất, ngâm dưới nước lâu ngày không bị han gỉ, hư hỏng.
       Trên cơ sở kết quả khảo sát, toàn tuyến được bố trí làm 9 đội, quân số giảm dần từ đội đầu đến đội cuối, mỗi đội tổ chức một chi bộ. Đội 1 đóng ở Khe Hó gần vị trí chỉ huy Tiểu đoàn 301- Vĩnh Linh. Lần lượt các trạm bố trí tiếp theo hướng Tây Nam điểm cuối đặt trạm 9 là Pa Lin - Bắc A Lưới - tỉnh Thừa Thiên, kế cận trạm tiếp nhận của Liên khu 5. Đầu tháng 7 năm 1959, việc rải quân trên tuyến đã xong. Lực lượng trinh sát được bổ sung cài cắm trên tuyến tích cực nắm địch, thông báo kịp thời cho từng trạm và chỉ huy đoàn.
       Để bảo đảm tuyệt đối bí mật đoàn đặt ra khẩu hiệu có tính chất như mệnh lệnh là “Ở không nhà. Đi không dấu. Nấu không khói. Nói không tiếng”. Trong thời gian đầu, đường đi hoàn toàn là những đường chưa có lối, rẽ núi, băng rừng. Phương châm là “xuyên sơn mà đi, cứ đỉnh núi mà soi, không được trùng với các lối mòn cũ”. Lời của một câu hát “Trường Sơn ơi trên đường ta qua không một dấu chân người..” là hoàn toàn đúng với sự thật của thời kỳ này.
       Ngày 13 tháng 8 năm 1959, sau 8 ngày đêm chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn đã vào đến Tà Riệp tuyệt đối bí mật và an toàn.
       Sau những chuyến hàng đầu tiên thành công, ngày 12 tháng 9 năm 1959, Bộ Quốc phòng quyết định chính thức thành lập Đoàn 559 trực thuộc Bộ Quốc phòng, tổ chức Đảng trực thuộc Tổng Quân ủy.
       Cuối năm 1959, do có kẻ đầu thú khai báo, địch tăng cường củng cố “phòng tuyến chống thâm nhập”, tăng cường đóng đồn dọc đường 9, bọn bảo an, thám báo lùng sục các làng hai bên đường 9. Vào một đêm cuối tháng 10 năm 1959, trong khi bảo vệ cho đội 6 và đội 7 giao hàng ở nam đường số 9. Tổ trinh sát do thiếu uý Nguyễn Minh Thông phụ trách lọt vào ổ phục kích của địch tại bờ sông Đắc Krông. Nguyễn Minh Thông cùng đồng đội chiến đấu diệt 4 tên địch rồi hy sinh. Thượng sỹ Trần Tương bị thương nên bị địch bắt về căn cứ. Chúng tra tấn dã man. Anh một mực khai là cán bộ nằm vùng nên đã bị chúng thủ tiêu. Các đội vận tải rút lui an toàn. Tổ trinh sát do Võ Sĩ Bơi, súng trong tay có mặt ở đó nhưng do yêu cầu giữ bí mật nên nén lòng, náu mình để bảo vệ bí mật cho tuyến chi viện.
       Nguyễn Minh Thông, Trần Tương là những chiến sỹ đầu tiên hy sinh trên tuyến vận tải quân sự 559, để lại trong lòng đồng đội và nhân dân địa phương niềm cảm phục và tiếc thương vô hạn.
       Tháng 10 năm 1959, trong khi giao hàng tại đồn điền cà phê Rô- Mơ của một doanh nhân người Pháp, đội 6 và đội 7 đã để quên một gói súng. Hôm sau vợ chủ đồn điền phát hiện được báo cho anh Cha - Mồm là cai đồn điền có cảm tình với cách mạng. Cha - Mồm đem giấu súng đi và báo cho ta đến lấy. Một tháng sau anh đã bị địch thủ tiêu. Từ sự việc ấy địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, sự chi viện từ miền Bắc cho miền Nam. Địch đã tổ chức một trận càn qui mô cấp trung đoàn. Tuy chúng không phát hiện thêm được gì, nhưng việc vận chuyển cũng phải dừng lại một thời gian.
       Ngay sau những “sự cố” trên, tháng 10 năm 1959 Đoàn 559 quyết định chuyển sở chỉ huy và hệ thống kho tàng, sở chỉ huy của Tiểu đoàn 301 ra Làng Mít (Quảng Bình) bên bờ hữu ngạn sông Kiến Giang để nghiên cứu chuyển hướng mới.
       Cùng với tuyến giao liên từ miền Bắc vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn tiến dần vào phía Nam, ở Trung Bộ các con đường giao liên được mở tiếp vào các khu căn cứ, từ miền Đông Nam Bộ các đội vũ trang tuyên truyền cũng soi đường ra Bắc.
       Tại Trung Bộ, Liên Khu uỷ Khu 5 tổ chức các đường dây hành lang vận chuyển từ Pa Lin qua các khu căn cứ vào các tỉnh duyên hải miền Trung và lên Tây Nguyên.
       Tháng 5 năm 1959, Tổng Quân uỷ, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Đoàn B90 tăng cường cho Liên Khu 5 soi đường nối liền hai chiến trường Khu 5 và Nam Bộ, nối thông hành lang chiến lược Nam - Bắc.
Việc lựa chọn các thành viên Đoàn B 90 cũng rất chặt chẽ như Đoàn 559, gồm những cán bộ chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, nay quay vào miền Nam xoi tuyến mở đường giao liên "Thống nhất Bắc - Nam". Đoàn được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm, động viên, giao nhiệm vụ, đó là niềm vinh dự, tự hào, ai cũng thấy trách nhiệm nặng nề phía trước đặt ra cho mình, với khí thế hừng hực lên đường về chiến đấu giải phóng quê hương.
       Ngày 20 tháng 6 năm 1959, Đoàn B90 vượt qua thượng nguồn sông Bến Hải theo đường giao liên hành quân qua miền Tây các tỉnh Trị - Thiên vào Quảng Nam. Tiếp đó Liên Khu uỷ Khu 5 quyết định sáp nhập đoàn B90 với đội vũ trang công tác tỉnh Đắc Lắc lấy phiên hiệu là B4. B4 chia làm 2 bộ phận soi đường vào Nam Bộ.
       Ở Nam Bộ từ cuối năm 1958 Xứ uỷ Nam Bộ đã chủ trường mở tuyến giao liên bắt liên lạc với Trung ương. Các đội công tác : Đoàn 200, Đoàn 270 xuyên qua những vùng rừng núi chưa từng có dấu chân người ở Bù Đăng, Bù Gia Mập (Phước Long), Sơ Nia (Quảng Đức).... tiến ra cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Ngày 30 tháng 10 năm 1960, đội thứ nhất của B4 đã bắt liên lạc được với đại đội 59 liên Tỉnh uỷ miền Đông Nam Bộ. Ngày 4 tháng 11 năm 1960, đội vũ trang tuyên truyền tỉnh Phước Long đã bắt liên lạc được với đội thứ 2 của B4 tại ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia.
       Thiết lập được tuyến hành lang giao liên từ Trung Bộ vào miền Đông Nam Bộ, tuyến giao liên vận tải quân sự liên hoàn, thật sự trở thành cầu nối giữa căn cứ địa miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.

 
TRẦN VĂN THỜI HI SINH
       Vào tháng 9 năm 1960, đoàn B4 soi tuyến từ nam Tây Nguyên vào, đoàn 270 xoi tuyến từ Nam bộ ra bắt liên lạc được với nhau trên hai bờ sông tỉnh Đắc Nông, chiến sĩ Trần Văn Thời, thanh niên trẻ nhất trong đoàn B4 xung phong bơi qua sông sang bờ Nam để kết nối liên lạc, mùa mưa nước sông chảy xiết, anh bị cuốn trôi không tìm thấy thi thể. Cả đoàn B4 vô cùng đau xót tiếc thương người đồng đội đã hy sinh khi tuyến giao liên Bắc Nam, con đường chi viện chiến lược được nối thông.
       Suốt 62 năm qua, Đoàn B4, tiếp theo là Ban liên lạc các Đoàn (B90, 220, 270) được thành lập đề nghị tiếp vẫn chưa thành công. Gần đây, Ban liên lạc đoàn (B90, 200, 270) sáp nhập vào Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Tỉnh Bình Dương, tiếp tục làm bổ sung hồ sơ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Trần Văn Thời. Hồ sơ đã gửi lên các cấp, Trưởng ban liên lạc Đoàn (B90 - 220 - 270) là Ao Sĩ đã ra các cơ quan của Bộ Lao động Thương binh Xã hội đề nghị, vẫn vướng mắc theo các văn bản qui định..... Ban liên lạc đã đề nghị, được địa phương đồng ý khắc tên liệt sĩ Trần Văn Thời vào bia đá lưu danh 28 liệt sĩ quê hương đã hi sinh vì Tổ quốc, liệt sĩ Trần Văn Thời theo thứ tự danh sách số 28, trong khuân viên trụ sở uỷ ban nhân dân xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Bác Ao Sĩ nói: Từ đó suốt 17 năm qua cứ vào ngày 25 tháng 9, gia đình chúng tôi cùng đồng đội đều làm cỗ cúng liệt sĩ Trần Văn Thời, đồng đội đã hy sinh, thắp nén nhang dâng lên hương hồn anh mà cứ đau nhói trong tim, ngậm ngùi rơi nước mắt. Đề nghị Hội Trường Sơn Việt Nam giúp đỡ để trọn nghĩa với hương hồn người đã hy sinh và ấm lòng đồng đội còn sống hôm nay.
       Tôi hỏi hiện nay còn vướng mắc vấn đề gì?
       Vấn đề là phải có xác nhận của gia đình, của địa phương. Mà gia đình không còn ai, không có nhà cửa, đi bộ đội từ năm kháng chiến chống Pháp hy sinh hơn 60 năm rồi, thông tin có ai nắm được đâu ngoài đồng đội chúng tôi.
       Tại Đại hội Hội Trường Sơn tỉnh Bình Dương Thiếu tướng Hoàng Kiền phát biểu chỉ đạo, đây là trách nhiệm của chúng ta mà trực tiếp là Hội Trường Sơn tỉnh Bình Dương. Kiên trì tiếp tục báo cáo giải trình, kết hợp với Ban chính sách của Hội Trường Sơn Việt Nam, địa phương cùng đề nghị giải trình tiếp.


TỔ QUỐC GHI CÔNG LIỆT SĨ TRẦN VĂN THỜI
Đồng chí Trần văn Thời Sinh năm 1933.
Quê: ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.
Nhập ngũ trong kháng chiến chống Pháp, năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1959 trở lại miền Nam chiến đấu.
Hy sinh ngày 25 tháng 9 năm 1960.
Nơi hy sinh tại ngầm Đăk Tric , xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa , tỉnh Đak Nông.
       Nhận Bằng Tổ Quốc Ghi Công, ngày 11 tháng 5 năm 2022 do Thủ Tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký..
Sau 62 năm hi sinh trên đường giao liên, đường dây "Thống nhất Bắc Nam", tấm bằng vinh quang đã có, nhưng cũng còn nhiều bước phải làm. Ai tổ chức đón nhận! Hội Trường Sơn tỉnh Bình Dương không được làm việc này, tỉnh Đắc Nông là nơi liệt sĩ hi sinh nhưng không phải là quê quán của liệt sĩ, tỉnh Đắk Nông đã chuyển hồ sơ về quê bên tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã nhận hồ sơ, còn qua các bước tiếp theo. Mong rằng lễ đón nhận bằng Tổ quốc ghi công cho Liệt sĩ Trần Văn Thời được tổ chức trang trọng tại quê hương đồng chí trước ngày 27/7/2022 nhân dịp kỉ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ của nước ta. Tôi điện thoại cho cụ Ao Sĩ sáng nay 27/7/2022, cụ đang đi thăm đồng đội Đoàn B90, hiện nay chỉ còn có 3 người đều lớp U100 cả.
Cụ nay tuổi đã chín Ba
Đoàn B90 sáu Ba năm
Còn lại Ba người đang sống
Nhớ đồng đội tìm thăm nhau
       Cụ thông tin lễ đón nhận bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trần Văn Thời vẫn chưa được tổ chức. Sau 62 năm chờ đợi có tấm bằng Tổ quốc ghi công, ký hai tháng rưỡi rồi mà vẫn chưa tổ chức đón nhận được vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh Liệt sĩ, cũng là lỗi của những người đang sống, những người làm công tác chính sách.
 
LỜI KẾT
       Con đường giao liên xuyên Trường Sơn đã khơi mở rất sớm. Năm 1958 từ Nam Bộ ra tiến ra, năm 1959 từ Vĩnh Linh tiến vào, năm 1960 nối liền thành đương giao liên, đường dây "Thống nhất Bắc - Nam".
       Hai chiến sĩ đoàn 559 hi sinh đầu tiên vào tháng 10 năm 1960 là Nguyễn Minh Thông và Trần Tương. Chiến sĩ Trần Văn Thời thuộc đoàn B90 hy sinh vào tháng 9/1960. Một điều thiếu sót là hai liệt sĩ đầu tiên của Đoàn 559 này lại chưa có tên trong danh sách liệt sĩ Trường Sơn lưu trong lịch sử, trong bia đá tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.
       Trần Văn Thời là người hy sinh đầu tiên trên đường dây "Thống nhất Bắc Nam", sau 62 năm nay anh đã được công nhận liệt sĩ. Cựu chiến binh Ao Sĩ cùng đồng đội Đoàn (B90, 200, 270) và đồng đội Hội Trường Sơn tỉnh Bình Dương đã làm việc trọn vẹn nghĩa tình, thật trân trọng cảm phục và hoan nghênh.
Chiến tranh nay đã lùi xa
Thương binh liệt sĩ còn là nỗi đau
Hy sinh trên tuyến hàng đầu
Sáu hai năm ấy khắc sâu... mong chờ
Hôm nay đã đến bến bờ
Tình đồng đội đẹp ước mơ thoả lòng
Tấm bằng Tổ quốc ghi công
Trần Văn Thời sáng non sông nước nhà
Dẫu cho không có cửa nhà
Quê hương yêu dấu cờ hoa đón chào
Phú Lý thêm đẹp tự hào
Tấm bằng liệt sĩ dạt dào tình thương.
 
Thiếu tướng Hoàng Kiền
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Phó chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam
tin tức liên quan