Bộ Chính trị: Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026

Ngày đăng: 06:42 31/07/2022 Lượt xem: 154

Bộ Chính trị: Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026

30/07/2022 08:11 GMT+7

TTO - Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.

Bộ Chính trị: Bổ sung 65.980 biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026 - Ảnh 1.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng - Ảnh: NGỌC THẮNG

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành quyết định 71 của Bộ Chính trị về tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026.

Theo đó, Bộ Chính trị quyết định tổng biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 (không bao gồm biên chế công an, quân đội và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố) đến hết năm 2026 là 2.234.720 biên chế.

Trong đó có 336.328 biên chế cán bộ, công chức; 1.680.677 biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Trong tổng biên chế viên chức được giao có 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương cả giai đoạn 2022-2026.

Ngoài ra còn có 686 biên chế các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở trung ương; 205.571 cán bộ, công chức cấp xã; 1.358 biên chế công đoàn tạm giao các địa phương.

Cụ thể, khối Quốc hội được giao 1.061 biên chế gồm: 787 cán bộ, công chức; 274 viên chức.

Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội ở trung ương được giao 6.285 biên chế gồm 3.335 cán bộ, công chức; 2.950 viên chức.

Các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương được giao 64.266 biên chế, trong đó biên chế công đoàn là 1.358, còn cán bộ, công chức có 55.949 biên chế, viên chức có 6.959 biên chế.

Chính quyền địa phương được giao 1.908.882 biên chế gồm 140.826 cán bộ, công chức; 1.562.485 viên chức.

Khối Chính phủ có 210.830 biên chế gồm 102.614 cán bộ, công chức; 107.530 viên chức.

Tòa án nhân dân tối cao có 15.237 biên chế; Viện kiểm sát nhân dân tối cao có 15.860 biên chế; Kiểm toán Nhà nước có 2.109 biên chế; Văn phòng Chủ tịch nước có 90 biên chế.

Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng quyết định số biên chế dự phòng cho giai đoạn này là 10.100 biên chế gồm 1.700 công chức và 8.400 viên chức.

Trước đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cũng ký ban hành quy định 70 của Bộ Chính trị về quản lý biên chế của hệ thống chính trị. Trong đó Bộ Chính trị lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp và quy định về quản lý biên chế của hệ thống chính trị.

Đồng thời, quyết định tổng biên chế và biên chế dự phòng của hệ thống chính trị trong nhiệm kỳ 5 năm và khi cần thiết. Quyết định giao biên chế cho các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý biên chế...

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan tổ chức thực hiện trách nhiệm quản lý biên chế theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước...

Ban Chỉ đạo trung ương về quản lý biên chế có nhiệm vụ tham mưu Bộ Chính trị về chủ trương, quy định, nhiệm vụ, giải pháp quản lý biên chế; tổng biên chế, biên chế dự phòng của hệ thống chính trị.

Chỉ đạo việc triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp, quy định, quyết định của Bộ Chính trị về biên chế của hệ thống chính trị. Xem xét, quyết định sử dụng biên chế dự phòng theo ủy quyền của Bộ Chính trị...

THÀNH CHUNG
(PS st theo Tuổi trẻ)

tin tức liên quan