“Suy ngẫm về sự thoái hóa, biến chất của một số tướng lĩnh thời gian vừa qua” - Góc nhìn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 10:04 02/08/2022 Lượt xem: 183


SUY NGẪM VỀ SỰ THOÁI HÓA, BIẾN CHẤT
CỦA MỘT SỐ TƯỚNG LĨNH THỜI GIAN VỪA QUA

Hoàng Văn Kính

       Tháng 7 năm nay, nhân dịp kỉ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ từ Bắc vào Nam toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta long trọng tổ chức nhiều hoạt động kỉ niệm thiết thức tri ân, tưởng nhớ, biết ơn các Anh hùng Liệt sỹ đã anh dũng hy sinh vì dân, vì nước. Trái ngược hẳn với không khí đó là hình ảnh phiên tòa xét xử một số tướng lĩnh thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển trong vụ án hối lộ, cấu kết với bên ngoài buôn lậu số lượng lớn xăng dầu trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Đau lòng quá, xót xa quá!

       Nhìn lại mấy năm gần đây ( từ vụ án ở Bộ tư lệnh Hải quân ) một loạt sỹ quan cao cấp trong Quân đội đã bị xa ngã, trong đó có hơn hai chục cán bộ mang quân hàm từ cấp Thiếu tướng đến cấp Thượng tướng, số lượng bằng khoảng 60% tổng số sỹ quan cấp tướng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. So với con số khoảng 332 sỹ quan Quân đội mang quân hàm cấp tướng đương chức ( năm 2020 ), số bị giáng cấp, giáng chức, tước quân tịch, tước quyền công dân không còn là cá biệt. Có điều nguy hiểm và đau lòng hơn là số vụ việc chưa hề bị dừng lại!

       Đã là lính cách mạng thì dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, thời chiến hay thời bình đều phải mang trong mình phẩm chất cao quý: “ Trung với Đang, hiếu với dân…” như lời Bác Hồ đã dậy. Lịch sử đã chứng minh: Do hội tụ đủ những phẩm chất ấy mà trong khoảng 50 năm từ ngày đầu thành lập, QĐNDVN đã chiến thắng đội quân xâm lược hùng hậu của thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai; chiến thắng bọn diệt chủng Khơ-me đỏ; chiến thắng biên giới năm 1979, đánh bại quân bành trướng xâm lược. Cũng nhờ đó mà đất nước có hòa bình, thống nhất, người dân được hưởng cuôc sống ấm no, hạnh phúc. Với đội ngũ sỹ quan cao cấp, nhất là các vị tướng thì những phẩm chất ấy càng phải được phát sáng. Tướng nào binh ấy, là người đứng đầu, là chỉ huy đơn vị tướng phải giỏi, phải mẫu mực, phải có cái “ uy ” thì mới đủ tâm, đủ tầm cầm quân, nói có người nghe!

       Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ QĐND Việt Nam chỉ với 36 tướng nhưng đã làm nên lịch sử. Tên tuổi từng vị tướng, đức độ, tài thao lược gắn liền với mỗi chiến dịch, từng trận đánh, công trạng của từng người luôn khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân với tất cả sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ.

       Ngày nay số lượng sỹ quan cấp tướng đương chức nhiều gấp hơn 9 lần trong 2 các cuộc kháng chiến trước đây? Có cả tướng trồng cà, tướng đào than, tướng bắt bệnh, tướng kinh doanh, tướng làm kinh tế, tướng đứng bảng... nhiều hoa cả mắt. Có nhiều cái để nói về họ nhưng dễ nhận thấy nhất là: Số lượng quá đông, quá nhiều, tỷ lệ bị xa ngã, biến chất cũng không ít. Bán rẻ lương tâm cho quỷ dữ, sa đọa về phẩm chất đạo đức tư cách, lối sống, tham ô, tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, phá hoại…làm ảnh hưởng không ít đến danh dự và truyền thông Quân đội, đến hình ảnh bộ đội “ Cụ Hồ”. Từ cấp hàm Thiếu tướng đến Thượng tướng nhiều vị chẳng ra gì, dân khinh, dân ghét, cấp dưới nhạo báng, coi thường làm mất đi giá trị cái danh hàm cấp tướng.

       Nhiều người lo lắng đặt câu hỏi: Có phải diễn biến hòa bình đã và đang xâm nhập thành công vào một bộ phận tướng lĩnh Quân đội?

       Điểm lại để thấy trong khoảng thời gian ấy: Riêng cảnh sát biển Việt Nam có 11 vị ( trong đó có cả Chính ủy và Tư lệnh ) dính dáng đến bảo kê buôn lậu xăng dầu; Học viện Quân y có 3 vị ( cả Chính ủy và Giám đốc ) liên quan đến Việt-Á. Tư lệnh, Chính ủy và Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân; Tư lệnh, Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Quân khu 7; Cựu Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự thừa thiên Huế. Ấy là chưa kể theo gót chân họ là cả một bộ sậu cán bộ dưới trướng gồm hàng trăm sỹ quan cấp tá, cấp úy, QNCN, CNVQP. Những sỹ quan ấy đã làm vấy bẩn máu của các Anh hùng Liệt sỹ đã hy sinh để họ được thăng hàm, thăng cấp, gia đình họ được sống bình yên, no đủ hôm nay.

       Thế mới biết uy lực và sức mạnh của những viên đạn bọc đường, tướng ta oai phong là thế cũng bị bắn gục. Lại còn một loại tướng cơ hội đến trơ trẽn. Có trong tay một tý công trạng, khoác lên người chiếc áo AHLLVTND đã tưởng mình là thánh, là bố thiên hạ quay ngoắt xe chửi rủa cái nơi sinh ra, nuôi dưỡng nâng đỡ anh ta…Một loại tướng phản bội, ăn cháo đá bát.

       Lúc tham ô, tham nhũng họ cứ mặc nhiên coi là bổng lộc trời ban, vơ càng nhiều càng ít. Dối trá, lừa bịp, kéo bè kéo cánh, móc nối liên minh liên kết hình thành dây rợ…Khi phải đứng trước vành móng ngựa thì tất cả đều thanh minh, gào mồm kêu oan hòng chạy tội, khi đuối lí họ ngụy biện theo một mẫu số chung: Quá tin tưởng vào cấp dưới; đơn giản chủ quan, thiếu kiểm tra; lĩnh vực ấy không thuộc chuyên môn được đào tạo; do trình độ, hiểu biết còn nông cạn; chuyện ấy do người khác làm, do vợ con làm họ không hay biết gì…đến lúc được nói lời cuối cùng họ khóc lóc, van xin, kể lể công lao, bầy ra bao nhiêu loại huân chương nọ, huy hiệu kia, bằng khen nọ giấy khen kia rồi lôi cả tứ thân phụ mẫu vào cuộc với hy vọng đấy là những tấm bia đỡ đạn để được xem xét chiếu cố, được giảm án.

       Cùng được gọi là cán bộ cao cấp nhưng giữa Thượng Đại tá với cấp Tướng, nếu chỉ nhìn vào cấp hàm thì đấy là sự khác biệt về chất – Tướng cơ mà - mọi người đều nhìn họ với con mắt khác. Có lẽ cũng vì thế mà họ luôn ảo tưởng về quyền lực, thay đổi từ điệu đi, dáng đứng đến giọng nói, điệu cười và những cái chém gió. Trên diễn đàn, trước cấp dưới họ nói rất hay, rất khéo về đạo đức cách mạng, về liêm chính nhưng trong thâm tâm lại nghĩ khác, làm khác. Đã từng dẫn đầu những đoàn đại biểu đi viếng các nghĩa trang Liệt sỹ, họ cũng kính cẩn nghiêng mình nói những lời tri ân, hứa hẹn noi gương học tập và nhỏ những giọt nước mắt…nhưng tất cả chỉ là sự giả tạo. Được gia tiên tiền tổ và sự may mắn của số phận phù hộ họ bắc rạp, tổ chức cỗ bàn mở hội khao cả họ, cả làng, sửa sang tôn tạo lại nơi thờ tự, mua thêm đất cát tu bổ lại khuôn viên nhà cửa, xắm xửa xe cộ… cho xứng tầm. Nhưng tất cả đều có giá, dù có linh thiêng đến mấy cũng chẳng ai phù hộ cho kẻ thoái hóa biến chất, bất tài bất lương, hại dân hại nước.

       Mới đây, tại phiên tòa xét xử vụ cấu kết buôn lậu 198 triệu lít xăng dầu của Cảnh sát biển, Thiếu tướng Lê Văn Minh cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho rằng: Ở thơi điểm móc nối với Phan Thanh Hữu ( giám đốc doanh nghiệp buôn lậu xăng dầu ) ông ta chưa nhận thức được hành vi này là giúp sức cho buôn lậu xăng dầu. Nhận 6,9 tỷ đồng từ Hữu để tạo điều kiện cho các hoạt động buôn lậu xăng dầu xuyên biên giới nhưng ông ta lại ngụy biện đấy không phải là tiền “ hối lộ, ăn chia” mà chỉ là “ quà bình thường, thi thoảng gửi”. Ông ta còn quanh co: Không nhớ đã nhận bao nhiêu lần, cũng không biết cụ thể số tiền mỗi lần…Một loại tướng khốn nạn. Tướng kiểu gì mà trình độ chỉ lùm lùm như đống phân không phân biệt được đâu là của hối lộ, đâu là quà biếu.

       Với Thiếu tướng Lê Xuân Thanh, cựu Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3, còn khốn nạn hơn khi trước tòa ông ta tỉnh queo khai rằng việc Hữu hối lộ thông qua vợ mình là bà: Phan Thị Xuân và cô con gái “ Mình không hay biết gì”. Trong khi bà Xuân khai: nhận 1,8 tỷ đông qua 11 lần Hữu chuyển khoản, bà đều đã nói với chồng nhưng không thấy chồng nói gì. Đốn mạt đến mức phủi tay, đổ hết mọi tội lỗi lên đầu người thân. Loại tướng như thế sẵn sàng cung tiến cả vợ con, bán cả mồ mả cha ông, bán cả đồng đội, cả chủ quyên lãnh thổ cho giặc chứ nói gì đến việc đánh giặc giữ nước. Một loại tướng mạt hạng. Người chỉ huy mà xa đọa như thế thì đơn vị còn đâu sức chiến đấu.

       Trong chiến tranh Quân đội ta không có nhiều tướng, ít nhưng tinh, ít nhưng chất, tướng ra tướng, tá ra tá, lính ra lính. Còn hôm nay khi đất nước thái bình, cuộc sống ngày càng no đủ thì nhiều tướng sinh hư, đổ đốn, dở chứng biến mình thành tướng cướp, tá điền.

       Người ta đã chỉ ra nhiều nguyên nhân, nhưng dễ nhận thấy nhất là công tác quản lý quá lỏng lẻo; thiếu kiểm tra giám sát ; việc đề bạt, phong hàm quá dễ dãi; quy định cấp hàm còn nhiều bất cập, không hợp lí; quy mô tổ chức biên chế không phù hợp; việc nhận xét, đề bạt thiếu dân chủ hoặc nếu có chỉ mang tính hình thức; trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên không rõ ràng…Những vụ việc đình đám trên chủ yếu xẩy ra trong nhiệm kì 2015-2020 nhưng Bộ trưởng, Chủ nhiệm chính trị, Chủ nhiệm UBKT, Chánh thanh tra QĐ…ở thời điểm đó chẳng ai hề hấn gì, thậm chí có người còn được thăng tiến lên sao, lên gạch, thế mới oách chứ.

       Vẫn biết rằng đấy chỉ là những con sâu – nhưng là sâu bự. Những con sâu ấy ít nhiều đang làm méo mó đi hình ảnh bộ đội “ Cụ Hồ” được vun đắp, tô thắm bằng xương máu, mồ hôi và nước mắt của biết bao nhiêu thế hệ cán bộ, chiến sỹ trong suốt gần 80 năm qua.

       Tướng ơi, đau lòng quá!
 

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội


tin tức liên quan