Bộ trưởng LĐ-TB&XH: "6.600 tỷ có sẵn, sao không thể chi cho người cần?"
Bộ trưởng LĐ-TB&XH: "6.600 tỷ có sẵn, sao không thể chi cho người cần?"
Nguồn: Báo Điện tử Dân trí
Người lao động rất chờ đợi khoản tiền hỗ trợ thuê nhà nhưng tiến độ giải ngân chậm. Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng yêu cầu chỉ rõ nơi chậm giải quyết chính sách nhân văn này.
Mở đầu Hội nghị giao ban toàn quốc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ là quyết định nhân văn, nhân ái, cần thiết.
Theo Bộ trưởng, người lao động rất chờ đợi nhận khoản tiền hỗ trợ thuê nhà nhưng tiến độ giải ngân gói chính sách này rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của người lao động. Việc này ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế - xã hội, nhất là ổn định thị trường lao động.
Lấy dẫn chứng cụ thể, Bộ trưởng nêu, tại TPHCM, mức lương bình quân của công nhân dệt may là 6,8 triệu đồng/tháng và bình quân người lao động ở các khu vực công nghiệp, đô thị phải thuê nhà với chi phí trên dưới 1 triệu đồng/tháng (chiếm khoảng 20% mức lương và thu nhập).
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH bày tỏ, người lao động đang gặp phải khó khăn chồng chất chưa kể con cái, học hành, chi phí sinh hoạt, điện nước....
"Hơn bao giờ hết, vấn đề đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động là hết sức cần thiết. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là bổn phận của các ban, bộ, ngành liên quan", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho biết, trong ngày 11/8, Thủ tướng tiếp tục đốc thúc ông, yêu cầu kịp thời biểu dương từng đơn vị làm tốt đồng thời "điểm mặt, chỉ tên", công khai danh sách tất cả các đơn vị còn đang làm chậm chạp, làm rõ hơn nguyên nhân vì sao chậm, chậm do nhận thức, hồ sơ hay do trách nhiệm, chậm do sợ rủi ro, trách nhiệm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sáng cùng này, BHXH Việt Nam báo cáo đã xác nhận hồ sơ cho trên 3 triệu người đề nghị được hỗ trợ tiền thuê nhà. Bộ trưởng cũng điện thoại tới 4 địa phương để nghe cụ thể về tình hình giải ngân tiền hỗ trợ. Theo đó, có tỉnh báo cáo tính đến ngày 4/8 giải ngân được 4,3%, có đơn vị thời điểm đó, tỷ lệ giải ngân đã trên 5% mà đến nay cũng vẫn chỉ... 5%.
Ông Dung yêu cầu tìm cho ra nguyên nhân việc giải ngân ách tắc để có giải pháp tháo gỡ.
"15/8 là hạn cuối nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ nhưng không phải ngày giải ngân cuối cùng. Do đó, các địa phương phải đảm bảo dù hồ sơ có gửi đến sau 23h ngày 15/8 cũng phải nhận, giải quyết" - lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cũng lưu ý, về nguyên tắc, khi nhận hồ sơ, trong 2 ngày phải thẩm định, sau 2 ngày phải giải ngân.
Bộ trưởng chỉ rõ: "Việc giải ngân thực hiện chính sách này có một lợi thế so với đợt giải ngân tiền hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là đã có sẵn địa chỉ, số tài khoản của những người thụ hưởng. Vấn đề ở đây là địa phương băn khoăn về rủi ro nên chậm trễ giải quyết, cố tình khiến người lao động không được thụ hưởng chính sách trong thời điểm này".
"Đây là trường hợp đặc biệt. Thủ tướng ngày nào cũng đôn đốc tôi. Qua đó để thấy trách nhiệm rất cao của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước với vấn đề lo cho người lao động. Tối qua, Thủ tướng nhắn, trưa nay cũng đốc thúc, yêu cầu phải quyết liệt thực hiện, chỗ nào làm tốt thì khen thưởng, chưa tốt thì phê bình, chỉ rõ nguyên nhân chậm chạp", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Ông nhấn mạnh, không lý gì chậm trễ việc này khi mà trong bối cảnh khó khăn, TPHCM cùng hàng loạt tỉnh thành phải phong tỏa để chống dịch mà vẫn giải ngân được 81.000 tỷ đồng, hỗ trợ tới 55 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
"TPHCM và 23 tỉnh thành phía Nam nhiều tháng liền trong hoàn cảnh phong tỏa, đi lại khó khăn như thế mà chúng ta làm được, tại sao đến giờ lại không làm được? Chưa bao giờ thủ tục, quy định giản đơn như hiện nay, chỉ cần có xác nhận của nhà chủ, người lao động chuyển cho BHXH xác nhận và chi tiền. Vậy vấn đề là do khâu tổ chức thực hiện?" - ông Dung nêu hàng loạt câu hỏi.
Nghịch lý khác Bộ trưởng Lao động chỉ ra, những đợt thực hiện các chính sách an sinh trước còn khó khăn để thu xếp nguồn lực, giờ gói 6.600 tỷ này, tiền về các địa phương cả rồi mà vẫn chưa giải ngân được. Ông cương quyết chốt lại, ngày 15/8 kết thúc nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ, 30/8 phải hoàn thành việc giải ngân.
6.600 tỷ hỗ trợ 3,4 triệu lao động, mới 1 triệu người nhận 730 tỷ
Theo báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến nay, có 60/63 tỉnh, thành cả nước có doanh nghiệp, người lao động nộp hồ sơ (2 tỉnh Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng thụ hưởng).
Cụ thể, đã có 2.844.944 lao động tại 56.351 doanh nghiệp được đề nghị hỗ trợ, tổng kinh phí trên 1.883 tỷ đồng. Tuy nhiên, mới có trên 1 triệu lao động được nhận tiền hỗ trợ với số tiền hơn 728 tỷ đồng (đạt 11,23% so với dự kiến).
Một số địa phương như Đồng Nai, Hải Dương… đã giải ngân gần hết đối tượng nhưng do dự kiến ban đầu cao hơn so với thực tế.
Tính đến thời điểm hiện tại có 56/63 tỉnh, thành phố thực hiện giải ngân cho người lao động. Tuy nhiên, có 4 địa phương đã có đối tượng đề nghị và quyết định phê duyệt nhưng chưa thực hiện giải ngân: Hà Giang, Bắc Kạn, Sơn La, Phú Yên).
Hà Nội (12,32%), Bắc Giang (39,42%), Đồng Nai (24,27%)…là 3 trong 6 tỉnh đã phê duyệt kinh phí và giải ngân hỗ trợ cho nhiều người lao động.
Ngoài 4 địa phương chưa thực hiện giải ngân thì còn một số tỉnh, thành phố đã giải ngân nhưng tiến độ rất chậm như: An Giang (0,08%), Hải Phòng (0,2%), Kiên Giang (0,23%), Bình Định (0,47%), rất nhiều tỉnh khác tỉ lệ giải ngân dưới 1% như Quảng Ngãi, Nghệ An, Vĩnh Long, Thanh Hóa…
Đặc biệt một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng rất lớn nhưng việc giải ngân vẫn đang rất thấp như: Kiên Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Long An…
( C. H sưu tầm)