Bắc Kinh ngược dòng thế giới, phát đi tín hiệu lo ngại

Ngày đăng: 01:30 16/08/2022 Lượt xem: 184

                        Bắc Kinh ngược dòng thế giới, phát đi tín hiệu lo ngại

                                                      Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Chính quyền Trung Quốc vừa có hành động ngược dòng thế giới khiến các thị trường phản ứng mạnh. Lo ngại về sự bất ổn nhanh chóng lên cao.


Bất ngờ ngược dòng thế giới

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản nhằm tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid và thị trường bất động sản suy thoái.

Cụ thể, PBOC hạ lãi suất cho các khoản vay trung hạn cho một số tổ chức tài chính bớt 10 điểm cơ bản từ mức 2,85% xuống 2,75%, trái ngược với dự báo lãi suất sẽ được giữ nguyên không đổi.

Trên Reuters, chuyên gia tại Ngân hàng ANZ tại Trung Quốc nhận xét rất ngạc nhiên về quyết định cắt giảm này.

Hành động của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ngân hàng trung ương hầu hết các nước đang đẩy thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát đang ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Từ đầu năm cho tới nay, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã 4 lần tăng lãi suất nâng lên mức 2,25-2,5% như hiện nay và có thể tăng thêm 75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 9 tới. Mỹ đang chống chọi với lạm phát ở vùng đỉnh cao 40 năm qua.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc PBOC (Ảnh: Reuters).

Hôm 21/7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lần đầu tiên sau 11 năm tăng lãi suất cơ bản thêm 50 điểm phần trăm và chính thức kết thúc thời gian dài duy trì lãi suất ở mức âm trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế.

ECB duy trì lãi suất trong trạng thái âm suốt từ năm 2014 nhằm giúp nền kinh tế Eurozone ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công khu vực và đại dịch Covivd-19. ECB được dự báo sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát ở mức cao kỷ lục và đồng Euro tụt giảm, có lúc xuống còn 0,98 USD đổi 1 Euro.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh cũng có những động thái đi ngược với thế giới. Giữa lúc cả thế giới cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và 2021 để hỗ trợ kinh tế bị suy giảm bởi đại dịch Covid-19 thì Trung Quốc tăng lãi suất để hạ nhiệt thị trường bất động sản.

Chính sách siết tín dụng bất động sản khiến thị trường bất động sản và tài chính Trung Quốc chao đảo. Ông lớn bất động Evergrande rơi vào tình cảnh vỡ nợ với trái phiếu giảm giá cả trăm lần.

Làn sóng ngưng trả nợ tiền vay mua nhà bùng lên tại Trung Quốc (với ít nhất 100 dự án ở hơn 50 thành phố), đe dọa cả ngành tài chính và bất động sản nước này. Cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản tụt giảm.

Chính sách Zero Covid cũng là cú ngược dòng với thế giới trong việc phòng và chống đại dịch. Hiện Trung Quốc vẫn thực hiện nghiêm ngặt chính sách này khiến nhu cầu đối với nhiều mặt hàng giảm.

Trung Quốc phát tín hiệu xấu, thế giới chao đảo

Ngay sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách tiền tệ mới, thị trường tài chính và hàng hóa thế giới biến động mạnh.

Chỉ số DXY - đo lường biến động của đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới - tăng vọt từ 105 điểm lên 106,3 điểm. Đồng USD mạnh lên, trong khi giá vàng giảm nhanh xuống dưới ngưỡng 1780 USD/ounce.

Giá dầu WTI trên thị trường châu Á và châu Âu (chiều 15/8 giờ Việt Nam) giảm khoảng 4% xuống ngưỡng 88 USD/thùng (so với mức trên 120 USD/thùng hồi đầu tháng 6).

Giá dầu giảm sau khi Trung Quốc công bố một loạt số liệu kinh tế tháng 7 khá xấu. Số lượng đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc tụt giảm. Đây là tín hiệu khiến nhiều người lo ngại sức cầu tiêu dùng trên thế giới suy thoái.

Một góc hào nhoáng của Trung Quốc. (Ảnh: Al Jazeera)

Doanh số bán lẻ, đầu tư và sản xuất công nghiệp tháng 7 của Trung Quốc đều thấp hơn so với ước tính của Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS). Theo ANZ, số liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc rất đáng báo động. Chính sách “Zero Covid” tiếp tục gây tổn thương nhiều lĩnh vực.

NBS cho hay, giá trị sản lượng công nghiệp trong tháng 7 của Trung Quốc chỉ tăng 3,8% so với cùng kỳ, so với mức 3,9% trong tháng 6 và thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế quốc tế là khoảng 4,5%. Doanh thu bán lẻ tăng 2,7%, thấp hơn 0,4% so với tháng 6.

Trên Bloomberg, các nhà kinh tế cho rằng, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3,8% trong năm nay, thấp hơn nhiều so với mục tiêu. Và việc PBOC hạ lãi suất cho thấy mức độ nghiêm trọng của các thách thức tăng trưởng.

Nhiều chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản Trung Quốc khó sớm hồi phục. Số liệu trên South China Morning cho thấy, Trung Quốc đang ôm một “quả bom nổ chậm” với 50 triệu căn hộ không có người ở. Tỷ lệ bỏ trống bình quân tại thị trường bất động sản Trung Quốc đại lục đứng thứ 2 chỉ sau Nhật, với tỷ lệ là 12,1%.

Còn theo Capital Economics, con số nhà trống của Trung Quốc còn cao hơn thế. Trong năm 2021, hãng này ước tính Trung Quốc đại lục có khoảng 30 triệu căn hộ chưa bán được và khoảng 100 triệu căn hộ khác có thể đã được mua nhưng chưa có người ở.

Theo S&P Global Ratings, doanh thu bất động sản tại Trung Quốc có thể giảm 1/3 trong 2022 và giá nhà bình quân có thể giảm 7%. Dự báo này thực sự đang ngại và nó có thể ảnh hưởng tới thị trường tài chính của nền kinh tế số hai thế giới.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc cũng trở nên kém tươi sáng sau khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, đặc biệt sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Hôm 12/8, 5 công ty nhà nước của Trung Quốc thông báo sẽ hủy niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York trong tháng này. Hồi tháng 5/2022, 5 công ty này bị cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ cảnh báo về việc không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan