"'Bệnh' giấy tờ" - Góc nhìn của Đỗ Chí Nghĩa - Nhà báo, Đại biểu Quốc hội

Ngày đăng: 07:32 08/09/2022 Lượt xem: 192

'Bệnh' giấy tờ

Đỗ Chí Nghĩa

Đỗ Chí Nghĩa

Nhà báo, Đại biểu Quốc hội

Một cặp vợ chồng gần 80 tuổi, đi làm hồ sơ nhà đất được yêu cầu trình giấy đăng ký kết hôn.

Hai cụ sống với nhau ngót 60 năm, giấy kết hôn làm từ thời chiến tranh ở quê đã thất lạc từ bao giờ. Bù lại, giấy khai sinh con cái, hộ khẩu ghi rành rành là vợ chồng, hồ sơ lý lịch cơ quan xác nhận tình trạng hôn thú đầy đủ. Hai cụ cư trú ở phường mấy chục năm, cán bộ phường hay tổ dân phố đều có thể xác nhận. Nhưng thủ tục ghi phải có giấy đăng ký kết hôn.

"Phiền hai bác về quê xin lại bản gốc, hoặc xin xác nhận của phòng tư pháp huyện là không còn hồ sơ, xong lên đây làm đơn xin đăng ký kết hôn lại", cán bộ yêu cầu như thế. Giấy đăng ký kết hôn chỉ là một trong tám loại giấy tờ thủ tục (gồm bốn loại bắt buộc và bốn loại có thể cần dùng đến) mà người mua bán bất động sản phải chuẩn bị.

Hai ông bà gần 80 phải về quê cách mấy trăm km, trình bày lại từ đầu, rồi đơn từ, rồi hồi hộp chờ. May mắn là con cái nhiệt tình đưa đón và ở quê còn có manh mối thân quen để nhờ vả. Rốt cuộc, hai cụ cũng lo đủ thủ tục để run run ký lại vào Giấy đăng ký kết hôn, chỉ để bán căn hộ tập thể mấy chục mét vuông lấy tiền dưỡng già.

Họ vẫn may mắn được giải quyết. Còn vô số trường hợp chỉ vì thiếu mảnh giấy từ thời nào, chạy lên chạy xuống như lạc vào mê cung mà vẫn chịu chết. Căn bệnh "tin giấy hơn tin người", đẩy trách nhiệm và thiệt thòi về phía người dân không thể coi là đặc trưng của một nền công vụ tiên tiến và hiện đại.

Cách đây hai hôm, Bộ Công an đột kích nhiều "lò" làm giấy tờ giả. Những kẻ cầm đầu tạo ra fanpage trên mạng, nhận làm các loại bằng cấp, giấy tờ như: hộ chiếu, bằng lái và đăng ký xe, bằng đại học, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm ngân hàng... Có cầu thì có cung, một nền hành chính trọng giấy tờ, bằng cấp đã làm nảy sinh loại tội phạm sản xuất cả những loại giấy rất đơn giản như bằng lái xe, bằng đại học...

Năm 2013, tôi đến thăm Tòa thị chính Vienna (Áo). Ấn tượng lớn nhất là phòng tiếp dân đặt trang trọng chính giữa tầng 2 toà nhà, lối lên có trải thảm đỏ, trong phòng có lọ hoa và cả bánh kẹo bày sẵn trên chiếc bàn rộng, có rất nhiều ghế bao quanh. Thế nhưng, không thấy có bóng công dân nào lai vãng đến "xin" giấy. Hỏi ông phụ trách văn phòng, ông cười bảo "trách nhiệm của chúng tôi là phải mở rộng cửa giải quyết mọi nhu cầu của công dân". Nhưng chủ yếu người dân gửi yêu cầu qua email, và cơ quan hành chính phải hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục, giúp người dân tận dụng các dữ liệu được phép tiếp cận để giải quyết công việc. "Cứ ở nhà mà việc đã giải quyết xong thì họ còn đến tận đây làm gì nữa?".

TP HCM mới đây đề xuất tăng biên chế cho cấp phường. Lý do đưa ra là dân số mỗi phường trung bình cao gấp hai lần mức trung bình cả nước, cá biệt, có những phường trên 100.000 dân nhưng số công chức bố trí vẫn không khác gì các phường vài chục nghìn dân. Áp lực công việc lớn, thu nhập thấp, nhiều công chức đã dứt áo ra đi.

Thế nhưng, với núi thủ tục và quy định phiền phức hiện nay, nếu thành phố được tăng thêm biên chế như đề xuất, liệu áp lực công việc có bớt; làn sóng công chức xin thôi việc có dừng lại và đặc biệt dân có bớt khổ khi phải đến cửa công?

Tăng người có thể giải quyết được phần ngọn. Nhưng với hàng trăm loại thủ tục hành chính, từ to như nhà đất đến nhỏ li ti như cái giấy chứng nhận đang cư trú trên địa bàn, người dân đều phải sấp ngửa ra phường. Để có cái giấy đấy lại phải trưng ra nhiều giấy khác chứng minh. Mà giấy tờ qua nhiều năm, cái rách, cái cũ, cái thất lạc, cái chưa hợp lệ, trong khi việc gì cũng cấp thiết. Nhiều phòng làm việc không được thiết kế theo công năng tiếp dân, vừa nóng bức vừa hạn chế chỗ ngồi. Dân bức xúc mà cán bộ hành chính cũng mệt mỏi.

Điều quan trọng của một nền hành chính là quy định rõ ràng, thủ tục minh bạch, giản tiện và đặc biệt công chức có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chính đáng của người dân. Công chức sợ trách nhiệm, nép vào các quy định cứng nhắc, lạc hậu, thậm chí làm cho nó cứng nhắc và lạc hậu hơn để trục lợi thì còn nguy hại nữa. Lương công chức quá thấp, sự mong ngóng cái phong bì có thể làm lệch lạc hành vi công vụ. Nhiều công chức thấy sai sót không nói ngay mà cứ nhỏ giọt hướng dẫn, rồi gắt gỏng, khó chịu kiểu ban phát.

Dù còn nhiều trở ngại, TP HCM cũng như các địa phương, bộ ngành khác đã có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính. Bộ Công an đang gấp rút triển khai xây dựng dữ liệu dân cư. Với sự liên kết dữ liệu hiện nay, kỳ vọng các ngành, lĩnh vực có thể liên thông dữ liệu để giải quyết thủ tục cho dân nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Giải pháp quan trọng hơn là mạnh tay cắt giảm thủ tục hành chính, chữa tận gốc "căn bệnh giấy tờ". Nếu không sẽ còn nhiều địa phương xin thêm biên chế và người dân đóng thuế vẫn muôn nỗi khổ ải khi tìm đến ô cửa hẹp giải quyết thủ tục hành chính ở các cơ quan công quyền.

Đỗ Chí Nghĩa
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan