Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Vietnam Airlines nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc và khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp sẽ phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng.
Theo Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines hiện phụ thuộc sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ, việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ ngân hàng, các khoản phải trả cho nhà cung cấp, bên cho thuê.
Theo Deloitte, tới cuối quý II/2022, khoản nợ ngắn hạn của hãng hàng không quốc gia Việt Nam đã vượt quá tài sản ngắn hạn.
Cụ thể, tới cuối quý II/2022, Vietnam Airlines ghi nhận vốn chủ sở hữu âm gần 4,9 nghìn tỷ đồng. Nợ ngắn hạn ở mức rất lớn ở mức gần 52,7 nghìn tỷ đồng, vượt xa so với tài sản ngắn hạn, vốn chỉ ở mức 16,2 nghìn tỷ đồng. Các khoản phải trả quá hạn của Vietnam Airlines là gần 10,5 nghìn tỷ đồng.
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng vừa đưa ra lưu ý khả năng hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines (HVN). HVN đã vi phạm cả 3 yếu tố mà theo quy định sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.
Theo quy định, cổ phiếu của một công ty có thể bị hủy niêm yết nếu kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tiếp hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Vietnam Airlines ghi nhận lỗ lũy kế lên tới trên 28,9 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Trong phiên giao dịch 8/9, cổ phiếu HVN giảm sàn xuống 15.150 đồng/cp. Trong 6 tháng qua, cổ phiếu này đã giảm hơn 10.000 đồng/cp, từ mức trên 25.000 đồng/cp xuống mức như hiện tại.
Nhiều nhà đầu tư lo ngại Vietnam Airlines sẽ không dễ có thêm được một lần giải cứu như trong năm 2021 sau khi hãng hàng không này cũng rơi vào tình trạng tương tự, thua lỗ và bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Trong năm 2021, Vietnam Airlines cũng ghi nhận dòng tiền âm lớn và sau đó có được gói giải cứu 12 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho thanh khoản. Hồi tháng 9/2021, hãng đã phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (Nhà nước nắm hơn 86%) tăng vốn thêm 8 nghìn tỷ đồng. Trước đó, Quốc hội và Chính phủ đồng ý “giải cứu” Vietnam Airlines thông qua việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn 4 nghìn tỷ đồng cho các tổ chức tín dụng sau khi các tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, gói giải cứu quy mô lớn này có lẽ chỉ giúp Vietnam Airlines có thanh khoản tới đầu 2022.
Vietnam Airlines gần đây đẩy mạnh tái cấu trúc như bán tài sản (máy bay, cổ phần) nhưng gặp nhiều khó khăn vì thủ tục pháp lý và trở nên bi đát hơn khi giá nhiên liệu bay tăng cao đã làm tăng chi phí hoạt động. Trong khi đó, nhiều đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại khiến lượng khách của hãng sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng khách quốc tế tới Việt Nam vẫn rất ít so với trước đại dịch.
Khả năng giải cứu lần 2 đối với Vietnam Airlines trở nên khó khăn hơn khi Chính phủ dồn lực để chống lạm phát và Ngân hàng Nhà nước cũng sát sao kiểm soát tiền vào nền kinh tế trước thực trạng giá cả leo thang kỷ lục trên thế giới.
Câu chuyện làm ăn kinh tế và nhiệm vụ chính trị của Vietnam Airlines đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Cho đến nay, Vietnam Airlines đã hoàn thành Đề án cơ cấu lại tổng công ty giai đoạn 2021-2025, đã báo cáo cổ đông và cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đề án, năm 2022, Vietnam Airlines sẽ thực hiện đồng bộ 3 giải pháp để khắc phục tình trạng lỗ hợp nhất và âm vốn chủ sở hữu hợp nhất.
Theo đó, Vietnam Airlines sẽ cải thiện kết quả kinh doanh vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất để không đẩy lỗ lũy kế tăng cao trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn và tiến tới có lãi trong các năm sau.
Tổng công ty sẽ tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền. Trong kế hoạch trước đó, Vietnam Airlines cho biết sẽ bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính, thực hiện chủ yếu từ 2022-2024.
Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trái ngược với sự thua lỗ của hãng hàng không quốc gia, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo trong khi đó ghi nhận báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 với kết quả khá tích cực. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 181 tỷ đồng, nâng lũy kế 6 tháng đầu năm lên gần 426 tỷ đồng.
Doanh thu hợp nhất quý II/2022 của VietJet đạt gần 11,6 nghìn tỷ đồng, lũy kế đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh gấp vài lần so với cùng kỳ năm trước và đã cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 thời kỳ trước đại dịch Covid-19.
Kết quả kinh doanh quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2022 của VietJet là khá ấn tượng và nó phản ánh sự hồi phục về nhu cầu đi lại tăng cao sau đại dịch.
Rủi ro tăng lên
Theo VDSC, thị trường tiếp tục lùi bước khi mức giảm giá vừa qua của một số nhóm ngành lớn chưa đủ hấp dẫn, từ đó, khiến nhiều cổ phiếu tiếp tục bị bán mạnh phiên 8/9. Tín hiệu hỗ trợ tại 1.250 điểm của VN-Index trong quá khứ đã bị phủ nhận khi lực cầu không có dấu hiệu gia tăng. Do đó, thị trường có khả năng sẽ tiếp tục chịu áp lực và giảm về quanh vùng hỗ trợ 1.220 của VN-Index.
Theo YSVN, thị trường có thể tiếp tục đà giảm và VN-Index kiểm định lại đường trung bình 50 phiên trong phiên giao dịch 9/9. Đồng thời, thị trường có thể giảm vào vùng quá bán cho nên sẽ xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật. Nhưng rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư ngắn hạn tiếp tục bi quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Chốt phiên giao dịch 8/9, chỉ số VN-Index giảm 8,67 điểm xuống 1.234,6 điểm. HNX-Index giảm 1,91 điểm xuống 282,16 điểm. Upcom-Index giảm 0,07 điểm xuống 90,31 điểm. Thanh khoản đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, trong đó có 14,4 nghìn tỷ đồng trên HOSE.
( C. H sưu tầm)