Cán bộ bị kỷ luật tự nguyện từ chức hay là nô lệ của quyền lực?

Ngày đăng: 07:30 10/09/2022 Lượt xem: 122

Cán bộ bị kỷ luật tự nguyện từ chức hay là nô lệ của quyền lực?

Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Tự nguyện từ chức sẽ là một quá trình đấu tranh tự thân rất vất vả và nội tâm giằng xé bởi lợi lộc, điều tiếng danh dự và cái tôi của người cán bộ, nhất là với những người “tham quyền cố vị”, là “nô lệ của quyền lực”.
 

Nhằm đảm bảo sự vững mạnh, liên thông, liên tục của hệ thống với cơ chế “có vào, có ra, có lên, có xuống”, ngày 8/9, Bộ Chính trị đã có kết luận về việc chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. 

Điểm nhấn trong kết luận này là việc khuyến khích những cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh “việc xử lý cán bộ cốt để sửa, cốt để tiến bộ, để trưởng thành và tốt nhất là tự giác thấy mà sửa đi“.

Do vậy, thay vì phải tiến hành rất nhiều công đoạn một quy trình cứng mang tính bắt buộc, thậm chí gây “nặng nề” về cả tâm lý và công việc cho những ai tham gia thì việc làm trước hết có tính chất “đồng chí” và nhân văn hơn cả, đó là động viên, khơi dậy và khích lệ những cán bộ trong hệ thống chính trị tự nguyện từ bỏ các chức vụ đang đảm nhiệm.

Có thể vì nhiều lý do khác nhau đến từ cả chủ quan lẫn khách quan khiến nhiều người trót nhúng chàm bởi những “viên đạn bọc đường” dẫn tới chuyện tham nhũng, tiêu cực mà không ít cán bộ lãnh đạo đã bị Đảng kỷ luật ở ngưỡng cảnh cáo và khiển trách. Nhưng dù ở mức độ nào đi chăng nữa thì việc cứ ngồi yên tại vị hoặc thụ động nghe ngóng các quy định mới có “chiếu” đến mình không đều là hành động làm suy yếu và trì trệ bộ máy.

Trong quá khứ công tác có thể vì nể nang, chờ thời hoặc “mũ ni che tai”, cũng như làm việc kiểu “tàng, tàng, làng nhàng” (thiếu quyết liệt) của một số cấp phó, cấp dưới khiến những người đứng đầu thiếu đi những tham mưu đúng đắn và các lực cản cần thiết rồi để cơ quan, đơn vị mình vi phạm. 

Rồi chính các cấp dưới ấy vì tình thế, vì sự đã rồi sau đại hội hoặc do công tác tổ chức (đã quy hoạch, đã bầu và kỉ luật chùm) lại tiếp tục nắm giữ các vị trí quyền lực thì việc các cơ quan nhà nước khó có thể có những nhân tố tích cực mới cho sự phát triển.

Quan sát những cán bộ lãnh đạo đã từng bị kỷ luật ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo, dư luận và người dân đều có sự cảm thông nhất định bởi các vi phạm là do điều kiện khách quan và chủ quan như đã nêu. Tuy vậy, cũng không thể vì điều đó ảnh hưởng tới sự nghiệp chung của Đảng. 

Chỉ cần chú ý khi lắng nghe những phát biểu tại các cuộc họp hoặc sự xuất hiện của họ trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số người tinh tường nhận ra ngay những biểu hiện của sự làm dáng “tự tin” nhưng thiếu nét “tự nhiên” của họ. Những cố gắng “gồng mình” kéo lại chút hình ảnh, uy tín của cơ quan, đơn vị họ từ tâm thế không còn vững như trước.

Từ thực tế cân nhắc những cố gắng của các cá nhân bị kỷ luật trong suốt quá trình công tác, cống hiến cho Đảng, kết luận mới của Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ vi phạm từ chức sẽ được bố trí, phân công các công việc phù hợp và kết luận có tính tới yếu tố tâm tư, tình cảm của lứa cán bộ này. 

Những biện pháp như sắp xếp để họ trở về làm chuyên môn, chuyên ngành của mình, được nghỉ hưu trước tuổi, hoặc được thử thách, phấn đấu ở cấp độ thấp hơn và tiếp tục xem xét nếu có những đóng góp tích cực cũng như còn đủ thời gian công tác thì cất nhắc, đề bạt như một định hướng cho một quy trình chính trị mới đối với họ.

Là một đất nước chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông và coi trọng việc học để làm quan, người Việt đã phát huy rất tích cực yếu tố quan trường đó. Tuy nhiên, sự chi phối nặng nề bởi tâm niệm đó là cả một sự hạn chế tai hại. Cổ xúy một cách thái quá cho việc học để làm quan và tìm mọi cách để leo lên các nấc thang quyền lực khiến con người rất khó khước từ, rũ bỏ và tự nguyện xa rời một vị trí có chức sắc và quyền lợi sau vi phạm. 

Hiện tượng “tham quyền cố vị”, đam mê hoặc là “nô lệ của quyền lực” khiến những cán bộ lãnh đạo vi phạm không dễ dàng thay đổi được tâm lý. Đây sẽ là một quá trình đấu tranh tự thân rất vất vả và nội tâm giằng xé bởi lợi lộc, điều tiếng danh dự và cái tôi của người cán bộ. 

Với kinh nghiệm cầm quyền dày dặn nghệ thuật của Đảng ta thì việc áp chiếu, cứng rắn sử dụng các công cụ, quy định để “nhấc, gắp, chuyển” các cá nhân bị kỷ luật chỉ là vấn đề của thời gian và hoàn thiện chế tài. 

Do vậy, gợi mở trước một bước về tính chủ động và khuyến khích cán bộ vi phạm trong hệ thống của mình từ chức là một động thái rất “con người”, rất nhân văn và hợp tình hợp lý. Sự “tính toán” trong kết luận này của Đảng về tính tự nguyện sẽ giúp các cá nhân vi phạm quay lại một quy trình chính trị của mình với cách nhẹ nhàng và dễ chịu nhất.

Trước bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến sôi động của tình hình kinh tế - chính trị, Đảng ta rất cần một đội ngũ cán bộ kế cận mới, có tư duy hơn, nhiệt huyết hơn và đặc biệt là có cơ hội và môi trường để thúc đẩy các khả năng và tài năng của họ. Mọi sự lùi lại chủ động của thế hệ đi trước có ý nghĩa rất lớn lao và là giá đỡ tinh thần cũng như kinh nghiệm quý để lứa cán bộ sau quan sát, học tập và thực hành. 

Những kinh nghiệm về cả thành công lẫn hạn chế nói cách khác là thất bại trong quá trình tham chính đều có giá trị như nhau cho thế hệ sau. Và sự nghiệp chính trị của mỗi người cán bộ là sự nghiệp mà sau khi rời bỏ những thứ đeo, khoác trên mình (chức tước, danh vọng) thì bản thân vẫn nguyên vẹn là một con người theo đúng nghĩa. 

Như vậy, có thể thấy kết luận mới của Bộ Chính trị trong việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo từ chức đã đảm bảo và giữ trọn vẹn yếu tố nhân văn, nhân bản trong công tác cán bộ của mình.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan