Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thể bằng hình thức bỏ phiếu kín hôm 21/10.
Trước đó, thông tin về việc xem xét miễn nhiệm Bộ trưởng Thể do "nguyện vọng cá nhân" được đưa ra tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Có không ít tranh cãi về thông tin này. Nhiều người cho rằng đó là công việc bình thường được thực hiện theo thẩm quyền "phê chuẩn miễn nhiệm" của Quốc hội đối với nhân sự cấp cao. Nhưng cũng có ý kiến băn khoăn vì việc "miễn nhiệm bộ trưởng theo nguyện vọng cá nhân" được áp dụng ngay sau kỳ họp thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, khi ba cán bộ vừa được "cho thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII" sau khi bị kỷ luật cảnh cáo.
Dù thế nào thì công tác nhân sự cấp cao này cũng cần được xem xét trên nhiều góc độ.
Ông Nguyễn Văn Thể được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng, nhiệm kỳ 5 năm (2021-2026) tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV. Giao thông vận tải luôn là vấn đề nóng, nhất là các lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, logistics, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, liên kết vùng, phát triển kinh tế. Ngành còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng ông Thể cũng thể hiện là một bộ trưởng xông pha, có trách nhiệm và sâu sát với công việc. Trong Thông báo công khai sau hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung ương, phần "Trung ương kỷ luật cán bộ" không có trường hợp ông Thể.
Theo Luật Tổ chức Quốc hội về miễn nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội phê chuẩn, thì miễn nhiệm được hiểu là "trường hợp bình thường", thường thực hiện vào đầu một nhiệm kỳ mới của Quốc hội, Chính phủ hoặc khi có những thay đổi nhân sự cấp cao trong bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên, theo Quy định 41-QĐ/TW thì "Miễn nhiệm là việc cấp có thẩm quyền quyết định cho cán bộ thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức" (Khoản 1, Điều 2).
Có sáu căn cứ xem xét miễn nhiệm cán bộ: Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao; Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm; Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác và Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
Như vậy, khái niệm "miễn nhiệm" đang có "độ chênh" giữa quy định trong Đảng và pháp luật Nhà nước, trong khi nhân sự chủ chốt các cấp trong bộ máy Nhà nước đều do cấp ủy Đảng giới thiệu, đề cử để các cơ quan Nhà nước bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm. Nếu "độ chênh này" vẫn tiếp tục, thì việc "miễn nhiệm" bình thường các chức danh trong bộ máy Nhà nước trong trường hợp tương tự dễ bị hiểu là "có vấn đề". Người dân khó phân biệt được đâu là cán bộ được "miễn nhiệm bình thường" và cán bộ bị "miễn nhiệm sau kỷ luật".
Công tác cán bộ là vấn đề hệ trọng của mọi tổ chức, là nguyên nhân của mọi thành bại. Đánh giá công chức là khâu then chốt trong công tác cán bộ. Hiện tại, việc thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn được triển khai thông qua quy trình lấy phiếu tín nhiệm. Lá phiếu cũng sẽ có vai trò quyết định đối với trường hợp miễn nhiệm các chức danh.
Biện pháp "dùng phiếu" là công cụ đắc lực để cơ quan dân cử làm tốt hơn vai trò giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả quản lý điều hành của các chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước, có tác dụng kiểm soát quyền lực, kiềm chế lạm dụng quyền lực, góp phần phòng ngừa và chống tham nhũng. Song, nếu lá phiếu được dùng cảm tính, thiếu tiêu chí đánh giá rõ ràng cho từng chức danh, công việc quản lý, thì chẳng những không đáp ứng được kỳ vọng mà còn cổ xúy cho "bệnh thành tích".
Việc lãnh đạo, điều hành của một số cán bộ đang đứng trước nguy cơ bị "vo tròn" thành "tư duy niên kỳ" theo các đợt lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ví dụ, để có thành tích học sinh đậu tốt nghiệp cao, thì giải pháp dễ được chọn không phải là "nâng cao chất lượng dạy và học" mà là ra đề thi dễ, tổ chức thi không khó.
Mấu chốt của "lá phiếu" cán bộ là trao niềm tin, chọn lựa người tài, tạo động lực làm việc, trách nhiệm cho người lãnh đạo chứ không phải làm vừa lòng người bỏ phiếu. Vì vậy, bên cạnh lá phiếu, theo tôi, một cơ chế giám sát cán bộ toàn diện hơn, trong đó có liên quan đến việc phê chuẩn, miễn nhiệm các chức danh theo luật định là rất cần được bổ sung, trước yêu cầu công tác cán bộ và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền.
Nhiều nước trên thế giới từ lâu đã áp dụng phương pháp phản hồi 3600 vào khu vực công. Phản hồi 3600 là cách đánh giá nhân sự thông qua thu thập thông tin đa chiều. Phương pháp này bao gồm nhận xét từ cấp trên trực tiếp, người đồng cấp, cấp dưới trực tiếp, khách hàng và tất cả những người thường xuyên làm việc với người được đánh giá.
Bộ trưởng và các chức danh tương tự trong bộ máy Nhà nước vừa là đảng viên, vừa là cán bộ cao cấp ở các vị trí chủ chốt tại các cơ quan Nhà nước, ngoài cơ chế giám sát trong Đảng, tổ chức, rất cần được cử tri, nhân dân giám sát 3600. Phương pháp mang tính toàn diện, khách quan này sẽ nuôi dưỡng cán bộ, trước tiên là buộc họ phải tự rèn luyện mình, lễ độ với nhân dân, khắc phục tình trạng cán bộ thiếu năng lực cần thiết, chỉ "làm theo sự phân công của Đảng".
Phản hồi 3600 đã áp dụng trên thế giới từ thập niên 1950, tuy nhiên ở Việt Nam mới chỉ xuất hiện trong khối tư nhân.
Tất nhiên, chất lượng giám sát, đánh giá chịu sự tác động từ nhiều yếu tố như chủ thể, tiêu chí, thời điểm, mục đích, phương pháp, công cụ và quy trình đánh giá. Các tiêu chí cần được xây dựng rõ ràng, cụ thể để nhận biết, đánh giá công bằng.
Tính khoa học trong phương pháp thực hiện và sự minh bạch trong tiêu chí đánh giá cán bộ sẽ giúp loại bỏ được những băn khoăn về các trường hợp miễn nhiệm là bình thường hay có vấn đề.
Trần Hữu Hiệp
(PS st theo VnExpress)