"Việc di dời tòa nhà Cục Tác chiến" - Bàn luận của Thiếu tướng Hoàng Kiền và Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền

Ngày đăng: 06:40 04/12/2022 Lượt xem: 1.592
VIỆC DI DỜI TOÀ NHÀ CỤC TÁC CHIẾN
 
       Trong những ngày vừa qua rất nhiều câu hỏi xung quanh việc di dời tòa nhà Cục Tác chiến đã được đưa lên các trang báo, các trang mạng xã hội.
       Cụ thể như sau:
       Ý kiến của các nhà khoa học lịch sử:
      Tại buổi hội thảo báo cáo kết quả khảo cổ học hôm 22-11, các nhà khoa học có mặt đều thống nhất quan điểm "hạ giải" tòa nhà bởi công trình này không ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của Hoàng thành Thăng Long.
      Phó GS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - nói: "Kết quả khảo sát năm 2007 cho thấy đây không phải là di tích lịch sử và không có giá trị sử dụng theo đánh giá phân loại của hội đồng khoa học TP".
...
       Theo phương án thực hiện, Hoàng thành Thăng Long sẽ di chuyển cây xanh, hiện vật của nhà Cục Tác chiến về kho tạm và di chuyển về nhà Cục Tác chiến tại vị trí mới; hạ giải nhà N2B (diện tích 175,7 m2); làm đường di chuyển, làm móng mới, gia cố công trình trước khi di chuyển; di dời nhà Cục Tác chiến diện tích 940 m2 về vị trí nhà N2B cũ; hoàn thiện, sửa chữa công trình; chỉnh trang, hoàn trả lại phần sân vườn diện tích khoảng 2.800m2...Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Sẽ di chuyển nhà Cục Tác chiến, không di chuyển hầm; Biện pháp thi công sẽ hoàn thiện với báo cáo khả thi; Do báo cáo khả thi chưa được phê duyệt nên chưa thực hiện đến bước lựa chọn nhà thầu thi công.


Tòa nhà Cục Tác chiến - Ảnh trong “nhìn từ điện Kính Thiên” 
 
        MẤY Ý KIẾN CỦA CHÚNG TÔI:
       Là một cựu chiến binh, Kỹ sư công trình quân sự - Nguyên Tư lệnh Công binh, tôi cùng Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền - Nguyên Cục trưởng Cục tác chiến một thời cùng công tác, trao đổi, thống nhất ý kiến như sau.
Nhà Cục Tác chiến
       Từ năm 1955 sau ngày tiếp quản Thủ đô, Cục Tác chiến đã đóng trụ sở tại tòa nhà nằm trong di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Nhà Cục Tác chiến là nơi nghiên cứu soạn thảo các Quyết tâm, Kế hoạch tác chiến chiến lược trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và các cuôc chiến tranh bao vệ Tổ quốc. Đặc biệt là trong chiến dịch " Hà Nội - Điện Biên phủ trên không" năm 1972 và "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975". Đây là Sở chỉ huy của Bộ Tổng tham mưu trong chiến tranh. Trong đó Quyết tâm Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã 8 lần thông qua Bộ chính trị tại nhà Cục Tác chiến (theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiến kể lại với tôi).
       Sau nửa thế kỷ, Bộ Quốc phòng mới bàn giao tòa nhà cho UBND TP Hà Nội quản lý. Từ 2004, tòa nhà thuộc di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là di tích quan trọng của Tổng hành dinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975. Tòa nhà Cục Tác chiến đã ghi dấu ấn của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
       Bên cạnh toà nhà Cục Tác chiến có xây dựng một căn hầm kiên cố, chống được các loại vũ khí sát thương thông thường và các loại vũ khí sát thương hàng loạt: nguyên tử, hóa học, sinh học; do Bộ Tư lệnh Công Binh xây dựng trong 1 năm. Công trình bảo đảm cho Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng chỉ huy quân và dân Hà Nội đánh thắng cuộc tập kích bằng máy bay B52 của Mỹ trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972. Tiếp sau là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, rộng hơn nữa là cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhà Cục Tác chiến gắn liền với hầm T1 - Cục Tác chiến là di tích lịch sử đặc biệt của nước ta.
       Chính vì giá trị kiến trúc và lịch sử của tòa nhà mà khi làm hồ sơ đệ trình lên UNESCO vinh danh Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới, tòa nhà này đã được đưa vào hồ sơ di sản, vì vậy muốn phá hủy cần được UNESCO chấp thuận.
       Nhà D67
       Năm 1966, Mỹ bắt đầu dùng không quân đánh phá Thủ đô Hà Nội. Năm 1967, mức độ đánh phá ngày càng ác liệt. Để đảm bảo nơi làm việc của cơ quan Tổng hành dinh trong chiến tranh, Bộ Quốc phòng quyết định xây dựng một ngôi nhà trong khu A, Sở chỉ huy, Bộ Quốc phòng (Hành cung thành Hà Nội thời Nguyễn). Ngôi nhà thiết kế và xây dựng vào năm 1967, được gọi là nhà D67, một công trình quan trọng được Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Công binh xây dựng công trình Hầm D67 (hầm Quân ủy Trung ương) được xây dựng năm 1967 cùng với nhà D67. Hầm sâu 9m, được xây dựng kiên cố để chống vũ khí sát thương thông thường và vũ khí sát thương hàng loạt: Nguyên tử, hoá học, sinh học. Hầm có ba tầng cầu thang lên xuống.
       Cầu thang phía nam thông với Nhà con rồng, hai cầu thang phía Bắc thông với nhà D67. Đây là nơi họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương khi cần thiết và là phần quan trọng trong kết cấu nhà D67.
       Di tích lịch sử – cách mạng Nhà D67 gắn với hoạt động của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1976 về trước là Đảng Lao động Việt Nam), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trường Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 9 năm 1968. Nhà D67 là một thành tố cơ bản của Tổng hành dinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
       Trong di tích Nhà D67 có Phòng họp của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương: Phòng làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng.
      Nhà D67 là một trong những công trình kiến trúc quân sự ít ỏi trong kháng chiến chống Mỹ còn tương đối nguyên vẹn. Nguyên nhân chính là do công trình được xây dựng bằng vật liệu bền vững: sắt, thép, gạch, cát, xi măng, khi có hiện tượng hư hỏng, công trình được sửa chữa kịp thời, mặt khác, công trình nằm trong khu vực nghiêm mật, được bảo vệ chu đáo.
       Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ghi lại nhiều cuộc họp quan trọng tại đây. Xin nêu một vài ví dụ.
       Những ngày tháng 3/1975 sôi động khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên: “Đã trở thành lệ thường, các anh trong Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương thường đến Tổng hành dinh dự giao ban, nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình chiến sự, trao đổi ý kiến chỉ đạo kịp thời. Riêng tôi, ngoài những giờ làm việc ban ngày, thường là thông tầm không nghỉ trưa, tối nào cũng vào Sở chỉ huy bằng lối cửa tây, làm việc và ngủ luôn tại đấy”.
       Sang tháng 4, Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng dồn dập báo tin chiến thắng về. Quân đội ta áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết:
       “Những ngày này, tôi ở luôn tại Tổng hành dinh, không về nhà riêng, dù hai nơi chỉ cách nhau vài trăm mét. Trong phòng làm việc, các đồng chí công vụ đã kê thêm một chiếc giường con. Ngoài các tấm bản đồ treo trên tường, tôi đặt thêm một tấm bản đồ quân sự miền Nam ngay dưới tấm kính rộng trên mặt bàn để tiện theo dõi, suy nghĩ”.
       Nhà "rồng", nhà D67, nhà Cục Tác chiến tạo thành hệ thống công trình Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, là nơi Tổng hành dinh chị huy quân và dân ta đánh bại cuộc tập kích bằng máy bay B52 trong chiến dịch "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" tháng 12 năm 1972; trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, đặc biệt là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
       Những công trình này là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cần được lưu giữ, bảo tồn. Nếu di dời làm hư hỏng hoặc phá vỡ một công trình ở thời đại Hồ Chí Minh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước để khai quật tôn tạo công trình lịch sử trong các triều đại phong kiến là việc không nên làm.
       Khi dời nhà Cục Tác chiến đi chỗ khác có hai vấn đề xảy ra:
      Thứ nhất: Không giữ được nguyên vẹn ngôi nhà Cục Tác chiến, đây là ngôi nhà xây từ thời Pháp thuộc, kết cấu tường chịu lực, hai tầng cao, khá dài, không có khung bê tông cốt thép, việc di dời dễ bị hư hỏng hoặc sụp đổ. Những người có kỹ thuật xây dựng, ai cũng nhìn thấy rất rõ nguy cơ tòa nhà sẽ thành phế tích, thành đống gạch vụn mà không một ông "thần đèn" nào đảm đương nổi. Làm hỏng rồi xây lại hoặc sửa chữa khôi phục thì không còn đầy đủ giá trị của di tích lịch sử.
       Thứ hai: Di dời đến vị trí mới cũng không còn đầy đủ ý nghĩa của di tích lịch sử.
       Cái quan trọng nhất của Di tích lịch sử là hiện vật gốc đúng nơi nó đã sinh ra.
       Một vấn đề nữa: Về di tích Hoàng thành Thăng Long ở khu nhà Cục Tác chiến, chắc chắn khi người Pháp xây dựng công trình, họ đào móng nhà cũng phá hủy rồi.
       Chúng tôi đặt câu hỏi rằng: sau 1000 năm nữa, con cháu chúng ta nói về Chiến thắng lịch sử "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng, Tổng hành dinh, Nhà Cục Tác chiến ở đâu?
       Tại sao nhà Cục tác chiến lại cách xa hầm Cục tác chiến thế? Ai chỉ đạo xây dựng như thế???
       Chắc lại khôi phục lại ngôi nhà Cục Tác chiến đã di dời hôm nay !!!
       Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh - Nguyên Phó Cục trưởng Cục Tác chiên, người có nhiều năm công tác ở cục tác chiến nói:
       Khi bàn giao Sở chỉ huy Bộ Quốc phòng cho UBND Thành phố Hà Nội để xây dựng khu di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng Long, Đại tướng Võ Nguyên giáp có viết một bức thư gửi Tổng bí thư Lê Khả Phiêu và Bộ Văn hoá, trong thư có nói: "Lý nào mà lầu công chúa còn cao hơn nhà làm việc của Cục Tác chiến", bức thư ấy Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh 93 tuổi vẫn đang còn giữ.
       Chúng tôi cho rằng:
       Không nên tùy tiện ứng xử với một di tích lịch sử Cách mạng như vậy, một di tích lịch sử hiện tại đặc biệt của thời đại Hồ Chí Minh để tìm kiếm giữ lại phế tích, không phá bỏ một Công trình lịch sử có tuổi đời hàng trăm năm gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc để tìm hiểu một di tích không còn hình ảnh tư liệu cụ thể nào của nó, để rồi sau này con cháu chúng ta lại phải phục chế để trả lại cho lịch sử dân tộc. Muốn di chuyển công trình này cần cần có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng và của Bộ Chính trị cho phép bằng văn bản mới được làm.
       Chúng tôi cho rằng cần để nguyên nhà Cục Tác chiến, một hệ thống công trình chồng lên công trình như lịch sử đã diễn ra, trong đó lịch sử thời đại Hồ Chí Minh là Hào hùng nhất, Oanh liệt nhất của dân tộc ta.

 
Hà Nội ngày 02/12/2022
Thiếu tướng Hoàng Kiền - Nguyên Tư lệnh Công binh
Thiếu tướng Nguyễn Như Huyền - Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến.

tin tức liên quan