Bộ trưởng Tài chính: "Vì dân, có những lúc đành bất chấp nguyên tắc"

Ngày đăng: 02:47 09/01/2023 Lượt xem: 118

Bộ trưởng Tài chính: "Vì dân, có những lúc đành bất chấp nguyên tắc"

 

(Dân trí) - Trong tình hình hết sức cấp bách khi dịch bệnh, đòi hỏi phải có phản ứng nhanh chóng, kịp thời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc.

9 ngày nữa để giải ngân, lo không kịp

Sáng 9/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính việc điều chuyển nguồn chi thường xuyên để thực hiện chi đầu tư phát triển nhưng các dự án của Bộ Tài chính không có trong danh mục đầu tư công trung hạn mà phải sử dụng nguồn chi thường xuyên cho chi đầu tư phát triển.

Bộ trưởng Tài chính: Vì dân, có những lúc đành bất chấp nguyên tắc - 1

Đại biểu Tạ Văn Hạ lo ngại về việc điều chuyển vốn vay của năm 2022 của các địa phương triển khai chậm (Ảnh: Quốc hội).

Ông Hạ cũng băn khoăn liệu việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền để thực hiện chi các dự án đó và các năm sau lại tiến hành điều chỉnh tiếp, liệu đây có phải là hiện tượng lách luật?

Theo ông Hạ, Bộ Tài chính với vai trò cơ quan "gác cửa" quản lý tài chính, xin điều chuyển vốn như vậy là chưa nghiêm. Việc kỷ luật kỷ cương tài chính chưa nghiêm được đại biểu ví như "căn bệnh trầm kha" nhiều năm chưa giải quyết được. Do vậy, đại biểu Hạ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính quan tâm, báo cáo với Quốc hội về nguyên nhân của tình trạng này.

Bên cạnh đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cũng lo ngại về việc điều chuyển vốn vay năm 2022 của các địa phương triển khai chậm. Chẳng hạn có địa phương như Bắc Kạn đề nghị từ tháng 4/2022; Phú Thọ đề nghị từ tháng 7/2022 nhưng công tác tổng hợp rất chậm.

Đặc biệt, theo ông Hạ, công tác chuyển nguồn kinh phí phòng, chống Covid-19 cũng rất chậm; công tác lập kế hoạch của các địa phương nơi thừa, nơi thiếu… cho thấy công tác lập, thẩm định chưa có chất lượng cao, chưa sát với thực tiễn.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, việc điều chỉnh và bổ sung này là cần thiết để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại phù hợp với quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Tuy nhiên, về nội dung điều chỉnh vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, đại biểu Nga còn băn khoăn về thời gian giải ngân. Đại biểu cho rằng, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách nêu rõ trường hợp được Quốc hội cho phép, đề nghị Chính phủ rà soát khẩn trương triển khai thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và khả năng giải ngân trong thời gian chỉnh lý ngân sách năm 2022 đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, thời gian chỉnh lý ngân sách hằng năm theo Thông tư số 85/2017 của Bộ Tài chính quy định kết thúc vào 31/1 năm sau. Nếu hôm nay Quốc hội thông qua nghị quyết này thì chỉ còn 22 ngày nữa là đến 31/1/2023, tức là các địa phương chỉ còn 9 ngày nữa để giải ngân hết toàn bộ số vốn được điều chỉnh tăng dự toán. Đại biểu cho rằng điều này là khó khả thi.

Nếu không kịp thì mục tiêu của việc điều chỉnh là tạo điều kiện cho các địa phương sẽ không còn ý nghĩa, đại biểu Nga lo ngại.

"Vì dân, có những lúc đành bất chấp nguyên tắc"

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về vấn đề bổ sung vốn viện trợ nước ngoài chưa có trong dự toán, đây là những khoản viện trợ không có dự toán trước. Các tổ chức nước ngoài tài trợ khi có những vấn đề nổi lên, thường là bất thường và nhỏ lẻ. Vì vậy, chúng ta bị động trong việc lập dự toán, mà phải căn cứ trên báo cáo của các bộ, ngành để thực hiện lập dự toán.

Ông Phớc ví dụ, ở trong nước chúng ta yêu cầu các tổ chức, đơn vị muốn tài trợ cho tổ chức nào thì đăng ký từ đầu năm, nhưng ở đấy thì không. Tổ chức nước ngoài có thể làm việc với tỉnh A, tỉnh B, tỉnh C, họ muốn tài trợ cho tỉnh nào về những khoản nào là quyền chủ động của họ. 

Bộ trưởng Tài chính: Vì dân, có những lúc đành bất chấp nguyên tắc - 2

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình ý kiến của các đại biểu (Ảnh: QH).

"Đặc thù của các năm 2020, 2021, 2022, đặc biệt trong năm 2021 chủ yếu là tài trợ cho Covid-19. Tài trợ cho Covid-19 thì các tổ chức quốc tế và các nước tài trợ thiết bị y tế, kit test, vaccine, cho nên gần như nhập trực tiếp vào cho các tỉnh, đặc biệt là TPHCM, Hà Nội", Bộ trưởng nói.

Theo ông, các tỉnh sau khi tiếp nhận phục vụ để chống dịch thì mới tập hợp gửi về cho Bộ Tài chính. "Những việc làm này nhiều khi cũng rất bị động. Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, cho nên có những lúc phải bất chấp nguyên tắc", Bộ trưởng nói.

Về vấn đề điều chỉnh dự toán, Bộ trưởng cho biết nếu đưa sang năm 2023 thì sẽ ảnh hưởng bội chi. Vừa qua, có một số tỉnh triển khai không hết nguồn vốn, phải trả lại, một số tỉnh thiếu, cần thêm nguồn vốn. Bộ Tài chính đã tổng hợp dữ liệu từ các tỉnh để đề xuất có sự điều chỉnh phù hợp, trình Quốc hội xem xét, quyết định để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của các tỉnh, địa phương trên cả nước.

Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, đa số ý kiến nhất trí bổ sung dự toán nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, nguồn chi thường xuyên năm 2021 điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết của năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng hợp Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay năm 2022 của các địa phương chuyển nguồn kinh phí công tác phòng chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Theo ông Hải, các đại biểu cũng tham gia và nêu câu hỏi để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết và đề nghị Chính phủ có giải pháp để khắc phục những bất cập, hạn chế về quản lý viện trợ không hoàn lại, quản lý chi đầu tư và quản lý vốn vay.

Do đó, lãnh đạo Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách Nhà nước, nhất là các lĩnh vực thuộc về quản lý đối với các lĩnh vực cơ chế đặc thù, quản lý các nguồn vốn vay và viện trợ để đảm bảo các quy định quản lý ngân sách về chuyển nguồn.

Trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần hai diễn ra chiều nay (9/1), Quốc hội sẽ bấm nút quyết định về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021, nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

(PS st theo Dân trí)


tin tức liên quan