Vụ bắt cựu Chủ tịch NXB Giáo dục: Thiệt hại của học sinh không thể đong đếm

Ngày đăng: 10:35 15/02/2023 Lượt xem: 113

Vụ bắt cựu Chủ tịch NXB Giáo dục: Thiệt hại của học sinh không thể đong đếm

 

(Dân trí) - Liên quan đến vụ bắt cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV nói, thiệt hại của phụ huynh học sinh rất lớn, không thể đong đếm.

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Phú Yên, một trong những người từng tranh luận, chất vấn "nảy lửa" ở nghị trường về các vấn đề Y tế, Giáo dục.

Chia sẻ với PV Dân trí ngày 14/2, bà Hiền cho biết, mình như trút được gánh nặng khi đọc tin bắt tạm giam bởi dù sao con đường mình từng đi, dù chờ đợi lâu dài nhưng kết cục không chỉ dừng lại ở việc "rút sợi dây kinh nghiệm".

Bà không dám nhận xét đây là vụ "Việt Á trong giáo dục" như nhiều người từng ví, bởi bà không rõ về quy mô điều tra. Tuy nhiên, nữ đại biểu này mong muốn, vụ án sẽ được mở rộng và những người cao nhất sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Vụ bắt cựu Chủ tịch NXB Giáo dục: Thiệt hại của học sinh không thể đong đếm - 1

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Đại biểu Quốc hội khóa XIV (Ảnh: T.L).

"Tôi từng chịu rất nhiều áp lực"

Được biết năm 2020, khi phát biểu tại hội trường Quốc hội, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà xã hội bức xúc và giận dữ về sách giáo khoa trong thời gian gần đây.

Theo đại biểu Hiền, muốn xây dựng một bộ sách giáo khoa (SGK) phải xây dựng hệ thống khoa học chuẩn chỉnh, nhưng chúng ta làm theo kiểu cuốn chiếu từng giai đoạn, chỗ nọ vá vào chỗ kia.

Không riêng gì một bộ sách, mà cả 5 bộ sách đều dính vào các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền…, mà lỗi trong sách giáo khoa thì chỉ có sai hoặc đúng chứ không có lỗi nội dung chưa phù hợp.

Từ phân tích trên, bà Hiền cho rằng, quy trình thẩm định phát hành sách còn lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng đến khó tin và cách đùn đẩy trách nhiệm "như một trận đá bóng không có trọng tài điều khiển khi xảy ra sự cố".

"Người lớn đã sai rồi. Sai trong cách tiếp cận ngược, sai trong lối tư duy ngược. Chẳng có nơi đâu làm sách cho trẻ lại mang ý chí, tham vọng của những người lớn. Nó quá sức tiếp thu của một đứa trẻ", nữ đại biểu đoàn Phú Yên thẳng thắn.

Vụ bắt cựu Chủ tịch NXB Giáo dục: Thiệt hại của học sinh không thể đong đếm - 2

Khi kinh doanh giáo dục bị biến chất, người thiệt thòi nhất là phụ huynh, học sinh (Ảnh: Mỹ Hà).

Trong một lần phỏng vấn mới đây nhất của PV Dân trí khi hàng triệu phụ huynh ngỡ ngàng vì giá SGK mới bị đẩy lên cao gấp 2-3 lần so với SGK hiện hành, bà Hiền nói rằng, giá SGK không chỉ liên quan đến một mà là hàng triệu gia đình.

Vậy nên cần có xem xét giá dựa trên rất nhiều khía cạnh sao cho phù hợp với vùng miền và với tất cả mọi người học.

"Sẽ có muôn vàn lý do để các Nhà xuất bản (NXB) đưa ra cho việc tăng giá. Một khi người làm giáo dục không đặt tâm thế vì học sinh, vì người học, học sinh và phụ huynh sẽ rất khổ", nữ đại biểu này chia sẻ.

Chia sẻ với PV Dân trí ngày 14/2, bà Hiền cho biết, mình như trút được gánh nặng bởi những gì từng phát biểu về ngành giáo dục dù sao cũng đã có kết quả, không như nhiều người quy kết là "tấn công" cá nhân.

Bà không dám nhận xét đây là vụ "Việt Á trong giáo dục" như nhiều người từng ví, bởi bà không rõ về quy mô điều tra. Tuy nhiên, nữ đại biểu này mong muốn, vụ án sẽ được mở rộng ra và những người cao nhất sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Tôi đã từng chịu rất nhiều áp lực, từng bị nhắn tin, gọi điện để gây sức ép khi đụng chạm đến những vấn đề nóng bỏng trong giáo dục. Thậm chí nhiều người hả hê khi sự việc không đi đến đâu.

Nhưng tôi không sợ bởi lẽ một khi tôi đặt bản thân mình đứng về phía phụ huynh và học sinh, nếu tôi không lên tiếng, hàng triệu phụ huynh, học sinh đang bị ảnh hưởng kia sẽ ra sao? Dù sao tôi thấy mình phần nào đưa tiếng nói chạm đến sự thật", bà Hiền nói.

Vụ bắt cựu Chủ tịch NXB Giáo dục: Thiệt hại của học sinh không thể đong đếm - 3

Có những đứa trẻ có thể phải bỏ học nửa chừng vì giá sách quá cao (Ảnh: Mỹ Hà).

Thiệt hại của phụ huynh, học sinh không thể đong đếm

Nói về giá SGK, trước đó bà Hiền cho rằng, có thể do lợi nhuận nên có nhiều kẽ hở khiến SGK đội giá. Sự chi phối của lợi nhuận rất kinh khủng.

Tất nhiên khi kinh doanh phải có lợi nhuận nhưng trong ngành giáo dục, nếu không đặt người học làm trung tâm thì sẽ bị thương mại hóa làm biến chất. Và đối tượng thiệt thòi nhất ấy là người dân, là phụ huynh, học sinh.

Do đó, khi phân tích về những thiệt hại của người dân sau khi sự việc này bị đưa ra công luận, theo nữ đại biểu này, người dân không những thiệt hại về kinh tế, về tinh thần mà còn tổn thương niềm tin bởi tiêu cực xảy ra ở những người làm giáo dục.

"Có những tổn thương có thể tha thứ được nhưng đánh mất niềm tin là không thể tha thứ bởi nó gây ra lỗi lầm quá lớn.

Tôi nghĩ rằng sẽ không có bất cứ thống kê nào đong đếm toàn bộ thiệt hại của người dân khi bao nhiêu năm nay họ phải gánh sách giáo khoa giá cao bất hợp lý.

Thậm chí trong số đó, có thể một số gia đình vì không đủ điều kiện mua SGK cho con nên có những đứa trẻ phải bỏ học nửa chừng, điều đó vô cùng đau xót bởi nó gián tiếp cản trở sự phát triển bình thường của một đứa trẻ. Ảnh hưởng này không có công cụ nào có thể ghi lại", bà Hiền nhận xét.

Trở lại với câu hỏi trách nhiệm của cơ quản lý đến đâu khi để NXB Giáo dục Việt Nam xảy ra bê bối này, nữ đại biểu nói rằng, bà đã từng nêu nhiều ý kiến đóng góp cho giáo dục trên tinh thần xây dựng và cơ quan chức năng cần tiếp thu các ý kiến phản biện mới có thể thay đổi.

Đằng này, các đơn vị liên quan cứ khăng khăng bảo thủ giữ nguyên quan điểm, ai dám chắc trong sự bảo thủ ấy không có sự kiểm soát của lợi nhuận? Vậy nên, theo bà Hiền, đây là một câu chuyện dài và cần có biện pháp quyết liệt.

(PS st theo Dân trí)


tin tức liên quan