Chỉ đạo này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo cấp tỉnh), sáng 19/6.
Nhấn mạnh Ban Chỉ đạo cấp tỉnh là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo Trung ương, Tổng Bí thư lưu ý hoạt động phải thực chất, có kết quả cụ thể, rõ ràng, tránh phô trương, hình thức; nhất là tránh tình trạng "đầu voi, đuôi chuột", lúc ra mắt thì rầm rộ, nhưng sau thưa thớt, nguội lạnh dần.
Kiên quyết không để lọt nhân sự có sai phạm, tham nhũng
Người đứng đầu Đảng nhắc nhở từng thành viên Ban Chỉ đạo, cấp ủy, tổ chức Đảng cần xác định lĩnh vực, địa bàn trọng tâm, trọng điểm, những nơi có nhiều dư luận, phản ánh, đơn, thư về tham nhũng, tiêu cực để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Bên việc nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân né tránh, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
"Cơ quan, đơn vị, địa phương nào nếu tự kiểm tra, giám sát không phát hiện tham nhũng, tiêu cực mà sau đó các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương lại phát hiện, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm khắc", Tổng Bí thư nói.
Theo lãnh đạo Đảng, các cơ quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
Trước hết, phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích; biết xấu hổ khi bản thân và người thân mắc vào tham nhũng, tiêu cực
Đặc biệt, Tổng Bí thư nhấn mạnh phải đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo.
Tổng Bí thư cũng nhắc cần loại bỏ những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. "Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm", người đứng đầu Đảng nêu rõ.
Cán bộ chống tham nhũng không giữ mình thì nói được ai?
Trong xử lý sai phạm, Tổng Bí thư khẳng định chủ trương kiên quyết, nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính của Nhà nước, đoàn thể và xử lý hình sự.
"Xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sự tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào", Tổng Bí thư nói.
Theo chỉ đạo của người đứng đầu Đảng, các cơ quan cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, tập trung chỉ đạo, phối hợp xử lý dứt điểm các vụ, việc liên quan đến Công ty Việt Á, AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
"Kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Với các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý phải là những người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào.
"Nếu các đồng chí không gương mẫu, giữ mình, vướng vào tham nhũng, tiêu cực, thì còn nói được ai, xử lý được ai?", Tổng Bí thư đặt vấn đề và yêu cầu kịp thời điều chỉnh, thay thế những thành viên yếu.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Đảng chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định để ngăn ngừa có hiệu quả sự tác động tiêu cực, không lành mạnh vào hoạt động của các cơ quan này.
Theo Tổng Bí thư, phải quan tâm chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, thật sự liêm chính, trong sạch; không chịu bất cứ sức ép không trong sáng của tổ chức, cá nhân nào; bất cứ sự cám dỗ, mua chuộc nào của những kẻ phạm tội.
Đồng thời, Tổng Bí thư lưu ý cần có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi và động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nỗ lực phấn đấu, toàn tâm, toàn ý với công việc.
"Phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành liêm chính ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", Tổng Bí thư nhắc lại.
Tổng Bí thư khẳng định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến hết sức khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, nhất định tham nhũng, tiêu cực sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi, bởi "non cao vẫn có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo vẫn có lối đi".
(PS st theo Dân trí)