“Ai không làm được thì đứng sang một bên” – Góc nhìn sự kiện của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 07:58 23/06/2023 Lượt xem: 101


“AI KHÔNG LÀM ĐƯỢC THÌ ĐỨNG SANG MỘT BÊN”

 
           “Ai không làm được thì đứng sang một bên” cụm từ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến nhiều lần. Đúng vậy, không làm được mà cứ khư khư giữ lấy cái ghế đang ngồi thì chỉ có thể là những kẻ hại dân, hại nước. Câu nói của Tổng Bí thư có thể hiểu nôm na là: Dù ai, ở đâu, làm gì nhưng nếu do trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, sức khỏe…mà không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao thì hãy tự nguyện nhường lại chiếc ghế cho người khác, nếu không đủ lòng tự trọng làm điều ấy thì các cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc.
          Nửa đầu tháng 6-2023 này nước ta có 2 sự kiện gây “chấn động” mà người dân cả nước rất quan tâm.
          Thứ nhất: Đã lâu lắm rồi dễ có đến chục năm nay không còn tình trạng cắt điện luôn phiên giữa mùa hè oi ả. Khác với nhiều ngành nghề khác việc bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia là nhiệm vụ chính trị của ngành Điện lực nhưng nó lại đang phải chịu nhiều oán thán, bức xúc của người dân và các nhà sản xuất khi họ phải liên tục chịu cảnh mất điện. Như để cầu mong sự cảm thông cửa dư luận, ngành này cũng liên tục than khó, than khổ vì lí do bị thua lỗ triền miên dẫn đến thiếu điện, phải cắt điện mà chẳng cần phải thông báo trước, đố ai dám đụng đến cái lông chân họ. Đấy là lỗ hổng độc quyền!
         Mới đây trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tại Quốc hội nhiều ý kiến đã bầy tỏ nỗi bức xúc về hoạt động kém hiệu quả của ngành điện lực. Cụ thể từ năm 2010 đến nay Tập đoàn Điện lực tuy đã tăng giá nhưng vẫn báo lỗ và tiếp tục đề nghị điều chỉnh tăng gia điện. Riêng năm 2022 tập đoàn này báo lỗ 26 ngàn tỷ đồng vậy mà một số doanh nghiệp của tập đoàn như Tổng công ty (TCT) phát điện 3 và TCT phát điện 2 lại ghi nhận lợi nhuận lên tới vài ngàn tỷ đồng. Nếu nguyên nhân thua lỗ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được giải thích do giá than nhập khẩu tăng mạnh trong năm 2022 thì đâu là nguyên nhân khiến nguồn điện không đủ cung ứng cho sinh hoạt và sản xuất. Những ngày đầu tháng 6-2023 hàng loạt Công ty, nhà máy và đời sống của người dân đã bị ảnh hưởng nặng nề do mất điện cho nên không phải ngẫu nhiên mà ông Lê Thanh Vân đại biểu Quốc hội đã lên tiếng: Tôi đề nghị Chính phủ phải thành lập ngay đoàn thanh tra đặc biệt với thành phần gồm: Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và UBKT Trung ương để thanh tra đặc biệt, kiểm toán đặc biệt, điều tra đặc biệt đối với toàn bộ hoạt động, đầu tư, sản xuất kinh doanh của Tập đoàn điện lực  trong 10 năm gần đây. Thái độ này của ông Vân rất được dư luận hoan nghênh và ủng hộ bởi lẽ điện lực do Nhà nước quản lí chứ không đơn giản như một doanh nghiệp được hưởng nhiều ưu đãi. Đã bước sang thập kỉ thứ 3 hòa nhập toàn cầu mà ngành này vẫn duy trì một phương pháp vận hành như mơ ngủ, lúng túng và nghiệp dư. Tại sao lại không thể cân đối được nguồn để dẫn đến thiếu điện, phải cắt điện trong mùa nắng nóng, chẳng lẽ hàng trăm công trình thủy điện được cấp phép bao nhiêu năm qua vẫn không phát huy tác dụng. Tại sao vẫn phải nhập khẩu điện từ một số nước trong khi đó điện áp mái, điện gió trong nước lại không thể hòa nhập vào lưới điện quốc gia…
         Ngành điện lực cần phải được đổi mới, cần phải có nguồn năng lượng vận hành tích cực, hiệu quả hơn.
        Thứ hai: Tây nguyện gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Đăk Nông và Lâm Đồng là địa bàn quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh Quốc gia. Đây cũng là vùng có quan hệ dân tộc phức tạp, nhậy cảm, trình độ dân trí còn thấp, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn nên từ lâu các thế lực thù địch, phản động đã luôn lợi dụng, khai thác vào điểm yếu này để kích động người dân chống đối. Vụ việc một nhóm người xông vào trụ sở Công an và UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur giết hại cán bộ, Công an xã và một số người dân đã gây hoang mang trong dư luận, mặc dù đến nay tình hình đã được ổn định, mọi hoạt động của đồng bào ở khu vực này đã trở lại bình thường, hơn 60 tên giết người, gây rối đã bị bắt.  
         Vụ việc vừa rồi không phải là hành động bột phát bốc đồng mà là một kế hoạch được dàn dựng bài bản, được chuẩn bị từ trước với những hành vi hung hãn, liều lĩnh, man rợ. Từ đầu tháng 6, Y-Sơn người được xác định là kẻ cầm đầu trú tại Đắc-Lăk đã gọi điện dụ dỗ các đối tượng ở các huyện lân cận tạp trung tại Ea-Ktur, chúng mua chuộc: nếu những ai tham gia sẽ được thưởng một trăm triệu đồng, được đưa vượt biên ra nước ngoài và sẽ được bảo đảm có cuộc sống ấm no hơn. Từ 6/6 đến 10/6 đã có hơn 50 đối tượng đến tập trung tại một chòi rẫy trên địa bàn huyện Kucrin tính Đắc-Lắk, chúng tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt và đến khoảng 1 giờ sáng ngày 11 tháng 6 chúng chia thành 2 tốp mang theo hung khí đồng loạt tấn công, đốt phá trụ sở UBND 2 xã Ea Tiêu và Ea Ktur. Súng, dao, bom xăng, lựu đạn là những hung khi đã được chuẩn bị sẵn. Trước khi thực hiện các hành vi man rợ nhóm đối tượng này đã bàn bạc, lên kế hoạch, phân công và giao vũ khí cho từng đối tượng.
         Đây không phải là hành động bột phát nhất thời của một hai cá nhân mà là hành động khủng bố, phá hoại có tổ chức và được chuẩn bị từ trước của các thế lực phản động, chống đối. Chúng điện thoại rủ rê, tợp hợp lực lượng, mua sắm tàng trữ vũ khí, làm bom xăng, tổ chức ăn nhậu mấy ngày liền vậy mà không bị phát hiện để ngăn chặn.
        Muốn đất nước phát triển thì trước hết và trên hết lòng dân phải yên, an ninh trật tự phải được bảo đảm. Mặc dù vụ việc chỉ là hiện tượng cá biệt nhưng phần nào đã cho thấy phần trách nhiệm và bộc lộ sự yếu kém của hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ các cấp, của các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương này. Cần phải được nghiêm khắc rút kinh nghiệm và làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, từng bộ phận có liên qua từ trên xuống dưới. 
        Để xẩy ra những vụ việc trên, những người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội

tin tức liên quan