Hồi nhỏ, tôi được mẹ dạy phải đi chợ vào buổi sáng sớm để mua được cá tươi ngon nhất. Đến trễ chỉ còn lại cá ươn.
Sau này lớn lên, gặp mỗi dịp giảm giá lớn, tôi cũng biết phải sớm chen chân lên trước để còn cơ hội sở hữu những món hàng chất lượng tạm ổn trong khả năng eo hẹp của mình. Đây vốn dĩ là cách thức hoạt động bình thường của các loại hàng hóa phổ thông.
Mấy ngày hôm nay, nhiều bạn bè, họ hàng của tôi ở Hà Nội đang phải lót ghế xếp hàng để kiếm một suất học lớp 10 phổ thông cho con. Nếu chậm chân đến sau, con họ vẫn còn những lựa chọn khác: một trường học xa nhà hơn, học phí cao hơn, hoặc trường dạy nghề... Nhưng đó đều có thể là những lựa chọn bất đắc dĩ, ít phù hợp với hoàn cảnh của gia đình hoặc khả năng của đứa trẻ.
Việc phụ huynh tại Hà Nội phải thức trắng đêm trước các cổng trường công lập tự chủ tài chính hoặc trường tư thục như trong tuần qua không hề lạ vì nó diễn ra suốt nhiều năm nay. Phía sau câu chuyện khổ tâm của các bậc cha mẹ là gì?
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khoảng 33.000 học sinh tốt nghiệp THCS sẽ không được nhận vào các trường THPT công lập. Con số này nằm trong quy hoạch giáo dục chung với định hướng 30% học sinh sau THCS sẽ vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, định hướng này không được các gia đình ủng hộ và thực tế là phụ huynh của 33.000 học sinh đang cố gắng tìm một suất học tại các trường phổ thông công lập tự chủ tài chính hoặc các trường phổ thông tư thục.
Các trường phổ thông công lập tự chủ tài chính trên địa bàn Hà Nội tuyển khoảng 3.600 chỉ tiêu cho năm học 2023-2024. Các trường tư thục được tuyển 26.800 chỉ tiêu. Vậy vẫn còn khoảng 2.500 em không tìm được suất lớp 10 phổ thông. Ngoài ra, gần một nửa số chỉ tiêu của nhóm phổ thông tư thục gắn với các trường có mức học phí từ 70 triệu đồng/năm trở lên. Theo Tổng cục thống kê, thu nhập bình quân của lao động tại Hà Nội năm 2022 là khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Do đó, con số 70 triệu đồng/năm có thể được xem là toàn bộ thu nhập của một người lao động. Nói cách khác, khoảng 15.000 học sinh trên địa bàn Hà Nội sau tốt nghiệp THCS không có suất học lớp 10 phổ thông do không đủ chỗ hoặc do không đủ khả năng chi trả tài chính. Vì vậy, cuộc đua vào lớp 10 các trường phổ thông loại công lập tự chủ tài chính hoặc tư thục vừa có tiếng vừa có mức học phí "dễ chịu" thật sự nóng bỏng. Nói cách khác, quy luật cung cầu của thị trường tự do đang phát huy mạnh mẽ trong thị trường giáo dục phổ thông tại Hà Nội. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi không bàn về các định hướng khác cho học sinh sau THCS.
Các trường công lập tự chủ tài chính và trường tư thục được quyền đưa ra quy chế tuyển sinh cho mình. Cũng dễ hiểu và không có gì khó chấp nhận nếu họ xác định, tiêu chí "doanh số" là quan trọng bậc nhất. Nhiều trường có cách chọn người bắt đầu bằng phát số và chỉ trong vài tiếng - thậm chí 30 phút - đã tuyển đủ chi tiêu theo phương thức "First come, first served" - đến trước được trước. Theo đại diện các trường, cách thức này nhằm bảo đảm có đủ chỉ tiêu ngay lập tức. Do đó, phụ huynh phải nhanh chân hơn người khác, còn nhanh hơn các bà mẹ đi chợ cá buổi sớm mai vì phải bắt đầu từ trước nửa đêm. Cảnh tượng thật khó coi trong ngành giáo dục.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, các trường tư thục cũng là một đơn vị kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường tự do. Hình ảnh hàng dài chờ đợi từ nửa đêm gây ra một cơn sốt thực sự ngay tại chỗ cũng như trên các phương tiện truyền thông truyền thống và mạng xã hội. Đó là một hình thức quảng bá thương hiệu nhà trường. Trong chừng mực nào đó, trường tư thục có quyền quảng bá thương hiệu cũng như mưu cầu sự an toàn về doanh thu. Nhưng nếu họ vì lý do nào đó gây ảnh hưởng đến quyền lợi "người tiêu dùng", ở đây là phụ huynh và học sinh, thì nhà quản lý phải thể hiện bàn tay điều tiết. Quan trọng hơn, nếu gốc rễ của sự nhiêu khê mà hệ thống trường tư thục tạo ra, là do lợi dụng sự thiếu hụt nguồn cung, ít nhất ở các khu vực nội đô, nhà chức trách càng phải khảo sát và nhìn thẳng vào số liệu để sớm có giải pháp khắc phục. Nếu số liệu chỉ rõ, cuộc tranh giành suất học phổ thông liên quan mật thiết tới quy hoạch, tức đất được ưu tiên dành cho việc phát triển các chung cư mật độ cao, tập trung ở một số khu vực nhất định, trong khi nhà trẻ, trường phổ thông không phát triển tương ứng; thì trách nhiệm sẽ không chỉ dừng lại ở vai trò của ngành giáo dục.
Nhưng ít nhất, khi hình ảnh xấu trong ngành giáo dục Hà Nội xảy ra, cũng không phải là lần đầu tiên và duy nhất với tuyển sinh lớp 10, nhà quản lý không thể chỉ lý giải một cách đơn giản, đẩy phần lỗi về phía phụ huynh, rằng các vị chỉ thích chỗ tốt thì phải tranh giành. Giải thích này chỉ đúng một phần. Thực tế, nếu cha mẹ chậm chân, nhiều đứa trẻ có thể mất cơ hội tiếp cận giáo dục ở cấp cuối bậc phổ thông.
Võ Nhật Vinh
(PS st theo VnExpress)