“Nghị định 144/2020/NĐ-CP. Cởi trói hay buông lỏng quản lí” – Góc nhìn sự kiện của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 11:46 11/08/2023 Lượt xem: 80
 
NGHỊ ĐỊNH 144/2020/NĐ-CP. CỞI TRÓI HAY BUÔNG LỎNG QUẢN LÝ
 
          Các cuộc thi Hoa hậu ở nước ta chưa bao giờ nở rộ như những năm gần đấy. Theo thống kê, riêng năm 2022 cả nước đã có khoảng 25 cuộc thi người đẹp, người mẫu đước tổ chức. Địa phương có nhiều cuộc thi nhất là Đà Nẵng chiếm tới 48% (12/25 cuộc). Có thể kể tên một số cuộc thi như: Hoa hậu sinh thái Việt Nam, Hoa hậu du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Doanh nhân Toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Quý bà Liên hợp quốc Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thương hiệu Việt Nam, Hoa hậu Thời đại Việt Nam… Sở dĩ có hiện tượng “ bội thực ” đó phải kể đến chất xúc tác cực lớn từ Nghị định 144/2020/NĐ-CP của Chính phủ nhằm cởi trói cho các hoạt động biểu diễn, cho phép địa phương có quyền được lựa chọn và quyết định tổ chức các cuộc thi. Như vậy, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong đó có tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu được TW phân cấp về địa phương quản lí toàn diện từ cấp phép đến kiểm tra, xử lí vi phạm.
         Từ ngày được cởi trói, phải thừa nhận một thực tế: bên cạnh số ít cuộc thi sắc đẹp nghiêm túc, có tác động thực sự theo nghĩa tích cực để tôn vinh vẻ đẹp hình thể và tri thức của phụ nữ thì đa phần các cuộc thi sắc đẹp theo phong trào ấy đều “ có vấn đề”  do bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh, vì thế mới có dư luận về việc tổ chức thi người đẹp để phục vụ “đại gia”, sang tay mua bán giải hay nhiều thông tin tiêu cực khác.
         Mới đây, chỉ sau mấy ngày đăng quang Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023 Huỳnh Trần Ý Nhi đã khiến dư luận “dậy sóng” với các chia sẻ về chuyện cá nhân đến so sánh bản thân với người đồng trang lứa rằng: khi bạn bè chỉ dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì cô đã tham dự cuộc thi hoa hậu. Lùm xùm về những phát ngôn vạ miệng chưa lắng, cô nàng này còn tiếp tục gặp “họa” khi trả lời câu hỏi: “Hãy kể tên ba người nổi tiếng quê ở Bình Định”, nàng khẳng định như đinh đóng cột: “Em, nhà thơ Hàn Mạc Tử và vua Quang Trung”. Câu trả lời không biết trời đất là đâu ấy lập tức làm bùng nổ chỉ trích từ cư dân mạng. Nhiều người cho rằng việc cô này dám sánh ngang hàng và kể tên mình trước cả vua Quang Trung là việc làm thiếu khiêm tốn, thiếu tôn trọng đối với những nhân vật huyền thoại trong lịch sử nước nhà, là hỗn láo, xúc phạm, không thể tha thứ, đã khiến diễn đàn hội nhóm trên mạng xã hội liên tục xuất hiện các lời kêu gọi tẩy chay, đòi Ban tổ chức Miss World Vietnam 2023 tước vương miện của người đẹp, hủy bỏ suất đi thi Miss World 2024. Thêm vào đó, việc cô cho rằng nhà thơ Hàn Mặc Tử quê ở Bình Định cũng khiến nhiều người ngán ngẩm vì kiến thức cơ bản quá lùn. Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí (1912 - 1940), ông sinh ra tại làng Mỹ Lệ, Đồng Hới, Quảng Bình nhưng lớn lên ở Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
         Còn nhớ trước đó, nhiều nàng hậu của Việt Nam cũng đã bị ném đá, chỉ trích dữ dội vì những phát ngôn vô văn hóa, thiếu cẩn trọng. Như, "không thích đàn ông ki bo" của Hoa hậu Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên; Hoa hậu Đại dương 2017 Lê Âu Ngân Anh khi bị chê nhan sắc, bị vạch mặt đã qua thẩm mỹ đã tự tin trả lời báo chí: "Tôi đăng quang xứng đáng, không trả lại vương miện", "Tôi nổi trội cả về trí tuệ lẫn hình thể", "Tôi tự tin về chiều cao tốt, sắc vóc tốt, hình thể đẹp, gương mặt xinh”, “Tôi nghĩ sau độn mũi rồi tháo ra thì vẫn là mũi tự nhiên", "Tôi đã sửa mũi nhưng môi là tự nhiên”... Hay Hoa hậu Đoàn Thiên Ân cũng từng có phát ngôn gây tranh cãi khi bị loại khỏi đấu trường quốc tế Miss Grand International: "Tôi không tệ đến mức bị loại khỏi Top 10".
         Nhiều Hoa hậu ngay sau khi nhận được vòng nguyệt quế họ đã quên mất mình là ai, đặt cái “tôi” lên trên đỉnh chiếc vương miện, phát ngôn kiêu căng và có những cách hành xử “ khác người”, không đồng hành một cách có trách nhiệm với xã hội mà lẽ ra nên sử dụng vai trò và tầm ảnh hưởng của một Hoa hậu để lan tỏa các thông điệp tích cực, xây dựng và mang lại lợi ích cho cộng đồng. Khi có quá nhiều hoa hậu được vinh danh trong một năm, chất lượng cuộc thi giảm sút, các thí sinh đăng quang cũng không còn trở nên hấp dẫn. Thay vì mục đích của các cuộc thi nhan sắc là tôn vinh các cá nhân xuất sắc, đại diện cho một thế hệ phụ nữ, nói lên suy nghĩ, khát khao của nữ giới, thì ngày nay, mục đích thi hoa hậu dường như chỉ là cơ hội đổi đời cho chính người đăng quang. Ngoài ra, việc trình diễn áo tắm, trình diễn các trang phục gợi cảm trong các cuộc thi nhan sắc cũng tạo nên một cuộc tranh cãi trên nhiều diễn đàn sắc đẹp. Có ý kiến cho rằng, thi hoa hậu không thể nâng cao vai trò của người phụ nữ, thậm chí xem phái nữ chỉ như những món hàng trưng bày, mang tính giải trí.
Trên thế giới Ấn Độ và Venezuela vốn được coi là cường quốc nhan sắc, các cuộc thi Hoa hậu cũng đang bước vào thời kì thoái trào, ở Venezuela, cái nôi của những người đẹp, các cuộc thi sắc đẹp hàng đầu quốc gia Nam Mỹ này cũng dần đánh mất vị thế đáng tự hào của nó. nhiều thí sinh bị tố đổi tình lấy xe sang, những chuyến du lịch đẳng cấp, nhận tài trợ trang phục thi hoa hậu, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ hay các “phần thưởng” giá trị khác từ các quan chức tham nhũng, danh tiếng của cuộc thi đã giảm sút đáng kể.
         Ở Trung Quốc, vài năm qua “cơn sốt” sắc đẹp cũng sớm hạ nhiệt. Nhiều cuộc thi thậm chí chủ động bán giải, làm đủ chiêu trò nhằm thu hút tài trợ. Những mặt xấu xí tại các cuộc thi khiến danh hiệu hoa hậu bị xem rẻ, lu mờ. Cùng với đó, người chiến thắng trở thành những cái tên nhạt nhòa không mấy ai nhớ đến. Trương Chí An - giáo sư tại khoa Báo chí, Đại học Phúc Đán thậm chí nhận định: “Hoa hậu ngày nay vừa đăng quang đã hết thời”. Lý giải sự sụt giảm sức hút của thi hoa hậu tại Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, chất lượng thí sinh, công tác tổ chức và sự tràn lan các danh xưng hoa hậu chính là nguyên nhân.
         Đã đến lúc các cơ quan quản lý Nhà nước ta cần nghiêm túc xem xét lại tính đúng đắn của Nghị định 144/2020/ NĐ-CP. Từ TW đến các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng việc tổ chức, cấp phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu; các cơ quan truyền thông cân nhắc trong việc tuyên truyền cho các cuộc thi và xử phạt nghiêm các sai phạm trong tổ chức thi sắc đẹp.
                                     
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội

tin tức liên quan