Xung quanh việc giá điện phải "cõng" khoản lỗ của EVN
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Tại dự thảo quyết định thay thế Quyết định số 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân của Bộ Công Thương vừa gửi Bộ Tư pháp có điểm mới là giá bán lẻ điện được phép tính thêm khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh điện. Nhiều ý kiến không đồng tình với đề xuất này.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, cần phải bỏ ngay đề xuất này. Bởi, đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012.
Theo ông Thoả, khi phản ánh hết các chi phí, các khoản lỗ đầu tư kinh doanh của EVN thì giá điện có thể sẽ tăng sốc trong những lần điều chỉnh tới đây. Đơn cử, năm 2022, EVN báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng. Nếu được tính hết khoản lỗ này vào giá thì mức giá mới phải tăng hơn không dưới 20%. Việc lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công Thương, đừng đổ lên đầu dân.
Theo ông Thoả, cần tăng tính minh bạch và giám sát thị trường trong việc đưa ra cơ chế xác định giá phù hợp với sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh trong thời gian tới. Theo đó, phải công khai lộ trình, kết quả tái cơ cấu ngành điện để giảm độc quyền ở những khâu còn độc quyền, trừ truyền tải.
Công khai kết quả kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh, cơ cấu nguồn, tỷ trọng tiêu dùng điện. Về cụ thể là công khai cách tính giá thành, giá bán một cách chi tiết, cụ thể từng yếu tố, từng khoản mực theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, cần thúc đẩy thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì giá điện mới có thể lên xuống linh hoạt theo tín hiệu thị trường mà không phải chờ "đến hẹn mới được lên".
Với đề xuất giá điện tính thêm các khoản lỗ của EVN, qua rà soát quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, không có quy định nào về phương án phân bổ các khoản lỗ hoạt động sản xuất kinh doanh và chi phí khác chưa được tính vào giá bán lẻ điện, cũng như thẩm quyền của Thủ tướng quyết định với nội dung này. Bộ này cho rằng, Bộ Công Thương với tư cách là cơ quan có trách nhiệm phải kiểm tra chi phí giá thành của EVN hằng năm, trước khi phê duyệt các chi phí này để sát với thực tế.
( C. H sưu tầm)