Vào những ngày cuối tuần này, tôi nhận được gần như cùng lúc hai tin vui gợi nhiều suy nghĩ.
Nhân Ngày quốc tế Xóa mù chữ 8/9 (International Literacy Day), Thư viện Quốc hội Mỹ đã vinh danh chương trình Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách Nhân ái của Việt Nam tại hạng mục Thực hành xuất sắc của Giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức năm 2023.
Giải thưởng Xóa mù chữ - Phổ biến tri thức của Thư viện Quốc hội Mỹ - thư viện lớn nhất thế giới - ra đời năm 2013 nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về tầm quan trọng của văn hóa đọc trong việc thúc đẩy khả năng biết chữ của cộng đồng. Giải thưởng cũng khuyến khích gia tăng hợp tác giữa các tổ chức nhằm thúc đẩy cơ hội giáo dục bình đẳng cho mọi người.
Cùng ngày, Triển lãm và Hội nghị về Drone thương mại tại Las Vegas vừa kết thúc. Một phát minh của Việt Nam, Cameo Gimbal, khung chống rung cho camera của drone Hera được giới chuyên môn nhìn nhận có tính đột phá, hơn hẳn các thiết bị cùng loại, và chính drone Hera của công ty này cũng vừa được cấp bằng sáng chế, có giá trị toàn cầu.
Thành tựu của Ngôi nhà Trí tuệ và tủ sách Nhân ái không thể đong đếm cụ thể bằng tiền bạc, vật chất, nhưng đóng góp lặng lẽ mà rất bền bỉ của chương trình thực sự có giá trị to lớn trong việc nâng cao văn hóa đọc và khuyến khích học tập suốt đời, góp phần tạo nên những thế hệ công dân toàn cầu có trí tuệ và lòng nhân ái.
Tính đến nay, chương trình đã triển khai được mạng lưới 19.681 tủ sách (hơn 1,1 triệu cuốn) tại hơn 3.000 trường học và cộng đồng dân cư ở Việt Nam. Hơn 2,2 triệu độc giả ở 60/63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam được tạo điều kiện đọc sách, tạo thành một phong trào góp sách, tặng sách cho cộng đồng.
Còn Triển lãm và hội nghị về Drone thương mại thế giới nổi tiếng là ngày hội để các công ty trong ngành drone của Mỹ và thế giới trưng bày các phát minh, sản phẩm, công nghệ, giải pháp mới nhất của mình. Với phát minh về thiết bị cho drone, một công ty Việt Nam (với đội ngũ nhân lực là 50 kỹ sư trẻ Việt Nam, hầu hết từ Đại học Bách khoa TP HCM) đã được công ty Sony mời mang đến triển lãm thiết bị Cameo Gimbal để cùng trưng bày với cameras mới nhất ILX-LR1 của Sony dành cho drone.
Những tin vui này đến ngay trước cuộc viếng thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam. Sau 10 năm Việt Nam và Mỹ trở thành Đối tác toàn diện, quan hệ song phương giữa hai nước đã phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực như thương mại - đầu tư, quốc phòng - an ninh, y tế, chống biến đổi khí hậu, năng lượng, giáo dục, văn hóa, không gian, công nghệ... Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết, ông hy vọng chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden sẽ làm sâu sắc về mọi mặt hợp tác, giúp Việt Nam xây dựng một nền kinh tế dựa trên công nghệ cao, định hướng đổi mới.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng nêu rõ một trong những ưu tiên chính sách của Mỹ là đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhất là sản phẩm công nghệ cao từ Việt Nam. Bà đánh giá Việt Nam là một điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa công nghệ cao toàn cầu. Mỹ cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất những mặt hàng này.
Drone Hera và thiết bị Cameo Gimbal có lẽ là những minh chứng tốt đẹp cho sự hợp tác Việt - Mỹ, không phải có được bằng ngày một ngày hai, mà bằng quá trình hỗ trợ qua lại lâu dài. Đó là sự kết hợp giữa đầu tư với tầm nhìn xa, hướng tới tương lai của nước Mỹ và tinh thần vượt lên khó khăn, giỏi xoay xở của người Việt.
Từ hạt giống Fulbright được gieo năm 2002, một người Việt vươn lên, tốt nghiệp tiến sĩ ở trường hàng đầu thế giới UC Berkeley của Mỹ, rồi trở về Việt Nam, sáng lập và điều hành Real-time Robotics, một start-up có các phát minh gây chú ý trong ngành drone toàn cầu. Nhờ chất xám và khả năng sáng tạo của đội ngũ kỹ sư Việt Nam, các phát minh này biến thành thiết kế, bản vẽ chế tạo, và cuối cùng là sản phẩm thương mại trong thời gian ngắn. Đội ngũ này đã hiện thực hóa niềm tin "người Việt Nam đủ sức phát minh, chế tạo ra sản phẩm tầm cỡ thế giới".
Món quà được gieo trồng từ tình bạn đã luân chuyển thành một vòng tuần hoàn. Các sản phẩm drone chất lượng cao đã quay lại phục vụ cho thị trường Mỹ - đề cao độ tin cậy về an ninh dữ liệu và tính an toàn của chuỗi cung ứng.
Công nghệ cao chỉ là một minh chứng điển hình cho các mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi giữa hai quốc gia. Việt Nam đang ngày càng trở thành địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), Mỹ đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.
Sâu hơn, tôi nhận thấy tình hữu nghị hợp tác ngày càng sâu sắc giữa hai đất nước không chỉ được tính đếm bằng những khoản viện trợ, đầu tư hay kim ngạch xuất nhập khẩu... mà đã đi vào đời sống văn hóa, kinh tế một cách thực chất qua cổ vũ nâng cao văn hóa đọc, tinh thần học tập suốt đời cho người dân hay chia sẻ kiến thức, tri thức công nghệ.
Cam kết hợp tác bền vững hiện nay rõ ràng không chỉ là những con số mà chính là những giá trị nền tảng rất đậm sâu cho công cuộc cho phát triển của hai nước.
Vũ Kim Hạnh
(PS st theo VnExpress)