Việt Nam và Mỹ quyết định thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, theo thông cáo của Ban Đối ngoại Trung ương chiều 10/9.
Tại hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao việc ông Biden thăm Việt Nam đúng dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, là dịp để lãnh đạo hai nước trao đổi về quan hệ hai nước và các vấn đề quốc tế vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững ở khu vực và thế giới, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai
Tổng Bí thư nhắc lại những kỷ niệm tốt đẹp về cuộc trao đổi chân tình với Tổng thống Biden khi thăm Mỹ hồi tháng 7/2015, đồng thời đánh giá cao những ý kiến trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo trong thời gian qua.
Thông tin về những thành tựu Việt Nam đạt được qua gần 40 năm đổi mới toàn diện, Tổng Bí thư đồng thời chúc mừng những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội của Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden.
Người đứng đầu Đảng cũng đánh giá cao những đóng góp của Mỹ trong việc góp phần thúc đẩy hợp tác toàn cầu, giải quyết những thách thức lớn đặt ra như y tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.
Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam được Tổng Bí thư nhấn mạnh là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Tổng Bí thư khẳng định Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhắc lại việc Việt Nam đã hợp tác với Mỹ chống phát xít trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Chủ tịch Hồ Chí Minh trích một phần Tuyên ngôn độc lập của Mỹ ngay trong phần mở đầu của Bản Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam, gửi thư đến Chính phủ Mỹ đề nghị thiết lập quan hệ đầy đủ với Mỹ
Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã trải qua không ít thăng trầm, đặc biệt là cuộc chiến tranh dài ngày, khốc liệt nhất trong thế kỷ XX sau Chiến tranh Thế giới thứ II.
Việt Nam vui mừng nhận thấy kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, đặc biệt là sau khi xác lập quan hệ Đối tác Toàn diện vào năm 2013, quan hệ đã có bước phát triển mạnh mẽ, sâu sắc, thực chất, hiệu quả.
Trên những cơ sở quan trọng nêu trên, vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Việt Nam hoan nghênh việc hai nước xác lập quan hệ ở tầm cao mới là Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden nhất trí những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Mỹ là việc tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Tổng Bí thư nhấn mạnh sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Phương châm đặc thù cho sự phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ là "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".
Theo đó, Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Mỹ là ủng hộ Việt Nam "hùng mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng".
Mỹ coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam
Đánh giá cao các nội dung được thỏa thuận giữa lãnh đạo hai nước về Tuyên bố chung về việc nâng tầm quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số phương hướng lớn để thúc đẩy quan hệ hai nước.
Trước hết là việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thực hiện những nguyên tắc định hướng, tạo ổn định lâu dài, gặp gỡ, hợp tác cấp cao, giữa các ngành, các cấp, giao lưu nhân dân.
Tổng Bí thư hoan nghênh việc thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm theo hướng đổi mới sáng tạo tiếp tục là nền tảng trọng tâm, động lực cho quan hệ hai nước và việc hai bên nhất trí tạo đột phá trong hợp tác về khoa học, công nghệ.
Về phía Tổng thống Joe Biden, ông bày tỏ sự vui mừng được đến thăm Việt Nam, cám ơn sự đón tiếp trọng thị đối với cá nhân Tổng thống và đoàn và vui mừng gặp lại Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng thống Biden nhấn mạnh chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử không chỉ đối với quan hệ hai nước đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thế giới, nêu quan điểm của Mỹ về ủng hộ một khu vực mở, ổn định, an toàn, liên kết và thịnh vượng.
Tổng thống Biden cũng nhấn mạnh sự coi trọng đối với vai trò, vị trí của Việt Nam ở khu vực, đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trên nhiều vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định sự ủng hộ đối với vai trò trung tâm của ASEAN và mong muốn hợp tác với Việt Nam để đóng góp vào đoàn kết và thịnh vượng của ASEAN.
Khẳng định Biển Đông có vị trí quan trọng đối với thịnh vượng, ổn định quốc tế và khẳng định lại quan điểm của Mỹ về Biển Đông, Tổng thống Biden nhấn mạnh sự coi trọng của Mỹ về những mục tiêu của Khuôn khổ hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Biden đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam về phát triển, đóng góp vào công việc quốc tế và những đóng góp, vai trò lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ủng hộ sự phát triển của Việt Nam, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh việc hợp tác kinh tế và khoa học - công nghệ trong giai đoạn mới, trong đó có phát triển công nghiệp điện tử, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch.
Tổng thống Joe Biden đánh giá cao việc hai nước nâng cấp quan hệ lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, cho rằng quyết định này có lợi cho cả hai nước và lợi ích quốc tế chung.
Sau cuộc hội đàm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden đã phát biểu với báo chí Việt Nam, Mỹ và quốc tế.
Cùng với việc nâng cấp quan hệ với Mỹ, Việt Nam hiện có 5 nước là đối tác chiến lược toàn diện: Trung Quốc (2008), Nga (2012), Ấn Độ (2016), Hàn Quốc (2022) và Mỹ (2023).
Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 và thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013.
Năm 2022, thương mại hai chiều đạt 123 tỷ USD, tăng gần 300 lần so với con số 450 triệu USD năm 1995. Việt Nam cũng nhanh chóng vươn lên để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ trong ASEAN.
Cũng từ năm 2002, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đến năm 2022, xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ cán mốc 100 tỷ USD.
Về đầu tư, Mỹ luôn nằm trong top nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Tính đến năm 2022, có hơn 11 tỷ USD đầu tư trực tiếp từ Mỹ vào Việt Nam, chưa kể đầu tư thông qua chi nhánh của công ty Mỹ từ các nước thứ ba.