"Nhớ thầy" - Góc nhìn của Giáp Văn Dương

Ngày đăng: 05:57 20/11/2023 Lượt xem: 83
 
-----------------------------------------

GÓC NHÌN

Nhớ thầy

Giáp Văn Dương

Giáp Văn Dương

Nhà giáo

Đúng ngày này 20 năm về trước, tôi gặp người thầy chính thức cuối cùng
của mình.

Khi đó tôi 26 tuổi và đã là giảng viên đại học. Tôi sang Áo làm nghiên cứu sinh. Tuy đã làm thầy, nhưng do đi học, nên vẫn có chút bỡ ngỡ và hồi hộp của một học trò. Thầy ra tận sân bay đón tôi, tự nhiên và thân thiện.

Tôi và thầy chưa từng gặp mặt, xuất thân từ hai nền văn hóa khác nhau, nhưng ngay khi gặp, tôi đã cảm nhận được cảm giác đặc biệt của tình thầy trò.

Sau này nhìn lại, tôi thấy đã có hàng trăm thầy cô đi qua cuộc đời mình. Có người dạy mình chỉ một môn, cũng có người đồng hành cả một cấp học.

Điều kỳ lạ là những thầy cô để lại dấu ấn sâu đậm nhất lại thường không phải là những người giỏi chuyên môn nhất, cũng không phải là người làm việc với mình trong khoảng thời gian dài nhất. Nhưng đó là người mà mình cảm thấy ấm áp nhất, hoặc kính trọng nhất.

Trong số đó, có những người chỉ là đồng nghiệp hay người ở quanh mình, nhưng vô tình hay hữu ý, đã để lại một câu nói đầy ý nghĩa. Chỉ một câu nói đúng lúc, đúng chỗ, đúng vấn đề cũng có thể thay đổi hoàn toàn cách nghĩ, cách sống của mình và nhờ đó, trở thành thầy của mình, dù thừa nhận hay không thừa nhận.

Hai mươi năm về trước, trong một lần làm thí nghiệm, máy đo của chúng tôi bị hỏng. Như một thói quen, tôi vội hỏi ngay: Hôm qua ai sử dụng máy lần cuối?

Vợ của thầy tôi, cũng là một đồng nghiệp trong phòng thí nghiệm, đã trả lời: Giáp, ai dùng cuối cùng không quan trọng. Quan trọng là tìm cách sửa nó.

Tôi giật mình tỉnh ngộ. Kể từ đó, khi gặp vấn đề, việc đầu tiên tôi nghĩ đến là tìm giải pháp, thay vì truy trách nhiệm.

Bằng câu nói đó, bà đã trở thành thầy của tôi.

Trong suốt hành trình trưởng thành, tôi đã gặp rất nhiều người thầy không chính thức như thế. Những điều tôi học từ họ, cũng nhiều và quan trọng không kém gì những điều tôi học được từ những người thầy chính thức.

Nếu tính từ khi đi học đến giờ, với tôi, bốn chục năm đã trôi qua. Cũng với đó là hàng trăm người thầy đã xuất hiện. Có người không còn nhưng vẫn gần gũi và ấm áp như xưa. Cũng có người chỉ như một tiếng thở dài hoặc một vệt sao mờ.

Sau mấy chục năm, những người thầy ở lại với tôi phần nhiều đều không phải là người giỏi nhất, nhưng chia sẻ mẫu số chung: nhiều tình cảm và chân thành với học trò. Chính tình cảm và sự chân thành của người thầy đã là ngọn lửa sửa ấm trái tim tôi, chứ không phải lý trí sắc bén hay lập luận không thể bác bỏ.

Con người có thể tự hào về trí tuệ của mình. Nhưng ở một chiều kích khác, con người là những sinh vật yếu đuối, không chỉ về sức khỏe mà còn về cảm xúc. Chúng ta đau khổ và bế tắc không phải vì chúng ta không nghe được những lời khuyên nhủ khôn ngoan và giải pháp chí lí, mà vì chúng ta không được nuôi dưỡng bởi những cảm xúc lành mạnh như sự yêu thương và sự chân thành.

Những học sinh chán học, người trẻ trầm cảm không phải vì họ kém thông minh hay thầy cô của họ không giỏi, mà vì hoàn toàn mất phương hướng về niềm tin và cảm xúc. Vì thế, những người thầy ấm áp, theo cách bản năng và hồn nhiên, đã thực hiện đúng sứ mệnh của người thầy: nâng đỡ và phát triển con người, không chỉ bằng cách dạy bảo kiến thức, mà còn bồi đắp niềm tin, khơi nguồn cảm xúc.

Những người thầy đó chân thật và nhất quán, kết nối tốt cả về tâm trí và cảm xúc với học trò, nên trở thành chỗ dựa và điểm tham chiếu cho học trò. Nhờ đó, người học trò có được niềm tin và cảm giác vững chãi khi phải đối mặt với những bế tắc hoặc bối rối của cuộc sống.

Nhưng ngày nay, bầu không khí thị trường dường như đã phả hơi lạnh vào thứ tình cảm thiêng liêng, hồn nhiên và trong sáng này. Giáo dục ngày nay được coi là dịch vụ. Nhà trường là nơi cung cấp, còn học sinh là người thụ hưởng. Những tiêu chuẩn phục vụ vận hành và thụ hưởng của ngành dịch vụ cũng theo đó mà được triển khai, đôi khi đến mức lạm dụng. Thấp thoáng trong câu chuyện của thầy và trò, gia đình và nhà trường, có thêm tiếng nói của đồng tiền và sự sắc lạnh của luật cạnh tranh, cung cầu.

Nhìn bề ngoài thì có vẻ chuyên nghiệp, nhưng sâu thẳm bên trong là sự trống trải và nguội lạnh của tâm hồn.

Thêm nhiều kiểm tra, giám sát, khiếu nại... làm cả thầy và trò cảm thấy mệt mỏi.

Phải chăng là một sự giật lùi?

Trở lại với người thầy 20 năm trước của tôi, thời gian và dịch Covid-19 đã cướp mất cả hai vợ chồng thầy. Tôi không kịp gặp mặt, cũng không kịp đưa vợ chồng thầy đi chơi như dự định.

Nay 20/11, tôi viết bài này để tưởng nhớ thầy mình. Không chỉ cho tôi, mà còn cho cả những người có cùng cảnh ngộ. Để nhiều chục năm sau, sự ấm áp của tình thầy trò còn sưởi ấm trái tim mình.

Giáp Văn Dương
(PS st theo VnExpress)


tin tức liên quan