Phó thủ tướng: 'Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao cần thẳng nhất'

Ngày đăng: 04:32 05/12/2023 Lượt xem: 44

Phó thủ tướng: 'Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao cần thẳng nhất'

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị cơ quan nghiên cứu sử dụng cầu, hầm để hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam thẳng nhất, đảm bảo thoát lũ.

"Đường phải hạn chế ảnh hưởng đến các khu bảo tồn và chia cắt cộng đồng", Văn phòng Chính phủ ngày 4/12 thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam.

Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án phát triển đường sắt tốc độ cao đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu hướng trên thế giới, tốc độ thiết kế 350 km/h và thực sự trở thành trục xương sống; đồng thời khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.

Phó thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù đặc biệt cả gói để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư.

Cơ chế này bao gồm huy động và sử dụng các nguồn vốn; sử dụng tiền thu từ sử dụng đất ở các địa phương; đào tạo, sử dụng cán bộ, kỹ sư; nội địa hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp đường sắt; thu hút đầu tư PPP; cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua FDI; mô hình tổ chức vận hành - kinh doanh...

Do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật - công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm) nên các đơn vị được yêu cầu làm rõ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai.

Đường sắt tốc độ cao tại Lào. Ảnh: Xinhua

Đường sắt tốc độ cao tại Lào. Ảnh: Xinhua

Cuối tháng 10, Bộ Giao thông Vận tải đã xin ý kiến Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam về ba kịch bản.

Kịch bản 1 là đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, dài 1.545 km, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng. Tổng vốn đầu tư khoảng 67,32 tỷ USD.

 

Kịch bản 2 xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác chung cả tàu chở khách và chở hàng, tốc độ thiết kế 200-250 km/h, chạy tàu hàng tối đa 120 km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3 là đầu tư tuyến đường sắt Bắc Nam đường đôi, khổ ray 1.435 mm, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, tốc độ thiết kế 350 km/h, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,69 tỷ USD.

Đầu tháng 10/2023, Thủ tướng thành lập Ban chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, trong đó giao Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan thường trực, lấy ý kiến các thành viên Ban chỉ đạo về các kịch bản đầu tư.

Kết luận của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam và khởi công trước 2030. Các đoạn đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang được ưu tiên khởi công trong giai đoạn 2026-2030; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trước năm 2045.
Danh Bình ST từ VnEXprss

tin tức liên quan