10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023

Ngày đăng: 05:05 26/12/2023 Lượt xem: 49

10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023

 
 Phương Đăng (tổng hợp) Thứ ba, ngày 26/12/2023 06:16 AM (GMT+7)
Aa Aa+
Năm 2023 sắp kết thúc với hàng loạt sự kiện quan trọng khác nhau đã định hình năm này. Những sự kiện đáng chú ý bao gồm xung đột Hamas-Israel, động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn tiếp diễn...
 
 
 Bình luận 0
 

Dưới đây là một số sự kiện khó quên đã diễn ra trên toàn cầu vào năm 2023 cho đến nay

1. Chiến tranh Israel-Hamas đẫm máu

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 2.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn đang tiếp diễn. Ảnh IT

Sáng ngày 7/10, nhóm chiến binh Palestine Hamas đã thực hiện một cuộc tấn công chết chóc vào Israel, gây chú ý vì quy mô và phạm vi chưa từng có, trong đó 1.200 người Israel đã bị giết, hơn 240 người khác bị bắt làm con tin, trong đó khoảng một nửa đã được thả theo lệnh ngừng bắn tạm thời hồi đầu tháng này.

Cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang diễn ra ở Gaza đã giết chết gần 20.000 người Palestine, làm bị thương hàng chục nghìn người khác và khiến 90% trong số 2,3 triệu cư dân của vùng đất bị Israel bao vây phải di dời.

Trong khi đó, trong nỗ lực chấm dứt chiến tranh, Liên Hợp Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp đặc biệt, bao gồm việc kích hoạt Điều 99 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Một cuộc bỏ phiếu của cơ quan này ngày 13/12 yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức trong cuộc xung đột ở Gaza đã được thông qua với đại đa số 153 quốc gia bỏ phiếu ủng hộ, 10 phiếu chống (bao gồm cả Mỹ và Israel) và 23 phiếu trắng, nhưng hiện nghị quyết chưa được chuyển thành hành động trên mặt đất.

2. Chiến sự Nga-Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 4.

Một binh sĩ Ukraine ngồi trong xe tăng. Ảnh IT

Hơn một năm sau khi Nga tấn công Ukraine vào tháng 2/2022, cuộc chiến vẫn tiếp tục với việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nỗ lực huy động nguồn cung cấp binh lính và vũ khí liên tục khi các đồng minh chủ chốt của Kiev là châu Âu và Mỹ chậm tài trợ do những thay đổi chính trị nội bộ.

Mặc dù không có thông tin cụ thể về số lượng thương vong, nhưng ước tính của Liên Hợp Quốc cho biết hơn 10.000 thường dân Ukraine đã thiệt mạng. Một báo cáo của New York Times cho biết, cho đến nay đã có hơn 5 vạn binh sĩ Ukraine và Nga thiệt mạng.

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn khẳng định rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục trừ khi Kiev thực hiện một thỏa thuận có tính đến những lo ngại về an ninh của Moscow. “Hoặc chúng ta đạt được một thỏa thuận, đồng ý về một số giới hạn nhất định (về quy mô và sức mạnh của quân đội Ukraine)… hoặc chúng ta giải quyết vấn đề này bằng vũ lực. Đây là điều chúng tôi sẽ nỗ lực đạt được”, ông Putin nhấn mạnh.

3. Nga-Iran-Trung Quốc xích lại gần nhau

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 3.

Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo SCO được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 4/7. (Ảnh: FNA)

Mối quan hệ Nga-Iran-Trung Quốc ngày càng khăng khít hơn với việc Iran chính thức trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hôm 4/7. Tuyên bố của những nhà lãnh đạo Hội đồng Nhà nước SCO nêu rõ: "Các quốc gia thành viên nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc kết nạp Iran vào SCO với tư cách là một quốc gia thành viên đầy đủ”. 

SCO là một tổ chức chính trị, kinh tế, an ninh và quốc phòng Trung Á và cũng là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới về phạm vi địa lý và dân số (chiếm tới 40% dân số thế giới và 28% tổng GDP toàn cầu). Tổ chức này được thành lập bởi Trung Quốc, Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan vào năm 2001. Ấn Độ và Pakistan đã trở thành thành viên thường trực của SCO từ năm 2017. 

Ngoài ra, năm 2023, thế giới cũng chứng kiến mối quan hệ Nga - Trung ở mức "cao nhất mọi thời đại" - cụm từ được Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin sử dụng trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 19/12 mới đây. Trong khi đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh trong cuộc gặp với ông Mishustin rằng, việc duy trì và phát triển quan hệ Nga-Trung là lựa chọn chiến lược của cả hai nước dựa trên lợi ích của nhân dân hai nước.

Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tới thăm Bắc Kinh hồi tháng 10. Đây là chuyến công du đầu tiên của ông Putin tới một nước lớn trên thế giới kể từ khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát cuối tháng 2/2022. 

4. NATO mở rộng thành viên

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 4.

Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto (trái) trao văn kiện gia nhập NATO của Phần Lan cho Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (phải) và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 4/4. Ảnh Reuters.

Theo các chuyên gia quân sự quốc tế, cuộc xung đột tại Ukraine đã phá vỡ cấu trúc an ninh tại châu Âu vốn được lập từ sau chiến tranh Lạnh và một trật tự thế giới mới có thể sẽ được hình thành. Điều này được minh chứng thông qua việc NATO ngày càng mở rộng hơn về phía Nga, khi Liên minh vừa kết nạp thêm một thành viên mới là Phần Lan. Nếu không có sự cản trở của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary thì cả Thụy Điển cũng đã gia nhập NATO cùng với Phần Lan. Cả hai nước vốn có truyền thống tự coi là mình trung lập lâu nay ở khu vực Bắc Âu đều xin gia nhập NATO dưới tác động của cuộc chiến ở Ukraine. Việc Phần Lan gia nhập NATO có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và NATO, khi Moscow cảnh báo mạnh mẽ rằng sẽ đáp trả việc NATO mở rộng thành viên.

Theo đó, ngày 11/7 ông Lavrov phát biểu với các phóng viên rằng: "Chúng tôi chắc chắn sẽ đưa ra kết luận tùy thuộc vào việc NATO sẽ sử dụng lãnh thổ của Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng và rộng rãi như thế nào. Chắc chắn điều này sẽ được thực hiện vì cả Helsinki và Stockholm đã thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau với Mỹ liên quan đến việc triển khai cơ sở hạ tầng của liên minh ngay trên biên giới với Nga".

5. Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2023 với quy mô chưa từng có

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 5.

Hội nghị thượng đỉnh BRICS bế mặc ngày 24/8 tại thành phố Johannesburg, Nam Phi. Trong ảnh là lãnh đạo các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ảnh IT

 Ngày 22/8, các nhà lãnh đạo của nhóm BRICS đã bắt đầu hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày tại Johannesburg (Nam Phi). Hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS lần này đã thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế do có quy mô lớn chưa từng có và triển vọng kết nạp thêm thành viên mới.

BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi lớn nhất của khoảng 190 các quốc gia đang phát triển (còn gọi là các nước phương Nam), trong đó, các thành viên sáng lập gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, BRICS chiếm 42% dân số thế giới, 30% diện tích đất liền thế giới, 23% GDP thế giới và 18% thương mại toàn cầuChủ trương mở rộng BRICS được đưa ra bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đến ngày 24/8, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đã quyết định mời 6 quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập khối này.

6. Saudi Arabia và Iran bình thường hoá quan hệ

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 6.

Việc Saudi Arabia và Iran bình thường hoá quan hệ có công rất lớn của Trung Quốc. Trong ảnh: Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Iran Ali Shamkhani (phải), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (giữa) và Cố vấn an ninh quốc gia Saudi Arabia Musaad bin Mohammed Al Aiban gặp nhau tại Bắc Kinh hôm 10/3/2023. Ảnh: China Daily

Mối quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia đã bước sang chương hợp tác mới vào tháng 6 năm nay khi 2 nước bình thường hóa quan hệ sau nhiều năm "đóng băng" kể từ vụ người biểu tình Iran tấn công trụ sở các phái đoàn ngoại giao Saudi Arabia, nhằm phản đối việc Riyadh tử hình một giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite năm 2016.

Quan hệ giữa Iran và Saudi Arabia vốn đã căng thẳng trong thời gian dài khi hai nước ủng hộ các phe đối địch trong một số cuộc xung đột ở khu vực. Dù tồn tại nhiều khác biệt, song có không ít yếu tố thúc đẩy Iran và Saudi Arabia bình thường hóa quan hệ như nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế, mong muốn giảm căng thẳng trong khu vực, hay lo ngại về mối đe dọa ngày càng tăng từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS)...

7. Đảo chính liên tiếp gây bất ổn tại châu Phi

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 7.

Người biểu tình cổ vũ quân đội Niger khi họ tập trung trước đại sứ quán Pháp ở thủ đô Niamey ngày 30/7. Ảnh: AFP

Xu hướng thay đổi chính phủ một cách vi hiến tại nhiều quốc gia châu Phi năm 2023 đã đẩy khu vực này chìm sâu trong bất ổn, làm trầm trọng hơn những thách thức về đói nghèo và bất bình đẳng.

Theo đó, các cuộc đảo chính và bạo lực đã đảo lộn cuộc sống ở nhiều quốc gia trên khắp châu Phi. Sudan, một quốc gia Đông Phi rộng lớn đã chìm trong khói lửa nội chiến vào tháng Tư sau khi nhà lãnh đạo lâu năm Omar al-Bashir bị lật đổ. Tại Niger, thuộc địa cũ của Pháp và là nhà xuất khẩu uranium quan trọng, quân đội cũng tiến hành đảo chính, lật đổ tổng thống được bầu cử dân chủ của nước này vào tháng 7. Một tháng sau, quân đội Gabon cũng tiến hành một cuộc đảo chính tương tự, lật đổ tổng thống cầm quyền lâu năm ở đất nước Trung Phi này.

8. Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã phải gánh chịu trận động đất kinh hoàng hồi tháng 2 năm nay. Ảnh IT

Vào ngày 6/2, Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã trải qua những trận động đất khủng khiếp. Trận động đất đầu tiên có cường độ lên tới 7,8 độ richter xảy ra lúc 4h15 sáng, tiếp theo là trận thứ 2 có cường độ 7,5 độ richter lúc 1h24 chiều, kèm theo nhiều dư chấn mạnh. Hàng nghìn tòa nhà đổ sập, khiến hàng chục nghìn cư dân mắc kẹt. Phần lớn thiệt hại do các trận động đất mạnh xảy ra ở Antakya trong vòng vài giờ đầu tiên. Các thành phố lịch sử Sanliurfa và Aleppo cũng nằm trong số những nơi bị ảnh hưởng. Ước tính tác động tàn khốc đã khiến 59.000 người thiệt mạng ở Thổ Nhĩ Kỳ và 8.000 người ở Syria. Đây được cho là trận động đất lớn nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939.

Ngoài ra, năm 2023 cũng chứng kiến một trận động đất mạnh 6,8 độ richter xảy ra ở Maroc ở độ sâu 18,5 km đêm 8/9, khiến hàng nghìn người thiệt mạng và bị thương và gây tàn phá trên diện rộng. Tâm chấn ở dãy núi Atlas gần thành phố lịch sử Marrakech. Ước tính trận động đất đã giết chết tổng cộng hơn 2,901 người, chủ yếu là ở bên ngoài Marrakech. 

Đây có thể được coi là trận động đất gây thiệt hại lớn nhất ở Maroc kể từ trận động đất năm 1960 đã giết chết hơn 15,000 người ở quốc gia này. Đây cũng được coi là trận động đất gây thiệt hại lớn thứ hai trong năm 2023 kể từ sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria vào đầu tháng 2.

 9. Ấn Độ vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 9.

Dân số Ấn Độ được dự báo sẽ vẫn tăng mạnh. Ảnh IT

Năm 2023, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, với dân số ước tính khoảng 1,43 tỷ người. Các dự đoán cho thấy Ấn Độ có khả năng duy trì vị thế là quốc gia đông dân nhất trong nhiều thập kỷ tới. Trung Quốc vốn giữ vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới kể từ năm 1950, khi Liên hợp quốc bắt đầu công bố dữ liệu dân số. Kết quả phân tích cho thấy, tốc độ tăng dân số có xu hướng giảm song số dân Ấn Độ vẫn có thể đạt 1,668 tỷ người vào năm 2050. Trong khi đó, hai quốc gia đông dân tiếp theo là Trung Quốc và Mỹ được dự báo có tốc độ tăng chậm, thậm chí quy mô sẽ thu nhỏ lại.

Theo các chuyên gia, việc Ấn Độ chính thức vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất hành tinh sẽ là cơ hội hay thách thức, điều này còn phụ thuộc các chính sách phát triển của quốc gia Nam Á này

10. Năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử 125 nghìn năm qua

Điểm danh 10 sự kiện thế giới nổi bật nhất năm 2023 - Ảnh 10.

Nắng nóng đỉnh điểm trong năm 2023 đã gây ra nhiều hệ lụy chết người. Ảnh: Scitechdaily

 

Ngày 8/11, các nhà khoa học thuộc Liên minh châu Âu (EU) cho biết, năm 2023 gần như chắc chắn là năm nóng nhất trong 125 nghìn năm qua.

 

Tình trạng nắng nóng kỷ lục này là kết quả của quá trình phát thải khí nhà kính liên tục từ hoạt động của con người kết hợp với hiện tượng thời tiết El Nino xảy ra trong năm nay. Hiện tượng El Nino đã khiến lớp nước biển bề mặt ở khu vực phía đông Thái Bình Dương nóng lên một cách bất thường.

Biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng cực đoan ngày càng tàn khốc, trong đó có lũ lụt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Libya, những đợt nắng nóng nghiêm trọng ở Nam Mỹ và mùa cháy rừng tồi tệ nhất lịch sử được ghi nhận ở Canada.

 

“Chúng ta không được để lũ lụt, cháy rừng, bão và sóng nhiệt gay gắt xảy ra trong năm nay trở thành hiện tượng bình thường mới”, ông Piers Forster, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Leeds (Anh) cảnh báo.


tin tức liên quan