29 Tết, các chậu cúc những hôm đầu được neo với giá 700-800 nghìn nay đã treo bảng "xả hàng nghỉ sớm" còn 350 nghìn, có chỗ chỉ còn 250 nghìn cho những chậu còn nhiều nụ, nở kém và hoa ít bung hơn.
Điều làm tôi chú ý không phải là giá hoa nhảy múa theo ngày, mà nhiều người bán đã treo công khai bảng giá. Một thay đổi tích cực giúp giảm bớt việc mặc cả và tạo điều kiện cho người mua có thêm lựa chọn.
Tôi thường không có thói quen đi chọn hoa quá sớm, nếu mua tôi sẽ chọn trước Tết khoảng ba ngày. Với tôi đây vẫn là thời điểm đẹp để có nhiều lựa chọn ưng ý và giá cũng không còn "quá chát" so với những ngày đầu.
Như vậy, ngoài những chậu hoa đã được chọn trước đêm 30, số phận của phần còn lại thường là bị đập nát hoặc chặt bỏ không tiếc thương, dù trong buổi sáng cùng ngày chúng vẫn còn được cắt cành, phun sương, tỉa lá để tranh vé vớt trong chặng đua đêm giao thừa.
Điều này tiếp tục làm nảy sinh hiện tượng "giải cứu hoa" trước đêm 30 - kêu gọi giải quyết nguồn cung thị trường bằng lòng trắc ẩn. Bài toán khó đặt ra cho cả đôi bên trong việc tìm kiếm sự cân bằng giữa lòng thương cảm của người mua, hay tối ưu lợi ích kinh tế từ người bán.
Vẫn là câu chuyện về cán cân kinh tế thị trường đã trở nên quá chênh lệch, nguồn cầu thực tế không đủ sức để "clear giỏ hàng". Từ năm này sang tháng nọ, người trồng hoa vẫn phải kêu gọi và trông đợi vào lòng trắc ẩn để giải quyết "nguồn cung cận date". Đây là sự bộc phát thời vụ, yếu ớt trong chính một thị trường vốn đã rất mang tính thời vụ.
Tuy vậy, bên cạnh các bài chia sẻ nhiều cảm xúc trên mạng xã hội, kêu gọi mọi người đi mua hoa sớm, vì đồng cảm với những nhà vườn vất vả quanh năm, chỉ mong bán hết để về đón giao thừa bên gia đình, thì việc đập nát, chặt bỏ hoa Tết của người bán cũng trở nên phản cảm trong mắt cộng đồng, bởi thái độ hằn học, trút giận lên hoa cảnh nhằm "dằn mặt" người đợi hoa ế để ép giá.
Câu hỏi đặt ra "tại sao lỗ hoài, mà năm nào cũng bán"? Phải chăng người bán đã quen với việc đánh cược với thị trường, hay cũng đã đặt phân nửa niềm tin vào lòng trắc ẩn của người mua hàng?
Tôi gọi điện cho Quân - bạn cùng Đại học, hiện là chủ một nhà vườn hoa tại miền Tây, bạn bảo năm nay sức mua giảm vì kinh tế đi xuống, thương lái cũng không đặt nhiều như mọi năm. Sau khi bán cho nhà buôn, còn lại bao nhiêu bạn bán tại địa phương và tỉnh lân cận. Tiêu chí nhà vườn của bạn là bán không hết thì chở về đối với các loại cây thân gỗ như: mai, hoa giấy gốc già, hoặc bonsai vì vẫn gia tăng giá trị kinh tế trong năm tới. Còn với hoa mềm, vòng đời ngắn như: cúc, hoa ly, đồng tiền... thì bán xả hết giá rẻ vào chiều 30 chứ không nỡ đập bỏ vì xót. Bạn bán từ những ngày đầu, hàng đẹp giá tốt hơn thì cũng cân đối được cho lúc "xả hàng" cận Tết.
Như vậy, tùy thị trường khu vực sẽ có nhiều tệp nhà bán hàng đan xen lẫn nhau trong một phiên chợ hoa Tết. Nhà vườn thì đã có lãi nhất định khi chốt cho thương lái tại vườn, còn thương lái với hình thức "mua tận gốc bán tận ngọn", biên lợi nhuận cao hơn sẽ đối diện trực tiếp với rủi ro hấp thụ khắc nghiệt của thị trường.
Lỗ hay lãi chỉ người bán mới rõ nhất, còn truyền thông cũng chỉ phản ánh một mặt nhất định.
Vậy sao phải đập bỏ mà không bán rẻ hay tặng miễn phí cho người nghèo? Hành động đập phá hoa vừa lãng phí, phản cảm vừa tạo nên hình ảnh xấu. Là người đứng ngoài quan sát tôi không đủ dữ liệu để phán xét người đập phá hoa đáng thương hay đáng trách.
Trong marketing có khái niệm "maintaining scarcity" nghĩa là "duy trì sự khan hiếm". Ở trường hợp này, tôi cho rằng họ có đầy đủ lý do để làm như vậy, đập bỏ hoa đi cũng là hình thức kiểm soát nguồn cung sản phẩm khi vừa kết thúc mùa. Và giúp giải quyết tình trạng dư thừa sản phẩm trong khi thiếu lựa chọn cho tối ưu hóa lợi nhuận.
Chỉ một số ít nhà vườn chọn hình thức gửi vào chùa hoặc các tổ chức xã hội, vì việc này sẽ tốn thêm chi phí và thời gian phát sinh.
Cá nhân tôi không ủng hộ cho tặng miễn phí, sẽ tạo ra tiền lệ xấu và không công bằng cho thị trường hoa Tết. Tuy nhiên tôi cũng không ủng hộ việc đập bỏ một cách hằn học, trút giận cực đoan lên sản phẩm.
Vậy, làm thế nào để tạo ra sự công bằng giữa người mua và người bán, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và văn minh của thị trường chợ hoa Tết?
Trong một thị trường khá đặc thù về tính thời vụ, chưa có tiêu chuẩn đánh giá sản phẩm, thiếu đơn vị quản lý chung, và giá thành lại do người bán tự chủ động theo tỷ lệ sản phẩm giảm dần thì tôi cho rằng niêm yết giá bán từ sớm có thể là một lựa chọn khả thi.
Cùng với niêm yết, việc cập nhật giá theo ngày sẽ thúc đẩy người mua chọn hàng, không cần đợi đến "cận date" để "săn sale" giá rẻ. Thay đổi này tuy đơn giản nhưng sẽ giúp tăng tiếp cận trực tiếp, minh bạch về giá bán, điều kiện để người mua an tâm mình không bị "chém đẹp". Đồng thời phân bổ sức mua đều hơn, giảm áp lực cho cả người bán lẫn người mua.
Câu chuyện đập bỏ hoa mỗi dịp Tết không chỉ đề cập đến một hiện tượng thời sự, mà còn phản ánh sâu sắc về cán cân kinh tế thị trường và văn hóa tiêu dùng, làm nổi bật lên nhu cầu tìm kiếm sự cân bằng giữa người mua và người bán.
Mỗi giao dịch hoa Tết không đơn thuần là việc mua bán hàng hóa, mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế vùng trồng, phát huy văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng một thị trường hoa Tết văn minh và bền vững, nơi có sự chia sẻ, hiểu biết và tôn trọng sức lao động của nhau.
Trương Đức Phương
(PS st theo VnExpress)