Ngân hàng thế giới sẽ mua tất cả tín chỉ cacbon trong đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. Nếu quy trình làm chất lượng, tín chỉ cacbon sẽ được bán với giá khoảng 10USD/tấn, tương đương 100USD/ha.
Đó là thông tin bất ngờ mà ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nêu tại hội thảo chuyên đề vai trò của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong đề án một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, diễn ra tại Trà Vinh ngày 15/3 vừa qua.
Ông Nam cho biết, ngay trong tháng 5 tới đây, miền Tây sẽ thí điểm trước mô hình tín chỉ cacbon ở 5 cánh đồng, tổng quy mô trên 250ha.
Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1,8 triệu ha đất trồng lúa. Sản lượng lúa sản xuất tại vùng những năm gần đây luôn ổn định ở mức 24-25 triệu tấn, chiếm trên 50% sản lượng và 90% lượng gạo xuất khẩu cả nước.
Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" được triển khai tại 12 tỉnh thành trong khu vực, ngoại trừ Bến Tre. Tổng kinh phí thực hiện đề án ước tính khoảng 650 triệu USD, huy động từ nhiều nguồn.
Mục tiêu của đề án là đến năm 2030 xây dựng được cánh đồng một triệu ha, chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL. Ước tính người trồng lúa thuộc đề án sẽ tăng thu nhập thêm hơn 16.000 tỷ đồng (40% so với tổng thu hiện tại), đến từ việc giảm chi phí đầu tư và giá lúa tăng do có thương hiệu.
Đề án cũng giúp giảm trên 10% phát thải khí nhà kính trong quá trình canh tác, góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ về việc hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Thông tin từ đề án thể hiện, theo kinh nghiệm từ các dự án lúa giảm phát thải trước đây, cách canh tác mới có thể giúp giảm phát thải khoảng 5 tấn CO2/ha/năm so với cách trồng lúa truyền thống. Như vậy, cánh đồng một triệu ha sẽ giảm được 5 triệu tấn CO2.
Với mức giá dự kiến là 10 USD/tấn, lợi nhuận thu được từ cánh đồng 1 triệu ha khoảng 50 triệu USD.
Để thực hiện đề án, nông dân sẽ cần canh tác theo cách mới, sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, thực hiện tiết kiệm ở mọi công đoạn, thu hồi rơm để tái sử dụng…
Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO₂ hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO₂ tương đương. Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO₂ hoặc 1 tấn CO₂ quy đổi tương đương.
Năm 2023, lần đầu tiên nước ta đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng thông qua Ngân hàng Thế giới, với đơn giá 5 USD/tín chỉ, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỷ đồng). Đây là lượng tín chỉ carbon được thống kê ở vùng rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Người trồng rừng là chủ thể được thụ hưởng nguồn lợi này.