Tôi ấn tượng mãi với một kỳ thi tại Hoa Kỳ mà tôi được mời tham dự với tư cách Giáo sư thỉnh giảng (visiting professor) cách đây đã nhiều năm.
Các bạn sinh viên bốc thăm rồi ngồi vào bàn máy tính. Mỗi con số bốc thăm sẽ là một tình huống lâm sàng khác nhau. Ví dụ như đề số 1, màn hình hiện lên: Bệnh nhân nam 60 tuổi vào viện vì đau ngực!
Thí sinh sẽ đặt các câu hỏi triệu chứng, diễn biến và tiền sử bệnh tật, kể cả việc khám thấy gì cũng được máy tính trả lời, như tim đều 65 chu kỳ/ phút không có tiếng thổi, gan không to, không có phản ứng thành bụng...
Sau đó các bạn sinh viên bắt đầu đề nghị các xét nghiệm như xét nghiệm máu, điện tim, siêu âm, Chụp chiếu ... Các kết quả được trả về kèm theo tổng thời gian phải chờ đợi.
Cách đánh giá kỳ thi đương nhiên là phải chẩn đoán ra bệnh, nhưng muốn được điểm tốt cần đạt 2 tiêu chí: Thời gian đưa được ra chẩn đoán và tổng số chi phí cho các xét nghiệm cận lâm sàng. Chẩn đoán đúng, nhanh và tiết kiệm chi phí sẽ đạt được điểm số tối đa. Chẩn đoán sai, mất quá nhiều thời gian và đặc biệt đề nghị các xét nghiệm xâm lấn không cần thiết, nguy hại cho sức khỏe... sẽ bị trượt!
Nguyên lý ấy tưởng đơn giản và phổ biến với ngành Y không riêng nước nào. Nhưng hiện nay việc lạm dụng cận lâm sàng đang là một trong những mối lo nhất cho người dân.
Viêm ruột thừa mà chỉ định cắt lớp từ đầu đến chân kiểu gì chả chẩn đoán được; hay đau ngực do trào ngược dạ dày mà lôi bệnh nhân đi chụp động mạch vành để loại trừ... là những trường hợp vẫn xảy ra, đặc biệt ở các bệnh viện lớn, chuyên khoa.
Việc lạm dụng xét nghiệm là tình trạng không chỉ ở Việt Nam, vì vậy muốn giải quyết không hề đơn giản.
Giáo dục ngay trong trường Đại học là cách duy nhất để hạn chế tình trạng này. "Thấm vào máu", ra đời bị "xô đẩy" nhưng chắc vẫn giữ được khí chất của người bác sĩ lâm sàng chứ không phải chuyên kê chỉ định xét nghiệm.
Trong chương trình hành động của tôi cách đây 5 năm trước khi chính thức nhận nhiệm vụ Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 3 điểm chính, trong đó điểm đầu tiên là phát triển bệnh viện về cả số lượng và chất lượng.
Tôi đã nhấn mạnh: "Uy tín của Bệnh viện sẽ được xây dựng không chỉ từ những ca mổ khó mà còn từ việc không "lạm dụng" chỉ định y khoa. Chúng ta sẽ không chỉ định quá nhiều xét nghiệm, phẫu thuật những trường hợp chưa cần thiết hay dùng những loại thuốc không nhằm mục đích chữa bệnh… Tăng trưởng lớn nhất của Bệnh viện sẽ là tăng trưởng niềm tin của người bệnh đối với chúng ta."
Nhưng quả thật, dù Bệnh viện có sự tăng trưởng mạnh, tuy nhiên việc lạm dụng chỉ định vẫn còn đâu đó hiện hữu trong Bệnh viện và trong tâm trí của nhân viên Y tế chúng ta. Điều đó có phần là lỗi của tôi!
Ai cũng muốn có nhiều bệnh nhân để chữa, bệnh viện cũng cần doanh số, các hãng thuốc và dụng cụ đương nhiên thích bán hàng, còn bệnh nhân đâu có chuyên môn để hiểu. Làm xong bệnh nhân sẽ cảm ơn rối rít các bác sĩ đã cứu tôi!
Buồn nhất hiện nay xu thế này ngày càng nhiều. Nhìn những con số phẫu thuật can thiệp tăng cao của nhiều bệnh viện, mừng cũng có nhưng lo nhiều hơn. Bao nhiêu trường hợp chúng ta tặc lưỡi đằng nào mình không làm bệnh nhân sang chỗ khác cũng sẽ chỉ định phẫu thuật, can thiệp. Chúng ta làm những gì không đúng lương tâm đâu có thanh thản, và biết đâu đi đêm lắm có ngày... gặp ma. Cái giá phải trả vô cùng đắt.
Tôi chỉ lo nhất những bác sĩ trẻ chưa hiểu hết ngọn nguồn, lại học ở các người đi trước làm "bậy bạ" nên nghĩ mình đang đúng. Các bạn có biết hơn 10 năm trước bệnh nhân đến với tôi để xin được can thiệp sớm, còn ngày nay chủ yếu nhờ tôi trả lời câu hỏi "có nên phẫu thuật, can thiệp hay không?"
Khoa học ngày càng phát triển, cách duy nhất để theo kịp là cập nhật kiến thức và không ngừng học hỏi. Nhưng chúng ta hãy học cái tốt chứ không phải là học "mưu mẹo".
Tác giả: Ông Nguyễn Lân Hiếu là bác sĩ chuyên ngành tim mạch, Phó giáo sư, Tiến sĩ Y khoa; Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; thành viên của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa XIV, XV.