"Có bánh chưng là có tết" - Góc nhìn của Võ Nhật Vinh

Ngày đăng: 02:23 30/01/2025 Lượt xem: 13

GÓC NHÌN
Có bánh chưng là có Tết

Võ Nhật Vinh

Võ Nhật Vinh

Giảng viên

Bánh tét vẹo, bánh chưng méo là “thương hiệu” gắn liền với mấy cha con chúng tôi nhiều năm nay.

Tôi không phải người khéo tay, càng không phải là người chỉn chu về hình thức nên "giao diện" những chiếc bánh thường không bắt mắt. Thế nên, những năm gần đây, Tết nào tôi cũng băn khoăn: nên tự gói hay đặt hàng bánh Tết cho nhanh và đẹp mắt. Câu hỏi đơn giản ấy trở nên khó quyết định chỉ bởi một câu hỏi khác cũng đồng thời nảy sinh: đều "có bánh để ăn", thì tự gói hay đặt bánh có gì khác biệt?

Tuổi thơ của tôi là những năm tháng lớn lên cùng gia đình trong một căn nhà cấp bốn ở thành thị. Ba mẹ tôi vất vả mưu sinh cả năm nên không có điều kiện bày vẽ cầu kỳ ngày Tết. Vì thế, kỷ niệm Tết với tôi là những ngày cùng cả nhà vệ sinh nhà cửa, là những ngày được ăn các món thịt kho hay được uống những ly nước ngọt hiếm khi có được trong năm. Việc cắt lá, gói bánh và đun bánh là điều quá xa xỉ với gia đình chúng tôi.

Sau này lớn lên, năm nào gia đình chúng tôi cũng đầy đủ bánh mứt nhờ kinh tế đất nước phát triển lên và anh em chúng tôi bắt đầu làm việc ở các công sở nên thường nhận được những món quà - trong đó có cả bánh chưng, bánh tét - mỗi dịp Tết đến. Kinh nghiệm và cả kỹ năng về gói bánh, nấu bánh ngày Tết với tôi là con số không tròn trĩnh. Tôi cũng không mấy thèm khát bánh chưng, và chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình trực tiếp làm những công việc ấy.

Những năm đầu tiên đón Tết xa nhà, hiếm lắm trong các cuộc họp mặt của cộng đồng du học sinh tôi mới được nếm miếng bánh chưng đông lạnh. Nỗi nhớ nhà ngày Tết - lại là những ngày đông lạnh giá - khiến tôi bắt đầu nghĩ về bánh tét, bánh chưng nhiều hơn - như một giá trị biểu tượng của ngày Tết hơn là giá trị món ăn. Theo dòng cuộc đời, nhiều thứ đã thay đổi với tôi, trong đó có câu chuyện bánh tét, bánh chưng ngày Tết.

Cổ tích Việt Nam - trong đó có câu chuyện về chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu - mà hàng đêm tôi hay đọc cho con, bỗng một ngày biết "cất lên tiếng nói". Vào một dịp nghe người lớn nói về Tết Nguyên đán sắp đến, con tôi bỗng nhắc đến loại bánh chưng khiến "ông vua hài lòng". Trong phút giây xúc động ấy, tôi đã giao hẹn với con, rằng bố sẽ "khiến các con hài lòng" bằng cách hóa thân thành Hoàng tử Lang Liêu, "sản xuất" bánh chưng, bánh tét.

Tôi lần đầu tiên làm mọi việc, từ chuyện lên YouTube học cách làm, đi mua và chuẩn bị nguyên vật liệu đến gói bánh và nấu bánh. Chiếc bánh đầu tiên ra khỏi nồi không những méo mó mà còn rò rỉ chỗ này chỗ nọ, hạt nếp nở xòe bung ra ngoài lá. Dù chỉ ăn hết một khoảnh bé xíu, cô con gái nhỏ của tôi đã quấn quýt, háo hức, đi ra đi vào ngóng đợi '"bao giờ bánh chín". Tôi từ đó năm nào cũng định đặt mua, nhưng rốt cuộc đều không đành lòng dừng công việc gói bánh mỗi Tết, cho dù mẫu mã và chất lượng sản phẩm vẫn... vậy.

Thời còn là du học sinh xa quê, miếng bánh tét bánh chưng là miếng ăn mang hương vị, cảm xúc tượng trưng cho ngày truyền thống của người Việt. Nay miếng bánh ấy lại mang hương vị lao động cùng nhau của cả gia đình. Khoảnh khắc vui vầy trong ngày Tết dân tộc với chúng tôi là quý giá hơn cả, dù chiếc bánh có vuông tròn ra sao.

Đến nay, cộng đồng người Việt sinh sống xung quanh gia đình chúng tôi cũng khá xôm tụ và nhiều người rất giỏi bếp núc. Chỉ cần đặt hàng là chúng tôi dễ dàng có được những chiếc bánh chưng hay bánh tét chất lượng cả hình thức lẫn nội dung, không thua gì ở Việt Nam. Dẫu vậy, chỉ với chiếc bánh méo mó tự làm, cha con chúng tôi đã có những giờ quây quần bên nhau và tận hưởng Tết của người Việt.

Chúng tôi xa quê, ngày ngày vẫn nhắc nhở các con nhớ về quê hương, vẫn chật vật dành thời gian dạy con tiếng Việt mỗi ngày, mà không khỏi thấp thỏm rằng mối dây ràng buộc của chúng với quê cha đất tổ sẽ dần phai nhạt đi.

Mới đây, đang sửa soạn nguyên liệu gói bánh chưng, tôi bỗng nhận ra nỗ lực "hóa thân thành Lang Liêu" của mình còn mang lại hiệu ứng vượt quá cả mong đợi, khi lũ trẻ reo lên "Tết, Tết". Bao năm nay, một cách tự nhiên, câu chuyện gói bánh của tôi đã trở thành một nếp nhà, ngấm vào tâm thức của các con, để chúng nhận ra "có bánh chưng là có Tết".

Võ Nhật Vinh
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan