"Bổng lộc hay phụng sự?" - Góc nhìn của Đinh Hồng Kỳ

Ngày đăng: 09:11 03/02/2025 Lượt xem: 16

GÓC NHÌN
Bổng lộc hay phụng sự?

Đinh Hồng Kỳ

Đinh Hồng Kỳ

Doanh nhân

       Nhóm học sinh tại một trường trung học ở Paris được giao nhiệm vụ tổ chức sự kiện từ thiện gây quỹ cho trại trẻ mồ côi.
       Nhà trường cấp cho nhóm một khoản ngân sách nhỏ nhằm in áp phích, mua đồ trang trí và chuẩn bị các công đoạn khác. Một học sinh đề xuất dùng một phần tiền mua bánh kẹo cho nhóm vì "chúng ta đã làm việc rất vất vả".
       Giáo viên lập tức đặt câu hỏi: "Số tiền này được cấp để làm gì?" - "Để tổ chức sự kiện giúp đỡ trại trẻ mồ côi" - "Nếu chúng ta dùng nó để mua đồ ăn cho chính mình, có khác gì lạm dụng công quỹ nhà nước không?".
       Cả nhóm im lặng. Số tiền không lớn nhưng sử dụng sai mục đích là hành vi không thể chấp nhận. Học sinh đề xuất ý tưởng đã xin lỗi và cam kết sẽ cẩn trọng hơn.
       Giáo dục ở Pháp dạy trẻ em công quỹ là tài sản của xã hội, không ai có quyền sử dụng tùy tiện. Những bài học này hình thành tư duy rằng công chức không thể xem ngân sách nhà nước như "bổng lộc", mà phải sử dụng nó vì lợi ích chung.
       Ở Việt Nam, khi nền kinh tế thị trường bắt đầu hình thành từ những năm 1990, nhiều phụ huynh mong muốn con vào biên chế nhà nước để có cuộc sống "ổn định". Khi nền kinh tế phát triển, khái niệm "ổn định" dần biến thành "bổng lộc".
       Lương công chức không cao, nhưng không ít người sống bằng những khoản thu nhập ngoài luồng, từ phong bì, quà cáp, đến các "phi vụ" lớn hơn. Từ những đặc quyền nhỏ lẻ, tham nhũng dần trở thành một vấn nạn nghiêm trọng. Những đại án gần đây liên quan đến quan chức cấp cao cho thấy tham nhũng không còn là hiện tượng cá biệt, mà đã trở thành một nguy cơ đe dọa sự phát triển của đất nước.
       Trong bối cảnh Nhà nước đang đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh giản bộ máy hành chính, việc thu gọn số lượng bộ, giảm các tổng cục, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan Đảng và chính quyền địa phương không chỉ là bài toán về tổ chức, mà còn đặt ra yêu cầu thay đổi tư duy về sứ mệnh của công chức, viên chức.
       Nhiều nước đã tinh giản bộ máy hành chính thành công. Canada, Singapore, Nhật Bản có hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả, với công chức làm việc theo hiệu suất và chịu sự giám sát chặt chẽ.
       Singapore là hình mẫu về tính minh bạch. Công chức được tuyển chọn qua kỳ thi khắt khe và hưởng lương cao, nhưng phải duy trì liêm chính tối đa. Chính phủ nước này có chương trình "Public Service Values" (Giá trị Dịch vụ Công), trong đó mỗi công chức phải cam kết trung thành với nguyên tắc "liêm chính, tận tụy và công bằng". Không ai có thể dễ dàng lợi dụng chức vụ để tư lợi cá nhân, vì nếu vi phạm, họ sẽ bị xử lý nghiêm minh.
       Ở Thụy Điển, công chức không chỉ có trách nhiệm phụng sự mà còn phải giải trình mọi hành vi. Mona Sahlin, một ứng cử viên thuộc đảng Dân chủ Xã hội từng mất cơ hội tranh cử thủ tướng Thụy Điển vào năm 1995, sau khi thừa nhận đã tiêu xài ngân sách công để chi trả tiêu dùng cá nhân cho một vài món như mấy thanh chocolate, ít tã giấy... trị giá khoảng 80 USD. Các công chức nước này thường xuyên phải báo cáo công khai tài sản cá nhân và chịu sự giám sát của cả báo chí lẫn người dân. Điều này góp phần đảm bảo họ chỉ tập trung vào nhiệm vụ phục vụ công chúng, không có cơ hội trục lợi cá nhân.
       Tại Đức, "Beamteneid" (Lời thề công chức) là một phần quan trọng trong văn hóa hành chính. Công chức tuyên thệ trung thành với hiến pháp và bảo vệ lợi ích của nhân dân. Canada, Nhật Bản và Singapore có hệ thống giám sát chặt chẽ, góp phần vô hiệu tham nhũng. Nếu vi phạm, công chức không chỉ mất việc mà còn đối mặt với án phạt nghiêm khắc.
       Ở các nước phát triển, lương công chức cần gắn với hiệu suất công việc. Mức lương được trả rất cao, nhưng nếu làm việc kém hiệu quả, họ sẽ bị đào thải. Việt Nam cần áp dụng nguyên tắc này để loại bỏ những công chức chỉ giữ ghế mà không có đóng góp thực sự.
       Giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng. Ở Canada, nhiều người muốn làm công chức vì đó là một nghề danh giá, được xã hội tôn trọng, không phải vì đặc quyền. Việt Nam cần xây dựng lại hình ảnh công chức là người phụng sự. Nếu ngay từ nhỏ, trẻ em được dạy rằng bổng lộc không phải là quyền lợi hiển nhiên, mà là hành vi lấy cắp từ tiền thuế của dân, thì thế hệ sau sẽ có một thái độ khác với bộ máy nhà nước.
       Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để cải cách bộ máy hành chính. Khi Nhà nước quyết tâm tinh giản, bộ máy công chức sẽ không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những người chỉ muốn hưởng lợi. Những ai muốn tồn tại phải làm việc thực sự, có trách nhiệm với xã hội.
       Tinh thần "phụng sự" phải thay thế tư duy "hưởng lộc". Chỉ khi công chức thực sự làm việc vì đất nước, hệ thống hành chính mới minh bạch, hiệu quả và mang lại lợi ích cho nhân dân.
       Đây không phải một thay đổi dễ dàng, nhưng là một thay đổi tất yếu. Và nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ, thì bao giờ?

Đinh Hồng Kỳ

(PS st theo VnExpress)
 

tin tức liên quan