“Đại gia chăn vịt – một tay che trời” - Góc nhìn của Hoàng Văn Kính
Phần II:
“ĐẠI GIA” CHĂN VỊT
MỘT TAY CHE TRỜI
Hoàng Văn Kính
Nguyễn Văn Hậu (tức "Hậu Pháo") sinh năm 1981, trú ở phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội), quê gốc ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Theo tạp chí Kinh tế môi trường Nguyễn Văn Hậu không được sinh ra trong một gia đình giàu có như bao doanh nhân khác. Theo người dân huyện Vĩnh Tường, Nguyễn Văn Hậu có tuổi thơ vất vả đầy nắng gió, từng phải lội đồng chăn vịt để phụ giúp gia đình. Trước khi bước vào thương trường, ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn còn có giai đoạn kiêm cả nghề chạy xe ngựa. Bằng nghị lực "thoát khỏi luỹ tre làng" Hậu đã vươn lên từ hai bàn tay trắng. Năm 2004, Hậu thành lập Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn tại xã Tam Phúc, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, tiền thân là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Phúc Sơn, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng. Dần dần, cái tên Hậu "Pháo" hay Hậu "Nổ" được giới bất động sản gắn liền với vị doanh nhân trẻ quê Vĩnh Phúc này. Với vẻ ngoài của kẻ nhiều tiền lắm của, bao giờ hắn cũng xuất hiện với vẻ bề ngoài hào nhoáng, bộ đồ hàng hiệu, vàng đeo lấp lánh trễ cả cổ đầu và cổ 2 bàn tay, ví kẹp nách hàng hiệu, thắt lưng có khóa hình chữ H bằng vàng mười chính hiệu, mang đôi giầy độc lạ, cưỡi trên những chiếc ô tô giá vài ba bốn tỷ mà không phải chỉ có một mà nhiều chiếc khác nhau. Chỉ cần thoáng thấy hắn là mọi người đã phải trố mắt nhìn theo.
Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn - Hậu "Pháo" tại cơ quan điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu Pháo có nhiều nét chung điển hình về chân dung những đại gia - tội phạm ở Việt Nam.
1- Chúng đều tích lũy số tiền rất lớn trong một thời gian rất ngắn. Số tiền và tài sản ấy thường có được thông qua các hành vi phi chuẩn mực, huy động bằng các hình thức có tính chất lừa đảo từ khách hàng và nhà đầu tư, hoặc lợi dụng quan hệ để có các dự án đầu tư công trong xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng ngân sách Nhà nước, thông qua các hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao, hoặc sử dụng tiền của khách hàng sai mục đích.
2- Mạnh tay chi tiền cho quan hệ, hối lộ và đút lót các quan chức, cán bộ quản lý. Chi tiền thao túng lãnh đạo đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc như với bà Hoàng Thị Thúy Loan cựu Bí thư Tỉnh ủy, Lê Duy Thành cựu Chủ tịch tỉnh; Phạm Hoài Anh cựu Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Khước cựu phó Chủ tịch tỉnh, chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất; Nguyễn Quốc Hải cựu Giám đốc Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh; Hoàng Văn Nhiệm cựu Phó giám đốc Sở Tài chính tỉnh. Tại tỉnh Quảng Ngãi có: Đặng Văn Minh cựu Chủ tịch tỉnh, Cao Khoa cựu Chủ tịch tỉnh, Lê Viết Chữ cựu Phó Chủ tịch tỉnh để được nhận dự án, được phê duyệt các dự án có lợi cho mình, bất chấp các quy định của pháp luật. Số tiền có được từ dự án, từ khách hàng được các đại gia – tội phạm này dùng vào việc chạy quan hệ, đút lót, quay vòng và sử dụng cho mục đích riêng là chính, thay vì để thực hiện các dự án. Do đó các dự án do doanh nghiệp của các đại gia – tội phạm này thực hiện thường chậm tiến độ hoặc không thể hoàn thành, nếu hoàn thành thì cũng có chất lượng rất kém, gây nhiều hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội.
3- Phông văn hóa của các đại gia – tội phạm rất thấp, ý thức về hình ảnh, vai trò của doanh nhân rất lệch lạc. Nền tảng văn hóa thấp ấy không phụ thuộc vào bằng cấp hay trình độ giáo dục, vì có nhiều kẻ có trình độ giáo dục cao nhưng lại thể hiện nền tảng văn hóa èo ọt ở cách ứng xử, về hình ảnh trong xã hội. Có những kẻ không chỉ vi phạm pháp luật vì lợi ích cá nhân, mà còn hủy hoại các giá trị phổ biến về quan hệ xã hội. Nhiều hành trình làm giàu của một số doanh nhân để lại những vết đen xấu xí trong xã hội cả về đạo đức, pháp luật và trong cách ứng xử của con người.
4- Do trình độ yếu, văn hóa kém đi cùng với nhận thức méo mó về giá trị của tiền bạc, nhiều đại gia - tội phạm đã tự dựng lên hình ảnh méo mó, kệch cỡm về chính mình, gián tiếp xây dựng nhận thức sai lệch về doanh nhân, về khát vọng làm giàu của doanh nhân, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của những doanh nhân Việt Nam chân chính khác.
Bằng những thủ đoạn mua chuộc, hối lộ, luồn lách đi đêm về hôm Nguyễn Văn Hậu hay đại gia Hậu "Pháo", Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã vươn vòi thâu tóm nhiều gói thầu từ Bắc vào Nam để trục lợi, điển hình như: Dự án Chợ đầu mối nông sản Vĩnh tường; Dự án Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc; Dự án Đê tả song Hồng và Dự án đường nội thị thị trấn Vĩnh Tường; Dự án Trung tâm lễ hội và Dự án phòng chống cháy rừng. Ở Quảng Ngại: 2 gói thầu thuộc Dự án đường bờ nam sông Trà Khúc và Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1. Tại tỉnh Phú Thọ, Dự án Trung tâm lễ hội và Dự án Phòng chống cháy rừng…
Quá trình điều tra, Cảnh sát đã kê biên 1.440 bất động sản, phong tỏa 43 tài khoản/sổ tiết kiệm, thu giữ hơn 41,5 tỷ đồng, 534 lượng vàng SJC, hơn 1,1 triệu USD, 3 ô tô (Lexus, Mercedes và BMW), 52 case máy tính, nhiều điện thoại và các tài sản khác. Với 2 hệ thống sổ sách kế toán Nguyễn Văn Hậu đã "phù phép" thu lời hơn 2.072 tỷ đồng…
Một con vịt có thể hóa thiên nga trong chuyện cổ tích, nhưng không phải người chăn vịt nào cũng có thể trở thành một doanh nhân chân chính ngoài đời thực. Thực tế cũng có nhiều đại gia xuất thân từ hoàn cảnh khốn khó, thậm chí dưới “đáy xã hội” nhưng họ đã làm nên cơ nghiệp một cách đàng hoàng bằng chính ý chí và thực lực của bản thân khác hẳn với Nguyễn Văn Hậu- một kẻ tham vọng làm giầu bất chấp mọi thủ đoạn. Những kẻ như thế chắc chắn sẽ trở thành tội phạm và khiến rất nhiều kẻ “hám tiền” vướng vòng lao lý! Đấy là đạo trời.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội