“Điều còn lại sau vụ Hậu “Pháo” – Góc nhìn sự kiện của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 08:44 03/04/2025 Lượt xem: 37
 
 
Phần IV:
ĐIỀU CÒN LẠI SAU VỤ HẬU "PHÁO"
Hoàng Văn Kính
 
       Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều quy định, các cơ chế từ TW đến địa phương để kiểm tra, giám sát cán bộ các cấp nhưng hình ảnh cựu Bí thư Tỉnh ủy  Hoàng Thị Thúy Lan cùng một số lãnh đạo, cựu lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bình Dương, Quảng Ngãi... bị cáo buộc hoặc lĩnh án tù do nhận hối lộ hàng tỉ đồng chỉ bằng vài cú điện thoại, vài cuộc gặp gỡ hay một ngón tay ra hiệu đang báo động một thực trạng trong hệ thống chính trị: Cơ chế giải trình trách nhiệm, giám sát tại nhiều địa phương chưa thực sự phát huy hiệu quả, còn bị buông lỏng thậm chí bị vô hiệu hóa.
       Theo các quy định đã được ban hành và còn hiệu lực, cán bộ đặc biệt người đứng đầu các tỉnh phải chịu nhiều tầng giám sát: từ tổ chức Đảng, Hội đồng nhân dân, đến các cơ quan thanh tra, kiểm tra, thậm chí chính dư luận và báo chí… chỉ cần một mắt xích ấy hoạt động hiệu quả thì các hành vi tham nhũng có thể được ngăn chặn hoặc sớm bị phát hiện. Nhưng trong thực tế vì rất nhiều lý do “tế nhị” mà đã có tình trạng ngó lơ, bưng bít thông tin khiến việc kiểm tra, thanh tra nội bộ chỉ còn là thủ tục, mang tính hình thức, điển hình như việc kê khai tài sản vốn là một trong những ổ khóa ngăn chặn tham nhũng thì chỉ được làm chiếu lệ, hời hợt mang tính đối phó. Từ vụ án Hậu “pháo” đến một loạt các vụ án lớn khác cho thấy khi cấp trên - cấp dưới - Bí thư - Chủ tịch tỉnh - Giám đốc sở… cùng chung “một chí hướng” nhận hối lộ, bảo kê sân sau của mình hoặc của lãnh đạo cấp trên thì cái gọi là cơ chế giám sát ấy chẳng giám sát được ai cả.
       Khi những vụ lùm xùm xoay quanh Hậu “ pháo” và bà Hoàng Thị Thuý Lan vỡ lở, dư luận mới ngớ người ra và đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để Thanh tra Chính phủ đánh giá  tỉnh Vĩnh Phúc liên tục trong nhiều năm liền  từ 2016  đến 2022 (giai đoạn bà Lan làm Bí thư tỉnh ủy) được xếp trong tốp đứng đầu bảng xếp hạng, thậm chí năm 2022 đứng đầu cả nước về kết quả đánh giá công tác phòng chống tham nhũng để rồi cả ba người đứng đầu và nhiều quan to quan bé cùng dính tham nhũng. Vậy Thanh tra Chính phủ phải chịu trách nhiệm đến đâu với cái bảng xếp hạng “đểu” ấy. Hay họ cũng lại giơ một, hai, ba hoặc nhiều ngón tay nhưng không phải với Hậu “pháo” mà với lãnh đạo tỉnh! Có cần phải xem xét lại phẩm chất và năng lực của đội ngũ thuộc cái cơ quan uy quyền này và các tiêu chí trong việc đánh giá để việc xếp hạng như trên bảo đảm được tính khách quan, thực chất, hiệu quả.
       Sau tinh giản bộ máy, quyền lực trao cho người đứng đầu, đặc biệt ở các địa phương sẽ rất lớn. Nếu họ không liêm khiết, không chính trực và cơ chế giám sát thiếu hiệu quả thì tất yếu dẫn đến hiện tượng “một tay che trời”, gây hậu quả nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn niềm tin của nhân dân. Với một nhóm lợi ích, gồm cả những người có quyền cao chức trọng, họ không còn sợ ai nữa một khi tất cả đã đồng lòng. Những sai phạm ấy diễn ra trong thời gian dài, chắc chắn đồng nghiệp, cấp dưới, người dân và có thể cả cấp trên nhiều người biết nhưng không ai, không cơ quan nào dám sờ đến cái lông chân họ.
       Để không còn nguy cơ những cựu Bí thư, cựu Chủ tịch và các quan chức dính vòng lao lý, cần thực hiện có hiệu quả một số giải pháp:
1- Phải đẩy mạnh và đưa cơ chế giám sát quyền lực đi vào hoạt động thực chất hơn ở tất cả các cấp. Việc đánh giá cán bộ, lấy phiếu tín nhiệm phải phải làm thật nghiêm túc, gắn với kết quả phòng, chống tham nhũng và cơ chế bảo vệ người tố cáo sai phạm. Kiên quyết xử lý thật nghiêm các hành vi vi phạm dù đó là ai, ở cương vị nào.
2- Trách nhiệm giải trình phải gắn liền với yêu cầu về đạo đức công vụ. Coi việc giám sát và giải trình là nền tảng của Nhà nước pháp quyền. Khi quản lý Nhà nước được thực hiện, cả hệ thống chính trị cũng sắn tay áo vào cuộc sẽ có thêm mắt, thêm tai giám sát từ nhiều phía như vậy người có trách nhiệm sẽ khó lòng lạm dụng quyền lực để chỉ cần đưa một ngón tay lên là nhận về cả triệu USD. Phải có cơ chế để người dân dám phản ảnh, tố cáo những hành vi sai trái của cán bộ.
3-Để phá vỡ vòng tròn cấu kết, móc ngoặc phải công khai, minh bạch, nhất là các dự án có liên quan đến đấu thầu, loại trừ tình trạng mập mờ, gây sức ép để doanh nghiệp được trúng thầu hay được chỉ định thầu.
4-Phải làm tốt công tác tổ chức, luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu. Việc bố trí cán bộ phải coi trọng cả năng lực và phẩm chất chính trị. Xây dựng văn hóa liêm chính trước hết là sự gương mẫu, nói đi đôi với làm. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, pháp luật để các công bộc của dân chỉ biết tận tụy cống hiến mà không ai còn dám giơ ngón tay làm bậy.
       “Chính sách trên giời, người đời dưới đất”. Những điều trên chẳng có gì mới cả, ai cũng biết nhưng... Đấy bé tẹo như cái việc lấn chiếm vỉa hè, cái việc đào lên lấp xuống lòng đường, đỗ xe ngay dưới biển “cấm đỗ xe”, dưới cái biển “Cấm đổ rác” kia ngày nào cũng lù lù một đống, hóa ra chỉ để cho oai, là vật trang trí, mang tính biểu tượng thôi.
       Chỉ bằng cái “mắt muỗi” mà Chính quyền, các lực lượng chức năng, hệ thông chính trị còn “đầu hàng” thì chả trách trong nhiều năm liền Hậu “Pháo” một tay che trời, Bí thư Lan cười nửa miệng để bòn rút tiền của dân là phải.
       Một thực trạng rất đáng buồn!

Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
tin tức liên quan