“Cải cách thể chế - Con đường tất yếu để đất nước đi lên” – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
CẢI CÁCH THỂ CHẾ
CON ĐƯỜNG TẤT YẾU ĐỂ ĐẤT NƯỚC ĐI LÊN
Hoàng Văn Kính
Từ lâu ở nước ta con cháu được tuyển dụng vào biên chế nhà nước là mơ ước, là hồng phúc của các bậc sinh thành. Tuy lương không cao nhưng cái mác cán bộ, công chức được ăn trắng mặc trơn, có thu nhập ổn định đủ khiến mọi người nở mày nở mặt hơn hẳn phải lầm lũi quẩn quanh theo đít con trâu. Khi nền kinh tế phát triển, khái niệm "ổn định" dần biến thành "bổng lộc" thì công chức Nhà nước thật sự là miếng bánh ngon để mọi người thèm khát. Đã trong biên chế ít nhiều đều có lộc, chức tước càng to thì bổng lộc càng nhiều. Những khoản thu nhập ngoài luồng, từ phong bì, quà cáp, đến các "phi vụ" lớn hơn đã tạo ra sức hút mạnh mẽ khó ai có thể từ chối. Đặc quyền đẻ ra tham nhũng và tham nhũng đã trở thành một vấn nạn ngày càng nghiêm trọng.
Cuộc cách mạng thể chế sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội Mặt trận hướng đến mục tiêu gần dân, sát dân là bước đi mang tính đột phá nhằm tinh gọn bộ máy, loại bỏ sự cồng kềnh, chồng chéo, không hiệu lực, thiếu hiệu quả, gây phiền phức, phát sinh nhiều tệ nạn đồng thời phục vụ nhân dân tốt hơn mở ra cục diện mới trong phát triển đất nước với tầm nhìn dài hơn, xa hơn. Dự kiến số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống còn 34, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, giảm khoảng 60-70% số đơn vị hành chính cấp xã hiện nay tức là còn khoảng 2.500 xã so với hơn 10.000 xã hiện nay; kết thúc hoạt động các đơn vị hành chính cấp huyện một cấp trung gian tồn tại hàng trăm năm trong cấu trúc quản trị Nhà nước; sắp xếp 5 tổ chức chính trị - xã hội, 30 tổ chức hội quần chúng, xóa bỏ tình trạng cục bộ địa phương, bè phái, chia chác quyền lực vốn là căn bệnh trầm kha khiến bộ máy bị kìm hãm trong thời gian dài. Tất cả đang đặt ra yêu cầu thay đổi mạnh mẽ tư duy về vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả nước. Có thể nói đây là một cuộc cách mạng thể chế “long trời, lở đất” vì nó có liên quan đến cả hệ thống chính trị từ TW đến cơ sở, liên quan đến hàng triệu cán bộ, công chức bị điều động hoặc phải thôi việc.
Việc giảm bớt khâu trung gian, thu gọn đội ngũ công chức, viên chức, giảm được các chi phí hành chính sẽ tiết kiệm được khoảng 2/3 ngân sách chỉ để chi trả tiền lương, tạo nguồn lực để đầu tư cho phát triển đất nước, đầu tư cho an sinh, phúc lợi xã hội. Riêng việc miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập theo dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng/năm ( Tiền Phong 8/4/2025 ). Rồi ngân sách chi trả để thực hiện xoá nhà ở dột nát trong cả nước; chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả mọi người dân… Chính vì ý nghĩa thiết thực ấy mà cuộc cải cách thể chế nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân. Tuy nhiên quá trình tiến hành sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nảy sinh tác động rộng lớn đến toàn xã hội. Đa số ủng hộ, nhưng cũng không ít người vì lợi ích cá nhân mà không đồng tình, các thế lực phản động lợi dụng kích động, chống phá, đăng tải thông tin xuyên tạc, sai lệch…
Có thể nói: Thể chế là nhân tố quyết định thành bại của một Quốc gia. Một thể chế phù hợp sẽ giúp mở rộng không gian phát triển đồng thời khuyến khích người dân, doanh nghiệp và cả bộ máy nhà nước đổi mới, sáng tạo trong thực thi công vụ. Nước Mỹ với hơn 340 triệu dân ( hơn gấp 3 lần nước ta ) nhưng chỉ có 15 Bộ và dưới thơì ông Trump họ vẫn tiếp tục sa thải hàng loạt nhân viên, đóng cửa những tổ chức không mang lại hiệu quả. Trong khi nước ta với khoảng 100 triệu dân có tới 18 Bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ thì các quốc gia có đông dân số hơn mình như Trung Quốc 1,4 tỷ dân có 25 bộ, Indonesia gần 300 triệu dân có 24 bộ… Ít nhưng tinh, họ đều là những quốc gia có cơ cấu Chính phủ gọn nhẹ nhưng nền kinh tế phát triển tốt. Trên thế giớ nhiều nước đã đi trước chúng ta hàng chục năm, thậm chí vài chục năm như Canada, Singapore, Nhật Bản có hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả, với công chức làm việc có hiệu suất và chịu sự giám sát chặt chẽ.
Khi bộ máy được tinh gọn, hệ thống hành chính sẽ minh bạch, hiệu quả sẽ loại bỏ được các hiện tượng quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm. Bộ máy sẽ không còn là nơi trú ẩn an toàn cho những người chỉ muốn hưởng lợi, nếu muốn tồn tại phải làm việc thực sự, có trách nhiệm với xã hội. Tinh thần "phụng sự" sẽ thay thế tư duy "hưởng lộc". Không dễ dàng, nhưng là một thay đổi tất yếu theo xu thế chung của thời đại.
Nhìn lại lịch sử, sở dĩ nhà Nguyên ( Nguyên Mông ) vốn là một đế chế cực mạnh nhưng chỉ tồn tại được 97 năm ngắn ngủi ( 1271-1368 ), trong đó có nguyên nhân chính, cốt lõi là chất lượng quan lại yếu kém. Triều đình nhà Nguyên áp dụng chính sách phân biệt chủng tộc khắc nghiệt, chia dân chúng thành bốn đẳng cấp: Người Mông Cổ, người Semu (những người có địa vị đặc biệt), người Hán và người Nam. Các vị trí quan trọng từ trung ương đến địa phương hầu hết do người Mông Cổ nắm giữ. Thêm vào đó, chế độ cha truyền con nối khiến nhiều quý tộc Mông Cổ trẻ tuổi, thậm chí khi còn nhỏ, đã được trao những chức vụ then chốt. Phần lớn quan lại người Mông Cổ không thông thạo tiếng Hán, mù chữ Hán, chủ yếu dựa vào đóng dấu và ký tên để giải quyết công việc. Điều này cho thấy năng lực quản lý và điều hành đất nước của bộ máy quan lại thời bấy giờ là một vấn đề nghiêm trọng, gây cản trở lớn cho việc vận hành hiệu quả của triều đình. Giới quý tộc suy đồi, hủ bại. Bắt đầu từ thời Nguyên Vũ Tông, các hoàng đế nhà Nguyên dần đánh mất sự sáng suốt trong việc quản lý quốc gia, thay vào đó là lối sống xa hoa, lãng phí. Điển hình như Nguyên Vũ Tông, chỉ trong chưa đầy một năm sau khi lên ngôi, số tiền thưởng ông ban ra đã lên tới 8,28 triệu lạng bạc, trong khi tổng thu nhập của quốc khố cả năm chỉ đạt 2,8 triệu lạng. Thậm chí, sự phung phí này còn leo thang dưới thời Nguyên Nhân Tông, chi tiêu hàng năm ước tính lên tới 20 triệu lạng bạc. Nạn tham những, sự tiêu xài vô độ của giới cầm quyền đã làm cạn kiệt ngân khố quốc gia, tạo gánh nặng lớn cho dân chúng và làm suy yếu nền tảng kinh tế của triều đại. Đấy là một minh chứng rõ ràng cho thấy tầm quan trọng của việc duy trì một bộ máy chính quyền hiệu quả, sự liêm chính của giới lãnh đạo và tinh thần đoàn kết của cả của cả dân tộc.
Việc tổ chức lại bộ máy chính quyền và không gian hành chính là bước đi mang tính đột phá tạo cơ hội để đất nước vươn mình trong kỉ nguyên m ới.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội