Hoàng Văn Kính – “Cảm nhận của một người lính về chiến thắng lịch sử 30-4-1975”

Ngày đăng: 10:42 28/04/2025 Lượt xem: 29
 
Hướng tới Kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Đất nước
(30/4/1975-30/4/2025).
-------------------
CẢM NHẬN CỦA MỘT NGƯỜI LÍNH
VỀ CHIẾN THẮNG LỊCH SỬ 30-4-1975

Hoàng Văn Kính
 
          Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đánh dấu sự kết thúc của cuộc chiến tranh kéo dài với bao đau thương, mất mát và mở ra một trang sử mới cho đất nước. Đây không chỉ là chiến thắng mang ý nghĩa quân sự mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, là kết tinh của lòng yêu nước, sự đoàn kết và ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chiến thắng 30-4 không chỉ thuộc về thế hệ cha ông mà còn là động lực mạnh mẽ để các thế hệ mai sau tiếp bước, gìn giữ và phát triển đất nước ngày càng hưng thịnh.
           Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng cứ đến những ngày tháng tư lịch sử này, hòa cùng với không khí hân hoan của đồng bào cả nước trong lòng tôi lại rạo rực, trào dâng cảm xúc với biết bao niềm vui, tự hào bởi thắng lợi vĩ đại giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đã kết thúc một thời kỳ bất ổn, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đại thắng mùa xuân 1975 còn là một sự kiện mang tầm vóc quốc tế to lớn, có tính thời đại sâu sắc, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX. Là chiến thắng của lương tri, của chính nghĩa, đồng thời còn là dịp để tôn vinh những giá trị bất diệt của lòng vị tha, của hòa bình, hòa giải và hàn gắn, của tinh thần gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.
         Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta vốn đã đầy ắp những sự kiện, nhưng càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi có Đại thắng mùa xuân 1975 mở ra một kỷ nguyên mới cho đất nước, là biểu tượng rực rỡ của tinh thần yêu nước và ý chí kiên cường của người Việt Nam, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới; đánh dấu bước ngoặt quyết định trong lịch sử dân tộc.
        
          Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) là một trong những cuộc chiến kéo dài và ác liệt nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Ðế quốc Mỹ đã huy động một khối lượng bom đạn, vật chất kỹ thuật chưa từng có trên một địa bàn tương đối hẹp; đã sử dụng mọi loại vũ khí hiện đại nhất, trừ bom nguyên tử; đã đưa số quân Mỹ vào miền Nam lúc cao nhất lên tới hơn nửa triệu cùng với một lực lượng lớn hải quân, không quân chiến lược, chiến thuật, 7 vạn rưỡi quân các nước theo Mỹ và hơn một triệu quân ngụy. Đó là một quân số kỷ lục cho một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới với sự góp mặt của hàng loạt các chiến lược gia, các tướng lĩnh bậc nhất của của Hợp chủng quốc Hoa kỳ. 
         Để chiến thắng một kẻ thù lớn mạnh và hung hãn nhất của loài người tiến bộ, cái giá phải trả không hề nhỏ. Theo con số thống kê, gần 2 triệu thường dân Việt Nam đã thiệt mạng, hơn 2 triệu người mang thương tật suốt đời. Lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam (bao gồm cả Quân Giải phóng miền Nam) có khoảng 1,1 triệu quân nhân hy sinh trong những trường hợp khác nhau (trực tiếp chiến đấu trên chiến trường, gặp tai nạn, ốm đau…), 600.000 quân nhân bị thương hoặc bị bệnh. Trong số hy sinh, có 300.000 quân nhân chưa tìm được hài cốt. Hậu quả chiến tranh vẫn còn hiển hiện, từ thương tích trên cơ thể những cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hóa học, đến sự ly tán trong nhiều gia đình; từ những thảm thực vật hoàn toàn biến dạng, đến những vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại... Ước tính có khoảng 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra, do cha mẹ bị phơi nhiễm chất da cam. Khoảng 3 triệu người bị phơi nhiễm dioxin và khoảng một triệu người đang bị ảnh hưởng từ chất độc da cam. Từ sau năm 1975 đến nay, tai nạn do bom mìn còn sót lại phát nổ vẫn liên tục xảy ra, khiến hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương.
         Là những người lính đã từng tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, từng chứng kiến tất cả sự khốc liệt và đau thương của chiến tranh hơn ai hết chúng tôi thấu hiểu cái giá phải trả cho hòa bình và thịnh vượng hôm nay. Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đang vươn mình bước vào kỉ nguyên mới nhưng vết cắt của chiến tranh thì vẫn còn đấy như một lời nhắc nhở mỗi người lính có may mắn còn sống sót sau ngày chiến thắng và các thế hệ mai sau hãy biết chân quý những giá trị đang có, bởi chiến tranh là hủy diệt, là đau thương và chết chóc.
         Năm mươi năm đã trôi qua, nhưng âm vang của bản hùng ca Đại thắng mùa xuân 1975 vẫn còn sống mãi trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, điều ấy được minh chứng bằng những hoạt động kỉ niệm sôi nổi, thiết thực, bằng niềm vui, sự hân hoan chào đón của đồng bào cả nước. Tri ân và tự hào, đó cũng là động lực to lớn để dân tộc ta tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, xứng đáng với những hy sinh to lớn của cha ông, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh, văn minh, sánh vai cùng bạn bè quốc tế.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn

 

tin tức liên quan