"Chúng tôi xin lỗi bạn và người Việt Nam vì cuộc chiến!", Anna, sinh viên năm thứ ba Đại học Harvard nói.
Hôm đó, chủ nhật đầu tháng 11 năm 2022, Anna có nhiệm vụ đưa đoàn khách quốc tế đi thăm các địa danh tại Washington DC: Nhà Trắng, Điện Capitol, Đài tưởng niệm Lincoln, Jefferson, mục sư Martin Luther King, Hồ Tidal Basin...
Cuối hành trình, tôi hỏi Anna làm sao để đến chỗ Bức tường Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial). "Nhưng nó không có trong chương trình", cô nói. Tôi hỏi liệu tôi có thể một mình đến đó và bắt taxi về khách sạn sau không. Tôi đã muốn đến bức tường hình chữ V từ lâu. Với lịch trình kín của chương trình, tôi không còn cơ hội quay lại nơi này nữa.
Anna lưỡng lự. Đoàn hơn 20 người, chỉ mình tôi đến từ Việt Nam.
Vài phút sau, Anna thông báo với cả đoàn rằng có sự điều chỉnh, mọi người sẽ cùng đến thêm điểm cuối là Bức tường Chiến tranh Việt Nam.
Tôi đã sờ tay vào bức tường đá đen, cứ vài cm khắc một cái tên Mỹ. Có một chàng trai 18 tuổi, chưa kịp ngắm mặt trời mọc tại Việt Nam vì đã trúng đạn khi cầm súng đến đất nước tôi chưa đầy 24 tiếng. Tự nhiên, nước mắt tôi rơi. Hơn 58 nghìn lính Mỹ và hàng triệu người Việt. Trùng trùng ban thờ với di ảnh những khuôn mặt trẻ có thể thấy tại bất cứ miền quê nào, hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ trải dài khắp tổ quốc tôi, bên kia bờ đại dương.
Khi Anna nói lời xin lỗi, Cynthia đến cầm tay tôi và đôi mắt xanh như hai viên ngọc của bà long lanh. "Xin lỗi bạn!", ông Bruce, cựu cán bộ ngoại giao, chia sẻ. Rồi Teresita, Din... những người xung quanh, họ xin lỗi một người mặc áo dài đứng giữa nơi đông đúc du khách.
Tôi không thể nói gì, chỉ đứng đó, hình ảnh về những người mẹ, người vợ, những người lính, y tá, trẻ em, người già, phụ nữ lần lượt băng qua trong tâm trí, như một cuốn phim đen trắng tự diễn ra.
Trong tôi cũng hiện lên khung cảnh bầu trời rợp chuồn chuồn từ căn hộ trên cao, nơi ở của nhà văn Bảo Ninh - tác giả "Nỗi buồn chiến tranh" - tại một khu đô thị phía tây Hà Nội.
Tôi tới thăm ông cũng vào một mùa thu. Mái tóc xoăn muối tiêu, đôi mắt rất sáng và giọng nói đầy nội lực, nhà văn kể lại vài kỷ niệm từ khi ông nhập ngũ rồi lên đường ra trận lúc 17 tuổi.
Những năm 1970, Bảo Ninh và đồng đội hàng ngày "gặp" những trung đội Mỹ mũ sắt áo giáp, xách M16 đổ bộ xuống từ trực thăng Chinook CH47 trên chiến trường.
"Họ bay rợp trời, chúng tôi vẫn ngày qua ngày bắn nhau với họ ở tầm rất gần. Đấy là những phi công lái trực thăng Cobra AH1G, những xạ thủ bắn đại liên M60 từ cửa khoang trực thăng "huey" HU1A. Rõ nhất là lính Mỹ trên những trực thăng Cayuse OH6. Buồng lái của OH6 hình giọt nước và bằng kính trong suốt, mà OH6 lại luôn bay rất thấp, là sát ngọn cây rừng và luồn cả vào trong lòng khe núi, nên chúng tôi trông thấy rõ mặt của tổ lái hai người. Tôi thấy màu da, màu tóc của họ, thậm chí màu mắt...", ông nhớ.
Lần cuối cùng trong chiến tranh, tiểu thuyết gia chạm trán người Mỹ là hôm 29 tháng 4 năm 1975. Sư đoàn 10 của ông đã áp sát phi trường Tân Sơn Nhất khi những chiếc máy bay ném bom "Con Ma" quần thảo trên vùng trời Sài Gòn yểm trợ cho nhân viên quân sự và ngoại giao Mỹ rời Việt Nam bằng trực thăng.
Tôi đã viết email chia sẻ với nhà văn Bảo Ninh và Nguyễn Thanh Việt câu chuyện diễn ra ở Bức tường. Nguyễn Thanh Việt viết lại rằng ông đã đến Bức tường nhiều lần và vài tuần tới sẽ đưa con trai Ellison đến đó.
Với Bảo Ninh, thư tôi viết có câu: "Dù không thích tâm lý nạn nhân, không hiểu sao cháu đã khóc. Người Mỹ nói những câu xin lỗi vì cuộc chiến, làm cháu khá bối rối. Cháu nghĩ người xứng đáng nhận lời ‘cảm ơn’ và ‘xin lỗi’ từ họ phải là chú".
Bảo Ninh đáp: "Người Mỹ nói lời xin lỗi với một cô gái Việt Nam là đúng, chứ với chú, một lính đối trận với họ ngày xưa, thì lại không hợp lý. Có vẻ gượng thế nào ấy. Ở Mỹ, ở Hàn Quốc, chú gặp những lúc như thế, và không thấy dễ chịu lắm, dù là được xin lỗi một cách chân thành".
Mùa hè năm 1998, Bảo Ninh lần đầu sang Mỹ, gặp lại những người Mỹ là cựu thù. Và họ ôm nhau thật chặt.
Ông ghi chép lại: Nhà thơ Kevin Bowen, nguyên là một xạ thủ đại liên của Sư đoàn 1 Không kỵ trên chiến trường An Khê; nhà văn Larry Heinemann là một tay súng của Sư đoàn 25 "Tia chớp Nhiệt đới" từng dự những trận đánh khốc liệt trên chiến trường Tây Ninh; Bruce Weighl từng là một Thủy quân lục chiến vùi mình trong lửa đạn kinh hoàng ở lòng chảo Khe Sanh; Marmon Momaday - lính của Lữ đoàn dù 173 và đã tham dự trận đánh "Đồi Charlie" nổi tiếng tại Kontum 1967 - là người Mỹ bản địa thuộc bộ lạc Cheyenne sống ở vùng thung lũng của dãy núi Rocky; Cảnh sát trưởng của thành phố Missoula, ông Pete Lawrenson, từ 1970 tới 1972 là sĩ quan cố vấn của lực lượng Biệt động quân Việt Nam Cộng hòa đồn trú ở Kontum... Họ đã tụ họp để gặp "những Việt Cộng đối thủ".
Gặp lại những người đã bao lần muốn giết nhau trên chiến trường mà tất cả vui mừng như được gặp người bạn đã nhiều năm xa cách.
Thế giới này cần bao nhiêu xung đột nữa mới đủ? Người ta đã làm bao nhiêu quả bom và bức tường để ngăn chặn đồng loại? Vạn Lý Trường Thành, Bức tường Berlin, Bức tường than khóc, Hàng rào thép gai điện ngăn cách Bắc và Nam Triều Tiên vẫn còn tiếng súng.
Có một hiểu nhầm rằng tất cả chúng ta dần trưởng thành hơn theo thời gian. Nhưng nhìn vào thế giới hôm nay thì không phải. Dưới bầu trời xanh trong vẫn ẩn tàng ngành công nghiệp chiến tranh, nơi lòng tham của vài nhóm vẫn tạo thêm bi kịch cho những người vô tội.
Tôi cũng đã e dè với người Mỹ. Nhưng khi gặp họ, tôi lại thấy giữa chúng tôi có rất nhiều điểm chung với tư cách con người, dù từng thuộc về hai bên chiến tuyến. Bạn hoàn toàn có thể đọc một người Mỹ như đọc một người Việt, cũng như bạn có thể cảm nhận được cách họ ứng xử và cả hệ giá trị khiến họ làm như thế. Họ vẫn rung cảm với nỗi đau tập thể của một dân tộc xa xôi mà đến bây giờ, nhiều người vẫn tưởng chúng tôi hàng ngày đánh vật với cái ăn và cưỡi trâu trên đồng lúa.
Tôi vốn không tin vào "thành quả" của bất cứ xung đột nào. Đạo đức hay chính nghĩa là con ngáo ộp. Ai đang trục lợi trên sự sống chung có khi nào nhìn lại mình để thấy trong tay đang cầm một nắm than hồng - là những tham cầu ô nhiễm của chính mình?
Tháng Tư luôn có những cảm xúc riêng, và ta tôn trọng chúng. Trong lịch sử quan hệ nhiều chặng giữa hai nước, câu hỏi hôm nay không phải là cái gì đã xảy ra trong tim người Việt Nam và Mỹ, mà là điều gì đã nuôi lớn những hòn than hồng của ngành công nghiệp chiến tranh không bao giờ công bố lợi nhuận?
Những cuộc chiến, dù trên chiến trường hay kinh tế, mượn văn hóa hay tôn giáo, bản chất là những cuộc mặc cả thất bại. Vượt lên trên các khái niệm hạn hẹp như "người Mỹ", "người Việt", dân tộc này, dân tộc kia, ta đều là những cái cây cùng sinh ra từ một lòng đất Mẹ.
Thay vì rao về hòa bình, mỗi người liệu có thể chính là hòa bình?
Hồng Phúc
(Phạm Sinh ST theo VnExpress)