HÀNH KHÚC 30-4-2025
THÔNG ĐIỆP CỦA HÒA BÌNH VÀ ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
Hoàng Văn Kính
Mặc dù Lễ diễu binh – diễu hành kỷ niệm chiến thắng 30-4, giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước đã trôi qua nhưng ngày Hội non sống vẫn còn âm vang trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam.
Ở các quốc gia khác trên thế giới, diễu binh thường để nhằm mục đích khoe vũ khí, phô diễn sức mạnh quân sự. Việt Nam chọn cách phối hợp diễu binh quân sự và diễu hành dân sự để nhấn mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc một đặc trưng trong lịch sử cách mạng Việt nam.
Có truyền thống từ nhiều năm trước. Lễ diễu binh đầu tiên được tổ chức vào ngày 01 – 01 – 1955 tại Quảng trường Ba Đình chào mừng chiến thắng Điện Biên Phủ. Đến năm 1975 sau khi đất nước thống nhất một lễ diễu binh lớn quy tụ lực lương của cả 2 miền Nam Bắc được tổ chức tai Hà Nội và gần đây là lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tại thành phố Điện Biên. Là nghi lễ chính trị - quân sự, lễ diễu binh – diễu hành là biểu tượng cho sức mạnh quân sự, tinh thần đoàn kết dân tộc và gửi gắm thông điệp hòa bình đến toàn thế giới; là công cụ mạnh mẽ khơi dậy lòng tự hào dân tộc và kết nối cộng đồng. Những bước chân đều tăm tắp, quân phục chỉnh tề, tiếng quân nhạc hào hùng…tất cả hòa quyện tạo không khí thiêng liêng làm rung động hàng triệu, hàng triệu con tim. Lễ diễu binh không chỉ giúp mỗi chúng ta sống lại kí ức mà còn là dịp để thế hệ trẻ thấu hiểu giá trị của hòa bình và độc lập.
Hình ảnh các các khối quân sự và dân sự, CCB, nông dân, trí thức, thanh niên, công nhân, học sinh…các tầng lớp nhân dân cùng sánh bước cho thấy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc vốn là một đặc trưng tạo nên sức mạnh của cách mạng Việt nam, truyền đi thông điệp về một đất nước sẵn sàng bảo vệ độc lập, nhấn mạnh khát vọng sống trong hòa bình và phát triển. Một nhà phấn tích quốc tế đã nhận xét: “Lễ duyệt binh 30-4 không chỉ là dịp để Việt Nam nhìn lại quá khứ hào hùng mà còn là cơ hội để thế giới thấy một Việt nam hiện đại, vươn lên từ chiến tranh, tự tin bước vào tương lai”.
.jpeg)
Không cần những lời hiệu triệu rầm rộ, hàng vạn người từ khắp mọi miền Tổ quốc – Những cựu chiến binh tóc đã bạc đến các em nhỏ quàng khăn đỏ hòa mình vào bầu không khí thiêng liêng của lịch sử. Trên gương mặt mọi người đều ánh lên niềm vui, tự hào bởi hôm nay là một cuộc hành hương tinh thần trở về với những kí ức vinh quang của dân tộc.
Theo nhiều bình luận và phân tích trên các phương tiện truyền thông: Lễ diễu binh kỉ niệm chiến thắng lịch sử 30-4 là thông điệp chính trị và răn đe chiến lược, thể hiện sức mạnh, gửi đi tín hiệu răn đe một cách thông minh, thể hiện quyết tâm bảo vệ lợi ích mà không cần tiếng súng, không tạo ra xung đột. Tuy không phô trương sức mạnh vũ khí nhưng hình ảnh một Quân đội tinh nhuệ, kỉ luật cùng tinh thần đoàn kết toàn dân khảng định Việt Nam luôn sẵn sàng bảo vệ độc lập, chủ quyền trong bối cảnh khu vực và trên thế giới có nhiều biến động khó lường khiến bất kì đối thủ nào cũng phải dè chừng.
Lễ diễu binh 30-4 còn là dịp để quảng bá bằng hình ảnh Việt Nam trong thời đại truyền thông. Một bản hùng ca được kể sống động đã thu hút hàng chục triệu lượt người xem trên truyền hình, YouTube, TikTok, và các nền tảng xã hội khác đưa hình ảnh một Việt Nam hòa bình, hiện đại và đoàn kết lan tỏa khắp thế giới. Một bữa tiệc thị giác được truyền đi, đó là hiệu ứng mạnh mẽ với công chúng thế giới. Hơn cả mọi sự kiện, diễu binh là cách để đất nước chúng ta khẳng định sức mạnh quyền lực mềm, thứ vũ khí không tiếng súng nhưng có sức ảnh hưởng sâu rộng khiến cả thế giới phải ngả mũ kính nể
Lễ diễu binh 30-4 không chỉ là sự tái hiện kí ức vàng son, là ngọn lửa khơi dậy lòng tự hào dân tộc mà còn là là lời thề nguyện với lịch sử, với các thế hệ cha ông đã ngã xuống; khảng định bản lĩnh kiên cường của một dân tộc đã đi qua lửa đạn chiến tranh để có ngày hôm nay; là thông điệp không lời gửi đến thế giới: Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình nhưng cũng luôn sẵn sàng đứng lên bảo vệ những giá trị thiêng liêng nhất: Độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hoàng Văn Kính
(CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội)