“Lòng biết ơn là giá trị đạo đức trong Kỷ nguyên mới của Dân tộc” – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính

Ngày đăng: 04:02 10/05/2025 Lượt xem: 26

LÒNG BIẾT ƠN LÀ GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC
TRONG KỶ NGUYÊN MỚI CỦA DÂN TỘC

 
       Có câu: “ Không sợ hy sinh chỉ sợ bị lãng quên”. Lãng quên quá khứ hào hùng của dân tộc, vô cảm trước những mất mát, hy sinh của cha ông tưởng không thể xẩy ra ở lớp trẻ hôm nay bởi họ được nuôi dưỡng trong một xã hội văn minh, được học hành tử tế ấy vậy mà chỉ vì cái tôi quá lớn, họ đang dần đánh mất khả năng... biết đỏ mặt. 
       Trong nhiều bài diễn thuyết trước lớp trẻ thường có câu: Thế hệ trẻ là rường cột nước nhà, là lực lượng xung kích trong thời đại mới. Nhưng… cột mà ruỗng, thì nhà sao vững được? Một xã hội phát triển không chỉ dựa vào trình độ học vấn hay công nghệ, mà còn phải dựa vào đạo đức công dân – gắn liền với cách cư xử và ứng xử với quá khứ, hiện tại và tương lai.  Lòng biết ơn - nếu không được nuôi dưỡng - sẽ chết dần trong sự hời hợt. Còn đạo đức - nếu không được nhắc nhở, rèn giũa - sẽ mòn vẹt theo thói quen hưởng thụ và cái tôi ích kỷ. Một lời nhường chỗ không làm ai đó nhỏ đi; một cái cúi đầu, một sự nhường nhịn trước người lớn tuổi, trước các cựu binh không làm tuổi thanh xuân bớt rực rỡ. Trái lại, đó là cách mỗi người trẻ làm dày thêm chiều sâu nhân cách của mình. Không có tự do nào là ngẫu nhiên, không có hòa bình nào là sẵn có, không có nền văn minh nào có thể đứng vững nếu thiếu nền tảng đạo đức.
       Trong dòng chảy của dân tộc, những người đã hy sinh cho đất nước luôn được coi là linh hồn của lịch sử. Ở nước Nga cũng đang có hiện tượng bóp méo lịch sử, xúc phạm những người đã hy sinh cho đất nước  nhưng tất cả đều bị đều bị xử lí nghiêm khắc không khoan nhượng. Trong phiên họp toàn thể theo hình thức trực tuyên ngày 17-3-2021, Hạ viện Nga đã thông qua điều khoản mới chính thức hình sự hóa những hành vi xúc phạm đến CCB tham gia thế chiến II thay vì chỉ xử phạt hành chính như trước đây. Các hành vi như phổ biến các thông tin sai lệch về CCB;  xúc phạm Anh hùng trong cuộc chiến; có thái độ thiếu tôn trọng những ngày lễ truyền thống của Quân đội; xúc phạm vong linh của những người đã ngã xuống trong chiến tranh; biến mình cho các tội ác của chủ nghĩa phát xít…sẽ bị lập hồ sơ truy tố hình sự với mức án tù tối đa là 3 năm kèm số tiền phạt lên tới 3 triệu Rup Nga ( tương đương hơn 40 ngàn USD Mỹ ). Với các trường hợp lợi dụng nhiệm vụ chính danh của mình hoặc cố tình lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng để phát tán, cổ súy các hành vi như trên sẽ phải đối mặt với mức án 5 năm tù kèm số tiền phạt tối đa 5 triệu Rup ( tương đương hơn 67 ngàn USD Mỹ ).
       Dù ở nước Nga xa xôi hay ở Việt Nam, CCB không phải là những ông già ăn xin tình thương, họ là những nhân chứng của lịch sử, gốc rễ của lòng yêu nước, là biểu tượng để răn dậy các thế hệ sau về giá trị của độc lập tự do, hòa bình và sự đánh đổi. Xúc phạm họ là xúc phạm lịch sử, là vứt bỏ niềm tự hào của dân tộc và hơn ai hết nước Nga đã thấm thía điều đó. Còn nhớ tháng 3 năm 2021, một Gorgeous nổi tiếng Iuri Kobarski đã bị bắt vì đăng tải một bài hát chế giễu cuộc chiến Leningrat, trận chiến biểu tượng của sự hy sinh, bị cáo buộc xúc phạm kí ức chiến tranh và đối mặt với 5 năm tù. Năm 2020, một thanh niên ở Mascova đăng bình luận gọi các CCB là lũ già cổ hủ sống dai, ngay lập tức bị triệu tập, phải chịu phạt tiền 100 ngàn Rup và lao động công ích 200 giờ.
       Đất nước chúng ta từng trải qua những cuộc chiến kéo dài. Trong từng tấc đất quê hương có máu của liệt sỹ và các thương binh, có mồ hôi và nước mắt của cả dân tộc, có kí ức không thể xóa nhòa của những người lính từ cái chết trở về. Dân tộc ta có đạo lí uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây nhưng đạo lí không thể thay thế luật pháp. Mặc dù Nhà nước ta đã có  Pháp lệnh quy định các hành vi bị nghiêm cấm với CCB nhưng xem ra Pháp lệnh ấy không đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe để trở thành hành lang pháp lý bảo vệ nền tảng đạo đức của xã hội nói chung và  CCB, những người có công nói riêng. Những hành vi xúc phạm lịch sử, xúc phạm các CCB thời gian vừa qua không nên chỉ dừng lại ở mức độ góp ý hoặc nhắc nhở phê bình rút kính nghiệm theo kiểu bắt cóc bỏ đĩa. Đã đến lúc phải hình sự hóa các hành vi “Coi trời bằng vung” ấy
        Sự việc xẩy ra ở Lễ diễu binh kỉ niệm 50 năm giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước của một nhóm thanh niên trong đó có 2 sinh viên trường Đại học Văn Lang hỗn láo với 2 CCB trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn, các bác vượt cả ngàn cây số  từ ngoài Bắc vào một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận giới trẻ.
        Lòng biết ơn không chỉ bằng những lời kêu gọi, khẩu hiệu hay những giáo lí chung chung. Danh dự người có công, những CCB phải được bảo vệ bằng sự nghiêm minh của luật pháp, chỉ khi đó máu xương của những người đã hy sinh vì dân, vì nước mới thật sự được tôn trọng.
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội

tin tức liên quan