Phải xử lý người bao che cho sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, bà Hồ Thị Kim Thoa
Phải xử lý người bao che cho sai phạm của Trịnh Xuân Thanh, bà Hồ Thị Kim Thoa
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Sai phạm của Trịnh Xuân Thanh và Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tồn tại trong thời gian dài nhưng lại được bổ nhiệm chức vụ cao hơn đó là lỗ hổng được tạo ra bởi có người bao che. ĐBQH Đặng Thuần Phong cho rằng phải xử lý những người đứng sau, bao che cho cán bộ sai phạm.
Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú sau gần 1 năm lẩn trốn. Bà Hồ Thị Kim Thoa đã bị UBKT TƯ đề nghị miễn nhiệm các chức vụ. Tuy nhiên, một câu hỏi mà dư luận quan tâm là tại sao ông Trịnh Xuân Thanh, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa có sai phạm nhưng vẫn được xem xét bổ nhiệm ở các vị trí cao hơn.
Liên quan vấn đề này, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của QH.
PV: Ông đánh giá ra sao về những động thái quyết liệt của Đảng, Ban Bí thư, UBKT TƯ và cơ quan điều tra thời gian qua để đưa các cá nhân sai phạm ra khỏi hàng ngũ cán bộ lãnh đạo?
ĐB Đặng Thuần Phong: Quyết tâm chống tham nhũng của Đảng ta có từ lâu, đã có Nghị quyết. Tổng Bí thư là người đứng đầu Ban chỉ đạo chống tham nhũng để thấy thái độ chính trị, mong muốn của Đảng ta trong công cuộc chống tham nhũng mang lại hiệu quả. Việc làm này cũng là để lấy lại niềm tin, uy tín của Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhưng quan trọng là cách làm thời gian qua thể hiện được rất rõ quyết tâm này.
Thứ nhất là thể chế pháp luật đang hoàn thiện. Thứ hai là tạo sự đồng thuận ở trong dư luận xã hội, cộng đồng dân cư được nâng tầm lên như triển khai các Nghị quyết hoặc sử dụng các thông tin từ báo chí, các kênh xã hội để đấu tranh chống tham nhũng.
Thứ ba là nỗ lực thực sự trong chỉ đạo của Đảng, cách làm điều hành của Chính phủ, giám sát của QH, HĐND đã thể hiện được quyết tâm này. Chúng ta đều thấy thời gian qua sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội khá quyết liệt, có chính kiến và đã thể hiện.
Đấu tranh chống tham nhũng hiện nay được xác định “không có vùng cấm”. Trước đây trong quá trình thực hiện có thể lo ngại việc đụng chạm, sự chi phối của lợi ích nhóm… ảnh hưởng. Nhưng bây giờ đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, vào cuộc của UBKT, thanh tra, kiểm toán. Khi phát hiện có vấn đề, cơ quan điều tra vào cuộc mạnh mẽ, chặt chẽ hơn. Tất cả điều trên thể hiện sự quyết tâm chống tham nhũng, đó là điều rất tốt.
Sắp tới, chúng ta cần hoàn thiện thêm pháp luật để quản lý được tài sản của người có chức vụ, quyền hạn thì việc chống tham nhũng sẽ hiệu quả hơn.
|
ĐB Đặng Thuần Phong: "Phải xử lý người bao che cho sai phạm". Ảnh: Đỗ Thơm
|
PV: Cá nhân bị xử lý do sai phạm nhưng tài sản tham nhũng thu hồi lại không hề đơn giản, thậm chí là không thu hồi được?
ĐB Đặng Thuần Phong: Việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án là hạn chế rất lớn hiện nay. Các cơ quan chức năng điều tra ra vụ việc nhưng tài sản gần như bị các đối tượng tẩu tán hết hoặc không còn bao nhiêu. Chính điều đó tạo nên bức xúc của người dân. Vì thế khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, việc quản lý, phong tỏa tài sản và đặt ra yêu cầu chúng ta phải ký hiệp định song phương, đa phương quốc tế để xử lý vấn đề này. Hành vi tham nhũng được thực hiện rất tinh vi, tài sản “tuồn”, “rửa” ở nước ngoài nếu không có sự gắn kết thì khó có thể thu hồi được.
PV: Thực tế, các sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tồn tại trong thời gian dài nhưng họ vẫn được bổ nhiệm lên vị trí cao hơn. Liệu có dễ để “lọt” như thế khi chúng ta có cả hệ thống giám sát, kiểm tra cán bộ?
ĐB Đặng Thuần Phong: Đây đúng là nỗi đau thời gian qua trong chống tham nhũng. Hành vi vi phạm xử lý trực tiếp đã rõ theo pháp luật. Nhưng những người tạo điều kiện, giúp sức, bưng bít để sai phạm kéo dài đến bây giờ mới phát hiện ra thì phải xử lý. Ở góc độ nào đó, những người này cũng là đồng phạm tham nhũng. Anh đề bạt người không đúng, giới thiệu người “có vấn đề” cố che đậy hết mọi sai phạm để đạt mục đích bổ nhiệm. Thậm chí, không ít trường hợp sai phạm được bổ nhiệm và hợp thức hóa bằng cách cố tình đánh lạc hướng dư luận, đánh lạc hướng kiểm tra…
Tôi cho rằng, họ là đồng phạm của tham nhũng chứ không đơn giản là thiếu trách nhiệm, nhận thức không ra. Bởi khi bàn bạc, quy hoạch các vị trí này, người đứng đầu, tập thể bàn bạc kỹ lưỡng. Họ được quản lý rất chặt qua rất nhiều khâu thẩm định. Nhưng tại sao họ vẫn qua mắt hàng loạt cơ quan chức năng thẩm tra, đánh giá như thế? Nó chứng tỏ có sự nâng đỡ, bao che thực sự để dựng người của mình lên một cách “đúng quy trình”. Tôi cho rằng nếu phát hiện ra những người có động cơ giúp sức cho người vi phạm phải quy trách nhiệm và xử lý nghiêm.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!