Thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh: “Không thể bao che cho bất cứ ai!”
Thất lạc hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh: “Không thể bao che cho bất cứ ai!”
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh có bị thất lạc hay không là điều chưa thể khẳng định. Nhưng bộ Nội vụ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ gốc từ tỉnh Hậu Giang. Văn thư Bộ vẫn giữ 1 bản gốc. Nếu có thất lạc là thất lạc bản đóng dấu “Công văn đến”.
Về thông tin hồ sơ gốc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh ở bộ Nội vụ bị thất lạc và bộ Công an đang tiến hành điều tra làm rõ, đến nay việc kiểm tra, kiểm điểm trong nội bộ của Bộ cũng như kết quả xác minh từ bộ Công an như thế nào? Câu hỏi này là những băn khoăn của dư luận trong thời gian qua.
|
Đối tượng bị truy nã Trịnh Xuân Thanh đã ra đầu thú ngày 31/7.
|
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết: “Hồ sơ có thất lạc hay không, chúng tôi đang báo cáo bộ Công an và hiện vẫn trong quá trình kiểm điểm, điều tra. Tuy nhiên, đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND với Trịnh Xuân Thanh trước đó, bộ Nội vụ nhận được 2 bộ hồ sơ có dấu đỏ gốc từ tỉnh Hậu Giang. Văn thư bộ Nội vụ vẫn giữ 1 bản gốc.
Nếu có thất lạc là thất lạc bản đóng dấu “Công văn đến”. Tuy nhiên, việc này chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với bộ Công an kiểm điểm các cá nhân, đơn vị có liên quan. Việc điều tra khi có kết quả cụ thể chúng tôi sẽ thông báo”.
Bày tỏ quan điểm về sự việc trên, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu Phát triển Hỗ trợ Cộng đồng cho rằng: “Không thể bao che cho cá nhân nào”.
|
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.
|
Ông Dinh phân tích, cũng có thể hồ sơ bị thất lạc do sự không cẩn trọng của người chịu trách nhiệm lưu giữ. Đây cũng là một trong những bất cập của lưu trữ thủ công và càng thấy tầm quan trọng của phát triển Chính phủ điện tử hơn nữa. Nếu đưa hồ sơ vào máy, chỉ cần gõ một vài dữ liệu sẽ thấy toàn bộ, kể cả công văn đến khi nào, lưu chuyển ngày nào.
“Dư luận có thể chưa thuyết phục, đến khi nào bộ Nội vụ giải thích thấu đáo hơn mới rõ được. Vấn đề mập mờ trong hồ sơ có hay không tôi chưa khẳng định, nhưng chắc chắn đến thời điểm này không thể tồn tại ý định bao che cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào.
Tẩu tán hồ sơ là điều không khả thi vì đến con người lẩn trốn nhiều năm còn có lúc tìm được, huống hồ là hồ sơ. Do đó, hồ sơ không phải là vấn đề. Nhưng rõ ràng, dữ liệu hồ sơ của chúng ta còn thực hiện trên giấy tờ và cần cải thiện thực trạng này”, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh nêu quan điểm.
Cũng đưa ý kiến về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng bộ Nội vụ Thang Văn Phúc chia sẻ từ kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành này, ông cho biết: “Vấn đề quản lý hồ sơ thuộc trách nhiệm của bộ phận văn thư và cơ quan đó phải xử lý. Tôi cũng không hiểu vì sao lại xảy ra chuyện như vậy. Cần kiểm tra lại có thất lạc hồ sơ hay không, sự cố là do động cơ hay sơ suất ở khâu nào đó. Điều này, các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm rõ".