LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG NĂM 2018: Mức tăng 6,5% chưa đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động

Ngày đăng: 07:42 08/08/2017 Lượt xem: 449

LƯƠNG TỐI THIỂU VÙNG NĂM 2018:

Mức tăng 6,5% chưa đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động


                  
                                                                                       Nguồn:Báo Điện tử Lao Động


Trưa 7.8, phiên họp thứ ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia (Hội đồng) bàn về phương án tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2018 đã tiến hành bỏ phiếu chọn một trong hai phương án: Tăng 6,5% và 7%. Với 8/14 thành viên đồng ý, mức tăng 6,5% đã được Hội đồng “chốt”. Mức tăng này chắc chắn chưa làm Tổng LĐLĐVN, đại diện cho người lao động, hài lòng và thỏa mãn.



 



Người lao động luôn mong muốn được trả lương tương xứng với sức lao động. .Ảnh: HẢI NGUYỄN



Muốn doanh nghiệp “sống” trước tiên người lao động phải “sống”

Phiên họp diễn ra dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch Hội đồng Doãn Mậu Diệp. Về phía Tổng LĐLĐVN, đại diện cho người lao động có Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch Hội đồng Mai Đức Chính. Về phía đại diện cho người sử dụng lao động có Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Phó Chủ tịch Hội đồng Hoàng Quang Phòng; Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên minh HTX Việt Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Văn Thịnh.

Trước đó, tại phiên họp lần thứ nhất, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2018 là 13,3% so với năm 2017; đại diện giới sử dụng lao động chỉ đề xuất xem xét tăng dưới 5%. Tại phiên họp lần thứ hai, Tổng LĐLĐVN đã tỏ thiện chí khi đề xuất mức tăng còn 8%, nhưng đại diện giới sử dụng lao động vẫn giữ nguyên mức 5%. Chính vì vậy mà phiên họp đã phải tạm dừng theo như đề xuất của Tổng LĐLĐVN.

Tại phiên họp lần thứ ba, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính vẫn giữ nguyên đề xuất mức tăng LTT vùng năm 2018 không thể thấp hơn mức tăng của năm 2017. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết, điều kiện kinh tế đã có nhiều sáng sủa hơn, kinh tế 7 tháng đầu năm tăng trưởng tốt; đồng thời, qua nắm bắt tâm tư nguyện vọng của CNLĐ cho thấy, đời sống của họ còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng cho rằng, mức tăng LTT vùng năm 2018 không thể thấp hơn năm 2017. Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) Vũ Quang Thọ nhấn mạnh, mức tăng 7,5% có lẽ là “giới hạn cuối cùng” và mức đề xuất này thể hiện sự chia sẻ của Tổng LĐLĐVN. “Muốn doanh nghiệp “sống” thì trước tiên NLĐ phải “sống” - ông Vũ Quang Thọ nói.

Phía đại diện giới sử dụng lao động cho rằng, tăng LTT vùng là giải pháp tạm thời, về lâu dài cần phải phát triển, đầu tư cho doanh nghiệp (DN) đủ mạnh và cạnh tranh. Hiệp hội Da - Giày Việt Nam nêu lên những khó khăn của DN trong lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày da, thủy sản. Mức tăng đề xuất của đại diện giới sử dụng lao động theo đó nâng dần lên 6%, 6,2%, 6,4%. Về phía Tổng LĐLĐVN, sau quá trình thương lượng cũng đã bày tỏ sự chia sẻ của mình bằng cách giảm mức tăng xuống mức 7%.

Sau quá trình thương lượng, phía đại diện người sử dụng lao động đã tăng lên mức 6,5%; còn phía Tổng LĐLĐVN - đại diện cho NLĐ - đã giảm xuống mức 7%. Đây là 2 phương án được Hội đồng quyết định lựa chọn để bỏ phiếu. Cuối cùng, với số phiếu nhiều hơn, Hội đồng đã chốt mức tăng LTT năm 2018 ở con số 6,5%. Mức tăng 6,5% tương đương với vùng I tăng 230.000 đồng; vùng II tăng 210.000 đồng; vùng III tăng 190.000 đồng và vùng IV tăng 180.000 đồng so với năm 2017.
 

Mức tăng 6,5% chưa đảm bảo đời sống tối thiểu của người lao động ảnh 1

Nữ công nhân đang làm việc trong một công ty sản xuất giày da. Ảnh: T.T

Tổng LĐLĐVN chưa hài lòng

Trao đổi với phóng viên ngay sau phiên họp, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch Hội đồng Mai Đức Chính cho biết, mức tăng 6,5% “chắc chắn chưa làm Tổng LĐLĐVN hài lòng, thỏa mãn”. Mức tăng này thể hiện sự chia sẻ rất lớn của NLĐ với DN. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết thêm, Tổng LĐLĐVN đưa ra mức 7% là đã có tính toán và chia sẻ rất nhiều đối với DN.

“Năm nay, tình hình kinh tế - xã hội cả nước đã có nhiều điểm sáng. Vì vậy, việc tăng LTT vùng năm 2018 không thể thấp hơn mức tăng của năm 2017. Tính theo giá trị tuyệt đối, thì cần tăng 6,8% mới bằng năm 2017, cùng với năm nay tiến tới Đại hội CĐ toàn quốc, chúng tôi muốn thêm 0,2% nữa, đạt mức 7%” - Phó Chủ tịch cho biết. Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết thêm, với mức tăng 7%, bù trượt giá 4% thì NLĐ chỉ được hưởng 3%; vì vậy, phải kéo lộ trình LTT đáp ứng mức sống tối thiểu đến sau năm 2020. “Lúc đầu, Tổng LĐLĐVN đề xuất mức tăng 13,3% là tính đến lộ trình kết thúc lộ trình này vào năm 2018. Còn nếu tăng 10% là năm 2019; 8,4% là 2020” - ông Mai Đức Chính nói.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch VCCI - Phó Chủ tịch Hội đồng Hoàng Quang Phòng nhìn nhận: Thời gian gần đây, DN rất yêu mến NLĐ, bởi một khi có đơn hàng mà không có NLĐ thì ảnh hưởng đến hợp đồng, ảnh hưởng đến quy hoạch sản xuất của DN, điều hành sản xuất của DN. “Chủ sử dụng lao động cần đổi mới khoa học công nghệ, nâng cao năng lực quản lý để có điều kiện tăng năng suất lao động và NLĐ cần ý thức về kỷ luật lao động, sáng kiến, kỹ thuật. Đấy là yếu tố quyết định mức lương được hưởng của NLĐ trong DN” - Phó Chủ tịch VCCI nói.

Lương tối thiểu vùng năm 2018 so với năm 2017 (đơn vị: Đồng)

Vùng

Năm 2017

Năm 2018

Mức tăng

Vùng I

3.750.000

3.980.000

230.000

Vùng II

3.320.000

3.530.000

210.000

Vùng III

2.900.000

3.090.000

190.000

Vùng IV

2.580.000

2.760.000

180.000

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp: Ghi nhận thiện chí tuyệt vời của các bên.

Kết thúc cuộc họp sáng 7.8, phiên họp lần ba của Hội đồng Tiền lương Quốc gia chốt mức tăng lương tối thiểu vùng (LTT) năm 2018 là 6,5%. Trước khi phiên họp cuối cùng diễn ra, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp cho biết các thành viên đều hy vọng sẽ đi tới kết quả chung cuối cùng. Hai phiên vừa qua thể hiện thiện chí của các bên và việc chênh lệch về mức đề xuất là điều bình thường. “Các cuộc đối thoại đều thiện chí giữa các bên nhằm chia sẻ thành quả phát triển kinh tế xã hội, mang lại lợi ích cho người lao động cũng như đỡ gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp” - ông Diệp nói.

Cũng theo ông Diệp, mức tiền LTT thỏa mãn mức sống tối thiểu là mong muốn của tất cả các quốc gia không chỉ Việt Nam. Thực chất đây là cuộc rượt đuổi của tất cả các quốc gia, các quốc gia đều mong muốn như vậy nhưng dường như rất ít quốc gia có thể thỏa mãn được điều này. “Chúng tôi ghi nhận hai bên đại diện người lao động và chủ sử dụng lao động với thái độ thiện chí tuyệt vời, đã cân nhắc trên nhiều mặt: Mức sống tối thiểu của người lao động, mức tăng trưởng kinh tế, mức độ tăng năng suất lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp… để đưa ra được những mức tăng sát nhau hơn qua các phiên họp. Các bên đều mong muốn các doanh nghiệp ngày càng mạnh hơn, có tích lũy để có thể tạo ra năng suất lao động cao hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy, trong lương lai lâu dài có thể tăng tiền LTT cho người lao động” - ông Diệp nhận định.

Cũng theo ông Diệp, căn cứ chỉ số lạm phát, tốc độ phát triển của doanh nghiệp nên từ phương án ban đầu chênh 8%, trước phiên cuối cùng mức chênh thu hẹp còn 3%. Nói về mức sống tối thiểu, ông Doãn Mậu Diệp cho rằng, việc xác định mức sống tối thiểu cần dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm và hai bên đều có phương án tính toán về mức sống tối thiểu riêng của mình.

Về con số 6,5%, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTBXH) - cho rằng, việc đi đến đồng thuận để thống nhất con số này là rất đáng ghi nhận với các bên tham gia. “Căn cứ bối cảnh hiện tại với mức tăng trưởng kinh tế, điều kiện thực tế, thu nhập,… thì mức tăng này là hợp lý nhất trong các phương án đưa ra” - ông Vinh nói.                                





Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - Phó Chủ tịch Hồi đồng Tiền lương Quốc gia Mai Đức Chính:

Hiện nay, DN muốn giảm chi phí nhưng thực ra giảm chi phí không chính thức mới gấp nhiều lần chi phí cho NLĐ. Hiện nay DN đang phải trả những chi phí không chính thức. NLĐ là tài sản quý của DN, đầu tư cho NLĐ là đầu tư cả trước mắt và tương lai. Ví dụ, nếu tăng chi phí đóng BHXH cho NLĐ thì trong tương lai NLĐ sẽ được hưởng hưu trí cao hơn. Khi tăng chi phí cho NLĐ thì không bao giờ là vô ích. Điều đáng quan tâm là cần giảm những chi phí vô bổ, không chính thức mà hiện các DN đang phải chịu đựng.

Phó Chủ tịch VCCI - Phó Chủ tịch Hồi đồng Tiền lương Quốc gia Hoàng Quang Phòng:

Mức đề xuất tăng LTT vùng 6,5% thực tế đã vượt khả năng chi trả của DN, tăng chi phí sản xuất của DN. Qua khảo sát DN trong và ngoài nước của VCCI, đại diện các DN kiến nghị không tăng LTT 2018 để DN có thời gian nghỉ ngơi vì 10 năm qua, đặc biệt 5 năm qua liên tục tăng. Điều kiện sản xuất kinh doanh, mức độ sản xuất kinh doanh có lúc này lúc khác, nếu liên tục tăng thì ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN. Chủ DN muốn NLĐ có mức lương cao hơn nhưng năng lực chi trả có mức độ. Như trong gia đình, chúng ta muốn con cái có điều kiện tốt hơn, nhưng khả năng tài chính của mỗi gia đình cũng khác, nên các con cũng phải chia sẻ, cảm thông với bố mẹ để làm sao duy trì mức sống ở mức chấp nhận được.


tin tức liên quan