Liên tục tập trận: Trung Quốc sẵn sàng ứng phó diễn biến xấu ở bán đảo Triều Tiên?
Liên tục tập trận: Trung Quốc sẵn sàng ứng phó diễn biến xấu ở bán đảo Triều Tiên?
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Theo giới phân tích, đợt tập trận quân sự quy mô mới đây của Trung Quốc có thể nhằm phô diễn sức mạnh của Bắc Kinh, đồng thời khẳng định, trong trường hợp những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chuyển biến theo hướng xấu đi, các lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF) và Hải quân (PLAN) sẽ luôn sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia.
Sẵn sàng cho khủng hoảng
Trong vài tuần trở lại đây, Trung Quốc bận rộn tiến hành một loạt các đợt tập trận quân sự, nhằm thể hiện sự sẵn sàng của Bắc Kinh trong việc phản ứng với các kịch bản khủng hoảng khác nhau trên bán đảo Triều Tiên. Đó là nhận định của chuyên gia cao cấp Vasily Kashin từ viện Nghiên cứu Viễn Đông, học viện Khoa học Nga.
|
Lính Trung Quốc tại Lễ duyệt binh kỷ niệm thành lập quân đội nước này vào hồi cuối tháng 7 vừa qua.
|
Theo đó, cuối tháng Bảy, các lực lượng tên lửa Trung Quốc (PLARF) đã tiến hành các đợt tập trận tên lửa nhằm chống lại mục tiêu mô phỏng Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) mà Mỹ đang triển khai ở Hàn Quốc.
Dẫn các nguồn thạo tin từ Chính phủ Mỹ, báo Nhật The Diplomat cho hay: “PLARF đã triển khai 4 tên lửa đạn đạo tầm trung gian DF-26C, 10 tên lửa đạn đạo tầm trung DF-16A và 6 tên lửa hành trình đối đất CJ-10 trong phần tập trận bằng đạn thật của đợt diễn tập”. Cũng trong khoảng thời gian đó, vào ngày 8/8, Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã hoàn thành những bài tập chính ở biển Hoàng Hải, nằm giữa Trung Quốc và bán đảo Triều Tiên.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hồi đầu tuần trước đã nêu rõ, Hải quân Trung Quốc ở biển Hoàng Hải đã thực hiện các bài tập “tấn công phòng thủ đối với tàu nổi, tàu ngầm, hỗ trợ không quân và các bài tập với lực lượng bảo vệ bờ biển”.
Chuyên gia Kashin chỉ ra từ những dữ liệu phía trên có thể nhận thấy các bài tập trận của Hải quân Trung Quốc đang hướng tới xây dựng một lực lượng hùng hậu, tinh nhuệ, có khả năng đưa tàu của họ tới khu vực biển Hoàng Hải, nằm gần hai thành phố lớn là Bắc Kinh và Thiên Tân.
Vị chuyên gia này cũng nhắc lại, trước đây các nhóm tấn công của Mỹ đã tiến hành những cuộc tập trận hải quân tương tự ở khu vực nhạy cảm này, nhằm phản ứng với căng thẳng trong quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Washington.
Thông điệp của Trung Quốc
Sau khi tập trận tên lửa và hải quân, Trung Quốc đang chứng minh trong trường hợp căng thẳng “đi quá giới hạn” có thể bùng phát thành xung đột quân sự ở bán đảo Triều Tiên, quân đội nước này có đủ khả năng để bảo vệ an ninh quốc gia của họ. Ông Kashin bình luận, quân đội nước này gửi đi thông điệp rằng họ đã chuẩn bị tận dụng mọi ưu thế, đưa các tàu mang tên lửa chống hạm và kho vũ khí khổng lồ gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình tầm trung tới khu vực.
|
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
|
“Trung Quốc sẽ tìm cách duy trì sự thống trị đối với các vùng biển liền kề, đặc biệt, để đảm bảo cho an ninh của Thủ đô Bắc Kinh. Họ có khả năng sẽ quyết tâm giáng đòn chí tử vào những lực lượng gây đe dọa trên bán đảo Triều Tiên, trong trường hợp cần thiết”, ông Kashin nhấn mạnh. Cùng với đó, chuyên gia lưu ý, Trung Quốc cũng sẵn sàng can thiệp vào cuộc xung đột, tùy thuộc vào mức độ căng thẳng của tình hình hiện nay ở khu vực.
Trước đây Mỹ đã tìm cách tác động đến nền kinh tế của Bình Nhưỡng và lợi dụng khủng hoảng Triều Tiên làm cái cớ để củng cố sự hiện diện quân sự tại chảo lửa này. Washington áp dụng chiến lược trên có vẻ nhằm vào Triều Tiên, nhưng thực chất là chủ yếu nhằm tới Trung Quốc, ông Kashin nói. “Mỹ đã nhận ra sai lầm của chính sách này, nhưng Washington tới nay vẫn chưa thể định hình được một hướng chiến lược mới”, ông nói với Sputnik.
Không những vậy, ông Trump còn khiến tình hình phức tạp thêm với cách tiếp cận và quan điểm thiếu nhất quán, nhà phân tích nói, ám chỉ tới lời đe dọa của ông chủ Nhà Trắng rằng Bình Nhưỡng phải đối mặt với “lửa và sự giận dữ” mới đây.
Theo Kashin, chính sách của Mỹ hiện tại đang rất khó đoán và không ổn định. “Trong những trường hợp đó, Trung Quốc, đất nước có những trung tâm kinh tế lớn đặt ngay bên cạnh điểm nóng quân sự, nên đặt quân đội trong tình thế sẵn sàng”, ông kết luận.