Triều Tiên gia nhập câu lạc bộ cường quốc hạt nhân - “thực tế chiến lược mới”

Ngày đăng: 02:20 19/08/2017 Lượt xem: 478




Triều Tiên gia nhập câu lạc bộ cường quốc hạt nhân - “thực tế chiến lược mới”


Theo tờ Le Monde, Triều Tiên đã không còn nằm ở “ngưỡng” sở hữu hạt nhân nữa mà đã trở thành một quốc gia hạt nhân có khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo.
 

Dù cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đã tạm lắng dịu, vấn đề làm thế nào để kiềm chế năng lực và tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên tiếp tục là chủ đề được quan tâm hàng đầu trong các nỗ lực ngoại giao quốc tế những ngày qua.


Vũ khí chiến lược Triều Tiên. Ảnh: kosuke.


Vũ khí chiến lược Triều Tiên. Ảnh: kosuke.


Tổng thống Mỹ Donald Trump một mặt đánh giá quyết định của Triều Tiên tạm ngừng kế hoạch tấn công đảo Guam là “khôn ngoan”, song mặt khác vẫn duy trì các cảnh báo quân sự đối với nước này.

 

Sau nhiều ngày căng thẳng, với liên tiếp những tuyên bố hiếu chiến, bầu không khí “chiến tranh” bao trùm bán đảo Triều Tiên thời gian qua đã bắt đầu hạ nhiệt.

Cả Triều Tiên và Mỹ đều cho thấy mong muốn làm dịu cuộc chơi, ít nhất là vào thời điểm hiện nay. Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng trong nửa tháng qua, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 15/8 khẳng định sẽ tiếp tục quan sát thái độ của Mỹ trước khi đưa ra quyết định liệu có thực hiện kế hoạch “nhấn chìm đảo Guam trong biển lửa hay không”.

Giọng điệu của các thành viên chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có phần kiềm chế hơn. Trong những phát biểu mới đây, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều khẳng định, Mỹ không hề có ý định “làm thay đổi chế độ tại Triều Tiên” hay kiểu như “đẩy nhanh tiến trình tái thống nhất bán đảo Triều Tiên”, dù tiếp tục khẳng định sẽ đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào đối với an ninh Mỹ hay các đồng minh.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói: “Cùng nhau chúng ta sẽ ngăn chặn và đánh bại bất kỳ mối đe dọa nào. Bất kỳ hành vi khiêu khích nào cũng phải đối mặt với sự đáp trả mạnh mẽ và hiệu quả. Điều này có nghĩa là trong trường hợp xảy ra một vụ phóng tên lửa về phía lãnh thổ Nhật Bản, Mỹ hay Hàn Quốc, chúng tôi sẽ có hành động cụ thể ngay lập tức để ngăn chặn nó”.

Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc vẫn tiếp tục giữa Phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Joseph Yun và Nhà ngoại giao hàng đầu Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Park Song Il.

Tuy nhiên, theo nhật báo Thế giới (Le Monde) của Pháp, quyết định của nhà lãnh đạo Triều Tiên một mặt đã giúp làm hạ nhiệt bầu không khí căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, song về mặt nào đó lại cho thấy một thực tế là Triều Tiên đã thực sự gia nhập “câu lạc bộ các cường quốc hạt nhân trên thế giới”.

Thực tế là sau 5 vụ thử hạt nhân năm 2006 và đặc biệt là 2 vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên hồi tháng 7 vừa qua, Triều Tiên đã không còn nằm ở “ngưỡng” sở hữu hạt nhân nữa, mà đã trở thành một quốc gia hạt nhân có khả năng sở hữu tên lửa đạn đạo.

Giới chuyên gia dù không thể thống nhất được về số lượng đầu đạn mà Triều Tiên thực sự có, cũng như về khả năng làm chủ công nghệ của nước này, song lại đều nhất trí về “sự phát triển đáng lo ngại” trong những bước tiến mà Triều Tiên đạt được trong lĩnh vực này.

Đây cũng là điều tạo ra sự thay đổi lớn về cán cân cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Các nhà phân tích cho rằng, giờ không còn là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nữa mà là vấn đề ngăn chặn, là sống chung với “thực tế chiến lược mới này”.

Đây cũng là quan điểm của bà Susan Rice, cựu cố vấn an ninh dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama khi đề cập tới chính sách “ngăn chặn” trên tờ Thời báo New York. Đó là Mỹ có thể chấp nhận vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng không chấp nhận việc phổ biến.

Rõ ràng, những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên chỉ mới tạm thời lắng dịu và vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Được coi là đồng minh chính của Triều Tiên và cũng là chìa khóa của mọi giải pháp, chính phủ Trung Quốc hôm 18/8 tiếp tục khẳng định, cuộc khủng hoảng đang chứng kiến một bước ngoặt quan trọng và đã đến lúc các bên quay lại bàn đàm phán.

Trung Quốc muốn đóng vai trò trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng khi yêu cầu những động thái thể hiện thiện chí hòa giải của mỗi bên, tức là Triều Tiên sẽ dừng các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân đổi lại Mỹ và Triều Tiên chấm dứt các cuộc tập trận chung hàng năm dự kiến vào ngày 21/8. Tuy nhiên, đề xuất này tới nay vẫn chưa được các bên chấp nhận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất là ngăn chặn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân, làm dịu tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chấm dứt vòng luẩn quẩn hiện nay. Để làm được điều này trước tiên cần phải gạt những tranh cãi sang một bên và tập trung vào các nỗ lực nối lại các cuộc đàm phán".

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên đang đứng trước bước ngoặt quan trọng. "Thực tế chiến lược mới” buộc các nước phải thông qua những cách tiếp cận mới. Chỉ có thiện chí và quyết tâm mới có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn của những căng thẳng hiện nay.

tin tức liên quan