Em chồng không phải người thân!
Phiên tòa sơ thẩm vụ công ty VN Pharma (có trụ sở tại TP.HCM) nhập khẩu thuốc chữa ung thư bị phát hiện năm 2014 vừa kết án dàn lãnh đạo công ty này về các tội danh Buôn lậu, Làm giả giấy tờ, Nâng khống giá thuốc... Sau khi vụ việc bị phanh phui, dư luận càng thêm sửng sốt khi phát hiện đây là một công ty ít tên tuổi, sinh sau đẻ muộn trong lĩnh vực dược phẩm song trong vòng chưa đầy 3 năm đã có những bước phát triển thần tốc do liên tục trúng những gói thầu hàng chục, hàng trăm tỷ đồng cung cấp thuốc trong các bệnh viện lớn.
Đặc biệt, khi ông Nguyễn Minh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty tiết lộ việc ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến từng là Phó giám đốc công ty thì dư luận càng dấy lên nghi ngại về vai trò “chống lưng” của bộ Y tế đối với sự phát triển thần tốc của công ty này.
|
Ảnh minh họa.
|
Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 30/8, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng, theo quy định của luật Phòng chống tham nhũng thì người thân của lãnh đạo đảm nhiệm chức vụ không được tham gia tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý của người này chỉ bao gồm bố, mẹ, vợ, chồng, con chứ không đề cập đến các đối tượng như em chồng.
Cũng trả lời báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến phủ nhận có sự ưu ái đối với công ty VN Pharma trong quản lý cấp phép đấu thầu, nhập khẩu thuốc. Bà Tiến nói không nắm được hoạt động của VN Pharma vì đó là công ty nhỏ, theo phân cấp quản lý thì thuộc thẩm quyền quản lý của cục Quản lý Dược và sở Y tế địa phương. Bà Tiến khẳng định không nắm được việc ông Dũng kinh doanh gì và theo luật Phòng chống tham nhũng thì em chồng bà không phải đối tượng bị cấm kinh doanh trong lĩnh vực do mình quản lý.
Câu chuyện em chồng không phải “người thân” Bộ trưởng theo luật Phòng chống tham nhũng lập tức trở thành đề tài thảo luận nóng bỏng suốt những ngày qua. Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, luật sư Bùi Đình Ứng (Văn phòng luật sư Bùi Đình Ứng, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định người thân thích “Là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, người có cùng dòng máu về trực hệ và người có họ trong phạm vi ba đời”. Như vậy, em chồng bà Tiến không được pháp luật quy định là người thân thích của bà.
Đồng thời, luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp”. Do đó, việc ông Dũng tham gia công ty kinh doanh lĩnh vực y tế là không thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng y tế.
Quan trọng nhất vẫn là giám sát
Sau khi vụ việc được đưa ra mổ xẻ, nhiều ý kiến cho rằng việc cấm người thân quan chức kinh doanh trong lĩnh vực họ quản lý chỉ giới hạn ở các đối tượng: Vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con đẻ thể hiện sự thiếu chặt chẽ của pháp luật hiện hành. Vụ việc nhiều thành viên gia đình Thứ trưởng bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa nắm số lượng cổ phần lớn tại công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang là một minh chứng.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin về vấn đề này, ông Phạm Trọng Đạt – Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, đúng là vụ việc cổ phiếu của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa tại công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang và các vụ việc tương tự đang đặt ra một vấn đề cấp thiết đối với công tác lập pháp.
|
Ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ).
|
“Luật Phòng chống tham nhũng được đề ra để giải quyết vấn đề xung đột lợi ích. Tại dự thảo sửa đổi luật này tới đây, tôi đề xuất một vài chỉnh sửa, ví dụ như mở rộng đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản. Đối với việc kiểu như gia đình Thứ trưởng Thoa, tôi đề nghị hoặc không để người thân kinh doanh trong lĩnh vực quan chức quản lý hoặc là quan chức không được quản lý trong lĩnh vực đó”, ông Đạt nói.
Bình luận thêm về tình huống xảy ra trong vụ việc em chồng Bộ trưởng bộ Y tế tại công ty VN Pharma, ông Đạt cho rằng, tuy em chồng không phải đối tượng liên quan trực tiếp nhưng nếu có sự ưu ái, bao che thì không xử lý được bằng quan hệ pháp luật này thì sẽ xử lý bằng quan hệ pháp luật khác. Ưu ái hay không, liên quan hay không cũng không sao nếu như làm đúng. Còn nếu ưu ái, liên quan mà làm sai thì phải bị xử lý trách nhiệm liên đới.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Huy An – Trưởng Văn phòng LS Huy An phân tích, khái niệm người thân thích hiện nay đang có độ vênh giữa luật Phòng chống tham nhũng và Bộ luật Dân sự. Bởi, nhiều mối quan hệ bạn bè, xã hội còn thân thiết, phong phú hơn rất nhiều người ruột thịt. Chính vì thế luật phải có cơ chế để kiểm soát chặt chẽ những “sân sau” của nhà quản lý.
“Vấn đề cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước vừa rồi chúng ta đã thấy, có nhiều người tuổi chỉ đôi mươi nhưng đã có hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phiếu, vậy thì tiền đó ở đâu ra? Đó là kẽ hở trong quản lý, chưa kịp thời ngăn chặn, xử lý được”, LS An nói.
Cũng nhìn nhận về vấn đề mở rộng đối tượng người thân quan chức vào diện quản lý, ĐBQH Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) cho rằng: “Đúng là người thân quan chức thì có nhiều cơ hội làm trái hơn người bình thường, tuy nhiên vấn đề không chỉ nằm ở chỗ có ưu ái hay không mà chủ yếu ở cơ chế giám sát. Luật có thể điều chỉnh cho phù hợp, nhưng quan trọng nhất vẫn là giám sát thực hiện”.
Ông Dương Trung Quốc nhận định: Đây không chỉ là vấn đề trách nhiệm của quan chức mà là vấn đề cả bộ máy. Sẽ không thể có sai phạm, ưu ái, bao che nếu như mỗi người tự rèn luyện cho mình cái bản lĩnh, lòng tự trọng và cả bộ máy không rơi vào cả nể, sợ sệt, lo mất lợi ích của mình đến nỗi không dám đấu tranh.