Vì sao Dự án ô tô VinFast gây chấn động dư luận?

Ngày đăng: 07:15 07/09/2017 Lượt xem: 1.564


         

        Vì sao Dự án ô tô VinFast gây chấn động dư luận?


Phải chăng vì Dự án đã khứa đúng vào nỗi nhạy cảm về ước mơ ô tô của người Việt? Vì sự tin tưởng đối với một thương hiệu, một doanh nhân hàng đầu Việt Nam? Hay vì sự ủng hộ, khích lệ, tạo điều kiện đến mức gần như cao nhất của Chính phủ cũng như thành phố Hải Phòng?

 


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu bấm nút khởi công xây dựng Nhà máy ô tô VinFast.


Ngày 2/9/2017, Vingroup khởi công dự án xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các vị lãnh đạo bộ ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng.

Sự kiện đã gây chấn động truyền thông không chỉ trong nước mà cả quốc tế. Hãng tin Reuter đã phát một bản tin về sự kiện này và sau đó được nhiều tờ báo hàng đầu các nước dẫn lại.

Ước mơ ô tô của người Việt

Xe ô tô cũng như thị trường ô tô luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Với cơ sở hạ tầng đang được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt ngưỡng 3.000 USD/năm vào năm 2020 là những lý do có thể làm bùng nổ nhu cầu sở hữu xe hơi tại Việt Nam.

Việt Nam đang nổi lên là thị trường tiêu thụ ô tô tiềm năng hàng đầu thế giới với tỷ lệ sở hữu ô tô hiện còn rất thấp, mới đạt 23 xe/1.000 dân, trong khi tỷ lệ so sánh tại Thái Lan là 204/1.000 và vào khoảng 400/1.000 tại các nước phát triển (riêng tại Mỹ là 790/1.000).

Ước mơ ô tô của người Việt là có một thương hiệu xe Việt, có dòng xe nội địa giá rẻ đã xuất hiện ngay từ khi đất nước bước chân vào công cuộc mở cửa hội nhập kinh tế. Nhưng vật vã mãi ước mơ vẫn chỉ là mơ ước. Ô tô đến nay vẫn là một mặt hàng xa xỉ đối với số đông dân chúng.
 


Ước mơ của người Việt về một dòng xe giá rẻ, chất lượng cao luôn hiện hữu.


Hai thương hiệu ô tô Trường Hải và Xuân Kiên xuất hiện ban đầu đã được kỳ vọng giải nỗi khát khao ô tô của người Việt nhưng đã không thể thành công như mong muốn. Trường Hải nay chuyên sâu vào lắp ráp cho thương hiệu nước ngoài. Xuân Kiên đã thất bại hoàn toàn.

Câu chuyện đại gia Bùi Ngọc Huyên thất bại với giấc mơ ô tô Việt mang thương hiệu Vinaxuki và phải gánh khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng được doanh nghiệp được lý giải là do những chính sách còn hạn chế. Câu chuyện này cũng đã tốn không ít giấy mực của báo chí và các chuyên gia.

Ông Bùi Ngọc Huyên từng chia sẻ rằng gần 10 năm qua, đã có doanh nghiệp ô tô Việt Nam đầu tư hướng tới việc sản xuất xe mang thương hiệu Việt giá rẻ, nhưng cuối cùng thất bại. Vấn đề chính là các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất ô tô đã không nhận được sự hỗ trợ nào từ Nhà nước.

Có một thực tế, các nước trong khu vực đã có các chính sách hỗ trợ, bảo vệ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất. Chẳng hạn, để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thân vỏ, máy móc nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, nhiều nước đã cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi lắp ráp ô tô có tỉ lệ nội địa hóa cao, nếu làm động cơ còn được ưu đãi nhiều hơn. Còn ở Việt Nam, chính sách này chưa có. Tại Thái Lan, hàng năm, Chính phủ thường trích 12% số tiền thu từ ô tô để đầu tư lại cho ngành này.

Việt Nam hiện vẫn chưa có một thương hiệu ô tô riêng của mình. Ngành ô tô vẫn dừng ở giai đoạn nhập khẩu và lắp ráp với tỷ lệ nội địa hóa thấp, công nghiệp hỗ trợ thô sơ, chi phí cao hơn Thái Lan, Malaysia…

Trong bối cảnh đó, phát biểu tại lễ khởi công xây dựng Nhà máy ô tô VinFast, Thủ tướng cho rằng việc khởi công Dự án vào đúng ngày Quốc khánh 2/9 là một cử chỉ yêu nước đáng trân trọng. Bởi theo Thủ tướng, một nước có trên 50 triệu dân phải có thương hiệu ô tô của quốc gia đó. Đảng, Nhà nước ta có chủ trương xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ trong môi trường luôn có nhiều bất trắc nên việc có thương hiệu ô tô là rất quan trọng. Thủ tướng biểu dương dự án này hướng về công nghệ sạch, bảo vệ môi trường, phù hợp với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang diễn ra trên thế giới.

Dự án quy mô khủng

Đến nay, Tập đoàn Vingroup chưa công bố nhiều thông tin chi tiết về Dự án tổ hợp sản xuất ô tô VinFast. Tuy nhiên, theo những thông tin hé lộ ban đầu của nhà đầu tư tại lễ khởi công cũng như từ một vài nguồn thông tin khác, đây là một dự án quy mô “khủng” về mọi phương diện.


Phối cảnh nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng.


Tập đoàn Vingroup cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á với công suất thiết kế lên đến 500.000 xe/năm vào 2025. Sản phẩm chủ lực của VinFast là ô tô động cơ đốt trong, ô tô sử dụng động cơ điện và xe máy điện.

Giai đoạn 1 sẽ xuất xưởng một mẫu sedan 5 chỗ, một mẫu SUV 7 chỗ và xe máy điện theo tiêu chuẩn chất lượng châu Âu. Công suất dự kiến giai đoạn này đạt 100.000-200.000 xe/năm. Sản phẩm VinFast đầu tiên sẽ ra mắt trong vòng 12 tháng tới là xe máy điện và sau 24 tháng là ô tô. Tổng mức đầu tư cho giai đoạn đầu của dự án là 35.000 tỷ đồng.

Cùng với đó, Tập đoàn Vingroup sẽ hợp tác với các nhà sản xuất Việt Nam để phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất và phát triển linh kiện, từng bước đạt được tỷ lệ nội địa hoá 60%, làm chủ công nghệ và hướng tới xuất khẩu.

Dự án có diện tích 335 ha tại đảo Cát Hải, TP Hải Phòng - nơi vừa thông xe cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam nối với đất liền và sắp tới sẽ khánh thành Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.

Thành phố Hải Phòng hiện đã bàn giao mặt bằng sạch hơn 100 ha và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai Dự án.


Hàng trăm hec-ta mặt bằng tại đảo Cát Hải đã sẵn sàng bàn giao cho chủ đầu tư triển khai Dự án. (Ảnh cắt trên THP)


Dự kiến khi Dự án hoàn thành vào năm 2015 sẽ thu hút tới 25.000 lao động, trong đó có 1.000 chuyên gia nước ngoài làm việc tại đây.

Đặc biệt, với thành công của Dự án này, số thu nội địa cho ngân sách thành phố Hải Phòng dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay. (Kế hoạch thu ngân sách nội địa của thành phố Hải Phòng năm 2017 là 21.500 tỉ đồng).

Tin tưởng vào thương hiệu Vingroup

Như vậy sau 6 lĩnh vực: bất động sản (Vinhome), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmex), nông nghiệp (VinEco), bán lẻ (Vinmart), tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn Vingroup chính thức bước chân vào lĩnh vực thứ 7- công nghiệp nặng với thương hiệu ô tô Việt VinFast.

Có thể thấy ở lĩnh vực nào đã trải qua, Vingroup cũng đã để lại dấu ấn thành công cho mình và đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước.

Cũng vì thế Vingroup nhận được sự tín nhiệm của các đối tác hàng đầu quốc tế, của các nhà lãnh đạo kinh tế Việt Nam từ Trung ương tới các địa phương.

Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, Vingroup đã ký hợp đồng hợp tác, tư vấn với các đối tác hàng đầu thế giới chuyên về dây chuyển sản xuất, hệ thống động cơ xăng như Boston Consulting Group, Magna Steyr, AVL (nổi tiếng về động cơ ô tô của Áo), Durr (nổi tiếng về đầu máy và công trình nhà máy của Đức), Henn (Đức) và các studio thiết kế xe hàng đầu thế giới như Pininfarina (Italy), Zagato (Italy), Torino Design (Italy) và ItalDesign (Italy).

Họ cũng đã tuyển dụng được các chuyên gia công nghệ và sản xuất ôtô hàng đầu thế giới như BMW (Đức), General Motors (Mỹ), Bosch (Đức)… về làm việc.

Đặc biệt về vốn, Vingroup đã ký thỏa thuận về thu xếp vốn với tập đoàn tài chính hàng đầu thế giới Credit Suisse. Theo đó, Credit Suisse sẵn sàng thu xếp cho Dự án này một khoản tín dụng ban đầu là 800 triệu USD, và có thể tăng lên theo nhu cầu phát triển của VinFast.
 


Doanh nhân Phạm Nhật Vượng và thương hiệu Vingroup. Ảnh: TL


Thương hiệu ô tô VinFast còn có lợi thế sẽ nhận được sự hỗ trợ quan trọng từ hệ sinh thái tập đoàn. Trong đó, chuỗi trung tâm thương mại Vincom đang dần được phủ sóng ở hầu hết tỉnh thành sẽ là địa điểm vàng để trưng bày và giới thiệu sản phẩm VinFast.

Bằng việc thực hiện Dự án VinFast, Vingroup đã đem ước mơ về một dòng xe thương hiệu Việt, chất lượng cao, giá rẻ đến gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam. Công nghiệp ô tô Việt Nam có quyền hy vọng sẽ sánh vai với các nước Đông Nam Á với một thương hiệu, một doanh nhân hàng đầu Việt Nam.

tin tức liên quan