Lãnh đạo bị mất uy tín, nên có động thái sớm, người dân dễ thông cảm
Lãnh đạo bị mất uy tín, nên có động thái sớm, người dân dễ thông cảm
Nguồn:Báo Điện tử Người Đưa Tin
Mới đây, lãnh đạo ngành Y tế liên quan đến vụ VN Pharma khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai liên tiếp bị tố cáo dù trước đó đã nhận kỷ luật cảnh cáo và nhiều vụ việc khác khiến dư luận xã hội nóng lên.
Vụ VN Pharma, ngân hàng Đại Dương (Oceanbank), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)… vừa qua cho thấy những nút thắt của một bộ phận cán bộ lãnh đạo các bộ, ngành. Sự thiếu trung thực, tham nhũng, sân sau - sân trước “chống lưng” cho người thân tư lợi làm mất uy tín, mất lòng tin của người dân với lãnh đạo.
Mới đây nhất, lãnh đạo ngành Y tế liên quan đến vụ VN Pharma khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai liên tiếp bị tố cáo dù trước đó đã nhận kỷ luật cảnh cáo. Một cán bộ lãnh đạo bị mất uy tín sẽ gặp khó trong công việc tại vị như thế nào. PV báo Người Đưa Tin đã nhận được những ý kiến xác đáng.
|
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn. (Ảnh: Quochoi.vn).
|
ĐBQH Nguyễn Quang Tuấn (đoàn ĐBQH TP.Hà Nội) cho rằng: "Đơn thư tố cáo là chuyện hết sức bình thường với cán bộ, nhất là tầm lãnh đạo, quan trọng nhất là tính chính xác".
"Về vụ việc của bà Phan Thị Mỹ Thanh, nếu đúng như đơn tố cáo thì tôi nghĩ sai phạm là trầm trọng. Những tố cáo liên quan đến bà Thanh, các ĐBQH trong đó có tôi đã nắm được thông tin qua thông báo, vì bà Thanh là Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai. Kết luận phải chờ cơ quan chức năng, nhưng chắc chắn trong chỉ đạo, điều hành với cấp dưới sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu tới đây, Trung ương tiếp tục kết luận, xử lý sai phạm thì chắc chắn cũng giống trường hợp ông Võ Kim Cự và một số ĐBQH từng sai phạm trước đó. Sẽ khó duy trì uy tín để đứng ở danh nghĩa đại diện cho người dân", ĐBQH Tuấn nêu ý kiến.
Vị ĐBQH đoàn ĐBQH TP.Hà Nội cũng cho rằng: "Các vấn đề liên quan về mặt chính quyền, Đảng, sẽ có cơ quan chức năng xử lý. Nhưng ở góc độ đại biểu dân cử, tôi thấy rằng một ĐBQH đã mất uy tín thì không còn xứng đáng. Nếu như có sai phạm nghiêm trọng, Quốc hội thậm chí không cho rút mà bãi nhiệm tư cách ĐBQH. Nhưng sớm có động thái, xin rút cũng là điều khiến dư luận, người dân có sự thông cảm hơn.
ĐBQH được xây dựng trên niềm tin của cử tri, danh dự là cao nhất. Nếu đã bị ảnh hưởng uy tín, người dân sẽ không đồng ý để nói tiếng nói của họ. Với trường hợp bà Thanh, khi chính người dân Đồng Nai đã tố cáo, nếu nội dung tố cáo đúng, tôi nghĩ không còn phù hợp để đại diện cho tiếng nói của người dân nơi đây.
Uy tín của người lãnh đạo sẽ tùy vào vị trí đảm nhiệm. Lãnh đạo càng ở chức vụ cao, đại diện cho càng nhiều người, uy tín sẽ rộng hơn. Không chỉ là uy tín với cấp dưới mà còn với cấp trên và đặc biệt là người dân".
|
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh.
|
Còn PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng lại đề cập đến khía cạnh: "Uy tín là sự hài lòng của người dân".
Ông Dinh cho rằng: "Lãnh đạo đã dính lùm xùm kiện cáo, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng uy tín, gặp khó khăn trong công tác điều hành, chỉ đạo. Cán bộ lãnh đạo có thể do dân bầu, có thể được bổ nhiệm, tuyển lựa... Nhưng dù trường hợp nào, đã bị tai tiếng ảnh hưởng uy tín sẽ khó làm được việc, hiệu quả làm việc thấp, cơ quan chức năng phải xem xét và tính phương án xử lý.
Uy tín của lãnh đạo dựa trên sự tín nhiệm của cấp trên, tài năng... Nhưng theo tôi, quan trọng hơn cả là sự hài lòng của người dân. Đã dính lùm xùm là vi phạm vào tiêu chí người dân không hài lòng.
Thực tế, ở xã hội nào cũng vậy, cùng trong hệ thống sẽ khó nhìn ra sai phạm, tiêu cực. Có thể là không muốn phát hiện, không dám phát hiện, hoặc “không phát hiện được” vì có sự cả nể, quyền lợi chi phối, lợi ích nhóm hoặc “lộc rơi lộc vãi” kìm kẹp quá trình phát giác. Chỉ người ngoài hệ thống mới rõ những bất cập để tố cáo sai phạm".