Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu

Ngày đăng: 01:49 15/09/2017 Lượt xem: 624


                                                                               
                       Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu


                                                          Nguồn:Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam


 Rõ ràng sự biến tướng của quá trình “xã hội hóa” giáo dục kéo theo hệ lụy là dồn gánh nặng tài chính lên vai cha mẹ học sinh.

 

Ngày 30/6/2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng ký công văn số 2794/BGDĐT-KHTC gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Công văn ghi rõ:


Về cam kết không thu các khoản thu ngoài học phí:

Hình minh họa, nguồn: VTV.vn.

+ Đối với giáo dục mầm non, phổ thông: Chỉ đạo các cơ sở giáo dục cam kết và nghiêm túc không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học.

Các địa phương tự chịu trách nhiệm và có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý vi phạm.

Chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo như vậy là rất rõ ràng, vấn đề còn lại là Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện ý kiến trong công văn như thế nào?

Điều 12, Luật Giáo dục 2005 quy định về “Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục” như sau:

"Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân.

Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục.

Mọi tổ chức, gia đình và công dân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với nhà trường thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh và an toàn".

Có thể thấy quy định “Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục” trong Luật Giáo dục đang được hiểu và áp dụng không đúng tinh thần văn bản luật với nhiều hình thức biến tướng.

Không ít cá nhân, cơ quan quản lý giáo dục từ trung ương xuống địa phương vận dụng một cách “sáng tạo” điều 12 nêu trên theo chiều hướng “khuyến khích, huy động” mà quên đi chuyện “tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục”!

Gần như 100% các trường tư thục cả ba cấp mầm non, phổ thông và đại học phải tự mua hoặc thuê đất, bỏ tiền xây trường và tự trang trải mọi chi phí mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía ngân sách.

Thậm chí các đại học tư thục còn có trách nhiệm phải mời đại diện chính quyền địa phương, tổ chức Đảng, đoàn thể tham gia quản lý nhà trường.

Ở cấp mầm non và phổ thông, không ít lãnh đạo địa phương, trường học đang “huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân” tham gia góp tiền chứ không phải là phát triển sự nghiệp giáo dục.

Giáo viên mầm non quận Hải An - Hải Phòng được “khuyến khích, huy động và tạo điều kiện” góp 6 triệu tiền “chống trượt” và 2 triệu tiền cảm ơn cấp trên vì được tuyển làm viên chức giáo dục.

Phụ huynh học sinh khắp nơi được “tạo điều kiện” đóng một khoản tiền từ vài triệu đến hàng chục triệu cho nhà trường vào đầu năm học.

Nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đang chia sẻ trên mạng xã hội ảnh danh sách các khoản thu của trường với dòng cuối: "...ta cần có 16.738.000 đồng" [1]

Tại Trường Trung học cơ sở Minh Tân (huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng) đầu năm học 2017 – 2018 nhà trường thông báo tới phụ huynh khoản thu lên đến 9,1 triệu đồng.

Còn tại Trường Tiểu học Đặng Cương (huyện An Dương, Hải Phòng) thì mức thu còn gây “sốc” hơn nữa: Học sinh khối 1 - 10.131.000 đồng; Học sinh khối 4 - 5.966.000 đồng; Học sinh khối 5 - 6.191.400 đồng. [2]

Một trí thức việt kiều nổi tiếng tại Pháp, cố giáo sư Bùi Trọng Liễu từng nêu ý kiến:

Đừng dùng cụm từ “xã hội hóa” để nhập nhằng che đậy việc ép buộc đóng học phí cao hay những chi phí nhì nhằng gì khác trong hệ thống công lập”. [3]

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia viết về Giáo sư Bùi Trọng Liễu như sau:

Ông đã đứng ra sáng lập Trường Đại học Thăng Long tại Hà Nội, trường đại học dân lập đầu tiên ở Việt Nam không xin tài trợ của Nhà nước, về giảng dạy và quản lý theo quan niệm mới, phù hợp với yêu cầu của xã hội và tình hình quốc tế.

Trong những ngày đầu, vợ chồng ông phải dành một phần tiền lương của mình ở Pháp để gửi về nước”.

Để hiểu những khoản gọi là “chi phí nhì nhằng” trong hệ thống trường công lập từ mầm non đến trung học phổ thông, xin nêu một số khoản được thống kê tại một trường ở Hà Tĩnh như sau:

Tiền lương bảo vệ: 120.000 đồng; Mua máy vi tính: 250.000 đồng; Mua hương, hoa nghĩa trang, đền…:  10.000 đồng; … (có thể do “lỗi đánh máy” nên người ta viết là 120.000 nghìn đồng).

Thống kê các khoản thu tại Trường Trung học cơ sở Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (nguồn [3])

Có thể thấy bản thân công văn 2794/BGDĐT-KHTC của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự không rõ ràng về “các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học”?

Phụ huynh học sinh cần được biết các khoản thu ngoài học phí nhưng “không trái quy định trong trường học” là những khoản gì? Liệu đây có phải là bí mật không được công bố?

Tin học là môn học bắt buộc trong chương trình, vậy tại sao người dân phải góp tiền mua máy vi tính? Bảo vệ tại trường học bắt buộc phải có, vậy sao dân phải góp tiền trả lương?

Có một lý do được vận dụng tối đa ở các cấp học mầm non, phổ thông, ở mọi địa phương là phụ huynh “tự nguyện đóng góp” thông quan Hội cha mẹ học sinh.

Cha mẹ học sinh được “tự nguyện” theo mức sàn mà thày/cô chủ nhiệm “khẩu dụ” trong các cuộc họp đầu năm, người ta chẳng dại gì in thành văn bản bởi sớm muộn nó sẽ được tung lên mạng xã hội.

Câu chuyện về đóng góp tự nguyện ngày nay không khác mấy so với công chức, viên chức ngày xưa được vận động mua công trái (trái phiếu) nhưng Phòng Tài vụ lại trừ trực tiếp vào lương theo chỉ đạo của cấp trên.

Nhiều phụ huynh bức xúc nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Lý do là vì không muốn con em bị nhà trường ghét chứ không mấy người biết rằng việc lạm thu này là trái Luật Giáo dục.

Khoản 1 điều 11 Luật Giáo dục 2005 quy định về Phổ cập giáo dục:

Giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở là các cấp học phổ cập. Nhà nước quyết định kế hoạch phổ cập giáo dục, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục trong cả nước”.

Các “điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục” đương nhiên phải bao gồm cơ sở vật chất như lớp, trường, thiết bị dạy học, chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ quản lý, giáo viên nhân viên phục vụ...

Luật định là như thế, nếu địa phương nào không dành kinh phí bảo đảm các điều kiện phổ cập giáo dục tức là làm trái luật, tức là phải bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Những trường thực hiện lạm thu, Hiệu trưởng phải bị xử lý, lãnh đạo cơ quan quản lý giáo dục các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm vì hành động này vừa trái quy định của ngành, vừa không phù hợp với đạo đức người thày trong môi trường giáo dục.

Cho đến nay, bao nhiêu hiệu trưởng, hiệu phó vi phạm quy định của ngành Giáo dục bị chính quyền địa phương xử lý? Con số chắc là không nhiều.

Vì sao không nhiều?

Vì Bộ Giáo dục và Đào tạo không có thẩm quyền xử lý cán bộ quản lý giáo dục ở các địa phương, còn chính quyền địa phương thì lại ưa hình thức “đóng cửa bảo nhau”!

Xã hội hóa giáo dục theo kiểu “tự nguyện bắt buộc” không phải là chủ trương của Nhà nước, của ngành giáo dục nhưng lại được mặc nhiên thừa nhận nói lên điều gì?

Sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, sức chiến đấu kém của tổ chức Đảng, đoàn thể cơ sở hay chủ yếu là lòng tham của một số không ít Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường?

Ai cũng biết không thể chống tham nhũng bằng sản phẩm con người hình thành từ tham nhũng, không thể sửa sai bằng tư duy đã đẻ ra sai phạm.

Với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục hình thành từ các cuộc “chạy” làm sao tránh được chuyện “thu hồi vốn”?

Với tư duy cho phép tồn tại “các khoản thu không trái quy định trong trường học” tất yếu sẽ dẫn đến sự biến tướng để các khoản thu “trái quy định” biến thành “không trái quy định”.

Chẳng hạn việc yêu cầu phụ huynh góp tiền mua máy tính, mua điều hòa nhiệt độ, mua máy chiếu,… tuy trái quy định nhưng không bị phê phán vì nhà trường thiếu kinh phí mà học sinh cần được “chăm sóc” để đảm bảo sức khỏe và điều kiện học tập.

Việc “xã hội hóa” đến tận cha mẹ học sinh, đến tận những gia đình thuộc diện nghèo được xem là giải pháp mà cả xã hội buộc phải “nhì nhằng chấp nhận”, trong khi 100% công sở, trụ sở cơ quan chẳng có cán bộ, nhân viên nào phải bỏ tiền mua điều hòa nhiệt độ, cũng chẳng ai phải trả tiền nuôi bảo vệ!

Rõ ràng sự biến tướng của quá trình “xã hội hóa” này kéo theo hệ lụy là dồn gánh nặng tài chính lên vai cha mẹ học sinh, trong đó có rất nhiều công nhân, nông dân thu nhập hàng tháng chỉ vài ba triệu đồng hoặc thấp hơn.

Đã đến lúc cần phân biệt khái niệm “xã hội hóa giáo dục” với câu chuyện “tận thu” đầu năm học ở phần lớn các trường mầm non và phổ thông công lập.

Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể chỉ nêu chung chung “không thu các khoản thu ngoài học phí trái quy định trong trường học” mà cần kiến nghị chế tài xử lý với chính quyền địa phương khi phát hiện sai phạm.

Trường hợp chính quyền địa phương không làm tròn chức trách, cần sự vào cuộc của Chính phủ bởi “phạm vi ảnh hưởng” của Bộ Giáo dục và Đào tạo với địa phương hình như là khá hạn hẹp.

tin tức liên quan