Sở Y tế hay trung tâm du lịch? Ảnh website Sở Y tế Tiền Giang.
Lý do thôi thì đủ: Học tập, tham quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm, hội nghị…
Quốc gia cũng chẳng sót cường quốc nào: Mỹ, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc… và cả Mozambique.
Nguồn tiền thì đấy: Từ NSNN chi trả; từ công ty xổ số đài thọ (loanh quanh thì cũng là tiền nhà nước); từ doanh nghiệp tài trợ; và “nét mới” rất phù hợp với thời sự phiên toà VN Pharma: Cán bộ nhân viên, lãnh đạo ngành y tế lũ lượt đi nước ngoài bằng tiền do chính các hãng dược tài trợ.
Quán quân đi nước ngoài ở Tiền Giang cũng thuộc về ngành y tế. Tính ra đã có 77 lượt bác sĩ, cán bộ ngành y tế đi nước ngoài, có cả giám đốc, phó giám đốc Sở Y tế…
Báo chí nói “đi nước ngoài như đi chợ” có lẽ cũng chẳng oan. Con số đây: 2012: 14 lượt cán bộ y tế đi nước ngoài từ Hàn, Singapore, Mỹ, Thái, Trung.
Năm 2013 có 17 lượt cán bộ y tế đi nước ngoài bằng nguồn tiền các hãng thuốc tài trợ.
2014: 15 lượt. 2015: 16 lượt…
Hầu hết lãnh đạo sở Y tế, lãnh đạo BVĐK đều có đủ. Có người đi từ Philippines tới Nhật, Singapore và cả Hà Lan, dự đủ các loại hội thảo từ dược, thuốc, tới quản lý.
Có lẽ, câu chuyện y bác sĩ Tiền Giang đi nước ngoài như đi chợ bằng tiền của các hãng dược chỉ là một ví dụ bổ sung cho mối quan hệ nồng thắm và truyền thống giữa “hãng dược và bác sĩ” có ở khắp nơi.
Có lẽ câu chuyện hơn 2.000 cán bộ ở Tiền Giang cũng hoàn toàn không cá biệt cho việc thâm dụng thời gian và tiền bạc dưới danh nghĩa đi học tập, hội thảo…
Tình trạng “hãng dược cầm tay bác sĩ kê đơn thuốc” sẽ chưa thể chấm dứt chừng nào con số 77 cán bộ y tế đi nước ngoài hầu hết bằng tiền của các hãng dược ở Tiền Giang không được Bộ Y tế trả lời xác đáng.
Và phải chăng việc đi nước ngoài như đi chợ hẳn nhiên sẽ không thể chấm dứt nếu như câu chuyện Tiền Giang, con số Tiền Giang hôm nay chưa được coi là lý do xác đáng để Quốc hội, Chính phủ mở các cuộc kiểm tra giám sát “vấn nạn đi nước ngoài” trên toàn quốc.