Đừng để nhiệm kỳ cán bộ cũng là…’nhiệm kỳ pháp luật’
Nguồn:Báo Điện tử Một Thế Giới
Đã đến lúc phải chấm dứt thứ tư duy nhiệm kỳ trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước. Chỉ có như vậy, những lớp lãnh đạo kế nhiệm mới tránh được những hậu quả của các nhiệm kỳ trước để lại mà họ phải xử lý một cách không vui vẻ gì, để cho dân trách cứ mà khó nói
Cổng chính vào sân golf Tân Sơn Nhất – Ảnh: Zing
Trong công tác quản lý nhà nước, nhiều khi chúng ta “nói vậy nhưng lại không làm vậy” để rồi “cái sảy nảy cái ung”. Đến khi muốn xử lý khi biết có chuyện không bình thường hoặc buộc phải xử lý để xã hội phát triển thì khi đó mới lòi ra những bất ổn khó hiểu, thậm chí là hậu quả khôn lường từ những nhiệm kỳ trước để lại. Vì thế, những vị lãnh đạo kế tục đã và sẽ gặp khó.
Những câu chuyện khá mới dưới đây mà tôi dẫn lại từ các báo cho thấy chúng ta “đang có điều gì sai sai” khi cơ quan này, bộ nọ, tỉnh thành kia từng có những quyết định mà không lường nổi có ngày nó lại trở thành hậu quả nặng nề cho lớp lãnh đạo kế thừa.
Câu chuyện thứ nhất
Theo báo Dân trí, tại buổi tiếp xúc, trả lời báo giới diễn ra chiều 29.8 sau một thời gian dài chủ đầu tư công trình tòa nhà cao tầng 8B Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội ráng “nhịn” để “mong cho êm chuyện” nhưng vẫn không như ý. Tức nước vỡ bờ, ông Lê Văn Hùng – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực đã bất ngờ cho biết: “Thông qua các cơ quan thông tấn báo chí, chúng tôi kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo dừng ngay việc phá dỡ công trình giai đoạn 2, bồi thường thiệt hại cho người mua nhà và chủ đầu tư do những quyết định hành chính ban hành sai quy định gây ra trong thời gian qua”.
Ông Hùng cũng cho biết, đối với dự án 8B Lê Trực, đến nay đã hơn 11 năm kể từ ngày làm thủ tục đầu tư và đã 3 năm tổ chức phá dỡ khi công trình đã hoàn thiện, dự án vẫn bỏ không, án binh bất động, không thể đưa vào khai thác do bị cơ quan chức năng thành phố phong toả. “Việc này đã xâm hại tới quyền lợi chính đáng, quyền lợi của người mua nhà và của doanh nghiệp. Về trách nhiệm với khách hàng, chủ đầu tư là người phải chịu trách nhiệm, chúng tôi đã làm hết sức, kêu cầu cứu, hết cách rồi. Bất đắc dĩ là phải khởi kiện UBND quận Ba Đình nhưng tròn 1 năm rồi, toà thụ lý rồi vẫn chưa có ý kiến gì với doanh nghiệp”, ông Hùng nói.
Cho rằng việc xử lý của cơ quan chức năng là “không đúng quy định”, đại diện May Lê Trực cũng đồng thời khẳng định, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND thành phố phê duyệt. “Việc cưỡng chế phá dỡ không căn cứ vào quy hoạch chi tiết mà chỉ căn cứ vào giấy phép xây dựng là không đúng quy định. Trong khi giấy phép này cấp không đúng Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Công trình cũng thuộc đối tượng không phải đề nghị cấp giấy phép xây dựng”, ông Hùng nói.
Ông Hùng cũng nhấn mạnh rằng, thành phố đã phá vỡ cam kết với doanh nghiệp khi chủ đầu tư đã bàn giao đất mở đường Trần Phú và được phê duyệt quy hoạch chi tiết với chiều cao công trình là 70m và 20 tầng. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cũng nhắc tới việc phá vỡ giật cấp sẽ ảnh hưởng tới kết cấu chịu lực và tuổi thọ công trình.
Nói rõ hơn, đại diện Công ty May Lê Trực cho biết, để được phê duyệt quy hoạch có quy mô chiều cao công trình 69,1m và 20 tầng, Công ty cổ phần May Lê Trực đã cam kết và thực hiện xong việc bàn giao cho thành phố 1.941m2 đất để mở đường Trần Phú kéo dài với điều kiện không yêu cầu thành phố phải đền bù diện tích tương đương khác. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư đã bị hồi tố, ép buộc cấp giấy phép với chiều cao công trình chỉ còn 53m và 18 tầng, không giống với thiết kế ban đầu.
Khi được hỏi tại sao tại thời điểm bị hồi tố, cấp giấy phép không đúng với quy hoạch chi tiết (năm 2014) mà phía doanh nghiệp không có phản hồi ngay, LS Lê Văn Thiệp – VP Luật sư Toàn cầu, đơn vị bảo trợ cho May Lê Trực cho biết: “Thời điểm đó chúng tôi chưa xác lập quan hệ, tham gia tư vấn pháp lý cho chủ đầu tư. Tuy nhiên, thời điểm đó nhận thức chung về giấy phép này giữa May Lê Trực và UBND thành phố là dĩ hoà vi quý, người ta yêu cầu thì thực hiện chứ không biết là không đúng quy định”.
Còn theo ông Hùng: “Tại sao chúng tôi không kêu ngay từ đầu mà thậm chí khi bị kết luận sai phạm còn xin phá dỡ tầng 19, là để cho êm chuyện, để không có lùm xùm ra ngoài. Tuy nhiên, giờ khổ như vậy, bức xúc lắm nên chúng tôi phải nói ra. Đó là cách giải quyết của chúng tôi”.
Liên quan tới nội dung này, được biết, ngày 29.6.2016, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cho rằng, những kiến nghị của chủ đầu tư về việc công trình thuộc diện miễn giấy phép xây dựng là “có cơ sở”. Tuy nhiên, để kết luận đúng sai, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Thanh tra Bộ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố kiểm tra xem xét từng vấn đề.
Vậy là trong chuyện này, nếu chủ đầu tư toà nhà 8B Lê Trực không chịu nhận họ sai, chẳng qua cố im lặng để mọi việc êm đi, nay do không thể nhịn thêm mà ông Hùng nói ra, tôi thấy trong vụ này, điều “hình như sai sai” chắc là có chứ không hề đơn giản.
Nhiều người, trong đó có người viết này cũng vô cùng bức xúc trước câu chuyện trên, thậm chí nghi ngờ về bộ máy chính quyền có phần thiếu kiên quyết khi có doanh nghiệp xây dựng sai phép trắng trợn đến vậy mà không tài nào xử lý thì buồn thật. Nay thì đã hé lộ nguyên nhân sự chậm trễ là bởi có chuyện về mặt pháp lý khi chính chúng ta đã không làm đúng với các cam kết và luật pháp hiện hành. Vậy thì nếu như có chuyện phải đền bù trong vụ này thì tai hại cho ngân sách nhà nước thật. Tôi hy vọng rằng chính quyền có đủ căn cứ để xử lý, nếu không thì mang tiếng cho cả bộ máy công quyền hôm nay…
Câu chuyện thứ hai
Báo Tuổi trẻ đã phỏng vấn ông Trần Văn Tĩnh, Phó chủ tịch HĐQT Lobico, người nắm giữ 48,5% cổ phần tại Công ty Đầu tư Long Biên (Lobico), ông chủ của sân golf Tân Sơn Nhất, TP.HCM. Tâm điểm của dư luận khi sân bay TSN đang bị quá tải trầm trọng nên đã bị dư luận nghi ngờ. Đó chính là tác nhân gây cản trở việc mở rộng sân bay dân dụng hiện nay.
Ông Tĩnh thì cho rằng: “Nếu Nhà nước muốn thu hồi dự án để phục vụ nhu cầu an sinh xã hội và an ninh, quốc phòng, bất cứ doanh nghiệp nào cũng sẽ bàn giao. Với sân golf TSN, chúng tôi cũng sẵn sàng bàn giao nếu Nhà nước thu hồi để mở rộng sân bay”. Nhưng nếu như nghe ông Tĩnh bày tỏ thêm thì chúng ta sẽ thấy câu chuyện không hề đơn giản.
Ông bảo rằng: “Chúng tôi đầu tư đúng luật. Dự án có đầy đủ hồ sơ pháp lý, được Chính phủ và các bộ, ngành phê duyệt trước khi thực hiện. Do đó, nếu dự án bị thu hồi, chắc chắn doanh nghiệp sẽ được bồi thường xứng đáng. Sẽ có những khoản thiệt hại không đo đếm được, như thời gian bỏ ra để theo đuổi dự án cũng như nhiều cơ hội khác đã bị bỏ qua. Nhưng trong kinh doanh, không thiếu gì cơ hội khác, vấn đề là doanh nghiệp có nắm bắt được hay không thôi. Hơn nữa, lợi ích của xã hội phải đứng trên lợi ích doanh nghiệp”. Vậy thì gay rồi!
Tôi không rõ thế nào. Trong bấy nhiêu năm quân đội cho họ thuê đất để làm sân golf và các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, nhà hàng này khác thực tế đã thu được của họ bao nhiêu tiền và để làm gì? Rồi thì thuế má họ nộp khi kinh doanh được bao nhiêu? Tôi e rằng khó mà đủ cho chuyện nhà nước sẽ phải đền bù cho họ nếu chúng ta phá bỏ hợp đồng khi họ đã ký thuê dài hạn. Vậy là ngân sách nhiều khả năng bị thâm thủng sau những quyết định nói trên của các cấp có thẩm quyền. Một điều thật đáng suy nghĩ và nên coi đó như một bài học của câu chuyện quân đội liên kết làm kinh tế.
Chuyện này đặt ra một vấn đề lớn, đó là tầm nhìn chiến lược của người lãnh đạo khi ban hành một quyết định thiếu chuẩn xác khiến cho cứ tưởng sẽ tạo ra nguồn thu quan trọng cho ngân sách trong lúc nhà nước phải bòn mót từng đồng thì nay có khả năng khoản thu được trong bấy nhiêu năm ký hợp đồng đó, nay có cộng vào thì vẫn phải bù thêm mới đủ để đền cho người ta khi phá bỏ hợp đồng kinh tế nếu muốn mở rộng sân bay TSN.
Tôi không dám lạm bàn ở đây về một khía cạnh nhạy cảm, đó là chuyện liệu có lợi ích nhóm trong đây không? Nhưng tôi thì hơi hoài nghi chuyện này bởi vì ngay bản thân tôi, một người không am tường về kinh tế, thương mại… mà cũng đã nhìn thấy có gì đó không ổn thì không lẽ những chuyên gia của nhà nước về lĩnh vực này lại dễ dàng để “con voi chui lọt lỗ kim” vậy sao?
Và đôi dòng suy nghĩ
Khi nghĩ tới những chuyện cũ trước đây từng xảy ra và chuyện mới vừa đến, tôi thấy thấm thía về bức Tâm thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt gửi đến Bộ Chính trị vào tháng 8.1995 mà càng cảm phục ông về tầm nhìn trong công tác quản lý nhà nước. Từ 22 năm trước, ông đã nhìn ra những lỗ hổng của công tác quản lý nhà nước và những điều cần phải khắc phục để xây dựng một nhà nước pháp quyền thời đó cũng như hiện nay.
Lá thư ông gửi có đoạn mà đọc lại cứ như ông mới viết gần đây chứ không hề xa xôi chút nào:
“Đã có nhiều cuộc trao đổi về nhà nước pháp quyền. Tôi không đi vào lý luận của vấn đề này, mà muốn nhấn mạnh yêu cầu bức xúc phải nâng cao năng lực quản lý nhà nước, với nhận thức cho rằng yếu kém hiện nay của chúng ta trong nhiệm vụ quản lý nhà nước đang thách thức rất nghiêm trọng khả năng vươn lên của nước ta. Trước hết, sống và làm việc theo pháp luật trở thành đòi hỏi ngày càng bức thiết của cuộc sống và sự nghiệp phát triển đất nước ta.
Đòi hỏi tất yếu và không thể tranh cãi được này đang làm cho chúng ta lo lắng. Bởi vì một mặt, sự phát triển luật pháp và năng lực thi hành luật pháp chưa theo kịp đà phát triển của đất nước và xã hội ta hiện nay. Mặt khác, tình trạng sống và làm ăn trái phép với pháp luật chưa có xu thế giảm.
Có thể nói chúng ta đã làm rất nhiều việc để tiếp tục phát triển hệ thống luật pháp, kết hợp với tăng cường các tổ chức thi hành luật pháp, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Ngay bây giờ, tình trạng bất cập của bộ máy nhà nước và những vấn đề nóng bỏng trong đời sống kinh tế xã hội đã ở mức báo động.
An ninh kinh tế, an ninh chính trị và an ninh xã hội đều có nhiều vấn đề đáng lo ngại do buông lỏng quản lý nhà nước. Chưa có thể nói chúng ta đã tạo ra được một môi trường kinh tế xã hội thông suốt, minh bạch rõ ràng cho từng người dân có thể an tâm làm ăn và được bảo hộ chu toàn trong làm ăn. Chúng ta chưa có một môi trường như vậy cho sự quản lý có hiệu quả của nhà nước…”.
Nếu chúng ta thực hiện được một phần nào đó những suy nghĩ, trăn trở của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt mà tôi trích dẫn ở trên thì đâu đến nỗi chúng ta hôm nay phải xử lý hàng loạt hậu quả như chúng ta đã và đang thấy. Đã đến lúc phải chấm dứt thứ tư duy nhiệm kỳ trong hàng ngũ lãnh đạo các cấp của Đảng, Nhà nước. Chỉ có như vậy, những lớp lãnh đạo kế nhiệm mới tránh được những hậu quả của các nhiệm kỳ trước để lại mà họ phải xử lý một cách không vui vẻ gì, để cho dân trách cứ mà khó nói. Tôi nghĩ thế!