‘Bồ nhí cũng gây ra… tham nhũng!’
Nguồn:Báo Điện tử Plo.vn
Ngày 25-9, UB Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý dự luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Nhiều ý kiến tâm huyết đã được nêu ra tại hội thảo.
“
Anh có bồ nhí thì phải cố gắng mà lấy tiền, giấu vợ rồi chuyển cho bồ. Cái đó cũng tạo ra tham nhũng”.
Tặng nhau cái nhà là tham nhũng
Ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhìn nhận những quy định trong dự thảo luật dưới khía cạnh văn hóa. Ông nhận định rằng: “Tham nhũng đã có từ lâu rồi, nhưng ngày càng kinh khủng. Bởi vậy, sửa đổi Luật PCTN là rất cần thiết. Tinh thần sửa đổi là sao cho thiết thực”.
Chẳng hạn, ông Chức nêu vấn đề về quà tặng và cho rằng: phải đưa quà tặng về đúng ý nghĩa của nó bởi đó là nét văn hóa. “Quà thì không thể ăn no được, tặng tới 10 triệu thì khó có thể gọi là quà tặng. Tặng nhau cái nhà, cái căn hộ thì không gọi là quà được. Đó phải là tham nhũng”, ông Chức nói.
Theo ông chức, việc kê khai nhà cửa cũng nên minh bạch vì đây không phải là đời tư. “Nếu có 3 nhà cứ bảo tôi có 3 nhà, có sao đâu. Nhà tôi thuê, cứ nói thuê của ai, bao nhiêu thế thôi. Cứ phải làm rõ thì mới chống được. Chứ không thì sẽ xảy ra tình trạng nói thì hay lắm nhưng khi lòi ra thì mới biết có mấy cái nhà lậu”, ông Chức nói.
Mặt khác, ông Chức cho rằng: bồ nhí cũng là nguồn cơn của tham nhũng. Giải thích rõ hơn, ông Chức nói: “Luật quy định một vợ một chồng. Nhưng có trường hợp nghỉ hưu rồi mới lộ ra có con ở chỗ khác. Văn hóa suy thoái là ở chỗ đấy. Anh có bồ nhí thì phải cố gắng mà lấy tiền, giấu vợ rồi chuyển cho bồ. Cái đó cũng tạo ra tham nhũng”.
Quên mất người bên chồng là… người thân
Đặt ra vấn đề phạm vi chống tham nhũng, ông Chức nói: “Chống ai, ai chống, bây giờ chống ai?”. Theo ông Chức, ngay lúc còn là ĐBQH, ông đã đặt vấn đề phạm vi chống tham nhũng và cho rằng chỉ cần tập trung vào những cá nhân ở những vị trí có khả năng tham nhũng cao nhất thôi.
Ông Chức hoan nghênh tinh thần xây dựng chế độ liêm chính, thể hiện qua việc dự luật chi tiết những người được gọi là… người thân. “Thôi thì danh sách dài cũng được, để tránh nhiều cán bộ say sưa công tác quá lại quên mất đâu là người thân, đến nỗi ngay cả bên nhà chồng cũng không coi là người thân”, ông Chức nói và cho rằng các cán bộ cấp cao phải hiểu được thế nào là liêm chính.
Một vấn đề nữa mà ông Chức quan tâm là việc công khai tài sản và tài khoản ở nước ngoài.
“Điều 68 ghi rất rõ là công khai tài sản và tài khoản ở nước ngoài. Nếu làm được thì tốt lắm. Nhiều người bảo, thôi thì tham nhũng cũng được, nhưng người ta xây nhà, chùa chiền, miếu mạo, để tiền ở trong nước cũng được, chứ gửi ra nước ngoài thì mất luôn”, ông Chức nói và đề nghị ban soạn thảo cố gắng triển khai thật rõ vấn đề này.