Khi Ngoại trưởng Triều Tiên bước vào khán phòng Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tuần trước, đó là một trong những lần tương đối hiếm hoi công chúng được nhìn thấy quan chức cấp cao của chính quyền Kim Jong-un xuất hiện công khai.
Kể từ khi đến New York, ông Ri Yong-ho đã trở thành tâm điểm chú ý khi liên tục có các màn khẩu chiến với Washington.
|
Trong những ngày có mặt trên đất Mỹ, ông Ri Yong-ho không ngại đưa ra những tuyên bố công kích thẳng mặt với Washington.
|
Đây là năm thứ 3 liên tiếp Triều Tiên cử Ngoại trưởng đến Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhưng đây là lần đầu tiên ông Ri Yong-ho tham dự sau khi được bổ nhiệm vào năm ngoái.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng, ông liên tục sử dụng những từ ngữ có phần nặng nề dành cho Tổng thống Mỹ.
Dẫu vậy, các nhà quan sát nhận định, dù tỏ ra là một nhà ngoại giao cứng rắn và truyền đạt rất tốt thái độ thù địch của Bình Nhưỡng trên đất Mỹ, ông Ri Yong-ho sẽ là người cung cấp cơ hội tốt nhất trong việc tìm kiếm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Nhà ngoại giao kỳ cựu
Mặc dù bộ Ngoại giao không có tầm ảnh hưởng đặc biệt giống như các cơ quan an ninh ở Triều Tiên, ông Ri được cho là vẫn nắm giữ một vị thế khá đặc biệt.
"Ông ấy là một Ngoại trưởng giỏi kết nối", ông Ralph Cossa, Chủ tịch diễn đàn Thái Bình Dương từ trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, người đã gặp Ri nhiều lần, nói với tờ Washington Post. "Bộ Ngoại giao không có nhiều ảnh hưởng, nhưng ông là một Ngoại trưởng được trọng vọng và là số ít những người gần gũi với ông Kim”, ông này nói.
Ri là con trai của Ri Myong-je, Biên Tập viên kỳ cựu của hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, cơ quan ngôn luận chính quyền và là một phụ tá thân cận của cố lãnh đạo Kim Jong-il.
Do đó, ông Ri Yong-ho được xếp vào “thế hệ ưu tú kế cận” ở Triều Tiên và được hưởng nhiều đặc quyền cấp cao. Ông Ri theo học chuyên ngành tiếng Anh tại đại học Ngoại ngữ Bình Nhưỡng.
|
Ông Ri là người rất gần gũi với ông Kim Jong-un và được đánh giá là nhà ngoại giao có thực lực.
|
Tại Đại hội đảng Lao động ở Bình Nhưỡng tháng 5/2016, ông là người hiếm hoi trong thế hệ của mình được bầu vào vị trí Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.
Evans Revere, một cựu quan chức bộ Ngoại giao Mỹ đã gặp Ri khoảng ba lần trong 5 năm qua mô tả ông là một người phóng khoáng, tự tin, nhưng cũng khá khiêm tốn.
Ông cũng được đánh giá là nhân vật có kỹ năng ngoại giao ấn tượng. "Thông minh, chu đáo và ăn nói lưu loát, ông ấy là một người biết lắng nghe, thận trọng trước những câu hỏi sâu sắc và lựa chọn phản ứng kỹ càng", Joel S. Wit – người sáng lập trang web chuyên theo dõi Triều Tiên 38 North đánh giá.
Ông mới được bổ nhiệm vào vị trí nhà ngoại giao hàng đầu của Triều Tiên từ vai trò Thứ trưởng Ngoại giao hồi tháng 5/2016, sự nghiệp của Ri tại bộ Ngoại giao bắt đầu vào năm 1978 , 6 năm trước khi ông Kim Jong-un ra đời.
Người đàn ông 63 tuổi này đã có những năm tháng chu du trên khắp các châu lục và tích lũy được kinh nghiệm ngoại giao không phải ai cũng có.
Khi còn trẻ, Ri được cử đến làm nhiệm vụ tại các đại sứ quán ở Zimbabwe, Thụy Điển và là đại sứ ở Anh từ năm 2003 đến năm 2007.
"Một trong những quyết định sáng suốt nhất của Kim Jong-un là bổ nhiệm Ri Yong-ho làm Bộ trưởng Ngoại giao", Thae Yong-ho, cựu Phó Đại sứ Triều Tiên ở London – người từng làm việc với ông Ri và mới đào tẩu sang Hàn Quốc năm ngoái nhận xét.
Được biết, ông Ri từng là Trưởng đoàn của Bình Nhưỡng trong các cuộc đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên trước khi các cuộc thảo luận bị đình trệ trong tháng 12/2008.
Suốt gần 20 năm, Ri là một trong những nhà ngoại giao trung tâm của mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.
Năm 2000, Ri tháp tùng Phó Nguyên soái Jo Myong Rok, nhân vật số hai từ Ủy ban Quốc phòng Nhà nước Triều Tiên trong một chuyến đi đến Mỹ.
Ở đó, ông gặp Tổng thống Bill Clinton và Ngoại trưởng Madeleine Albright trong một chuyến thăm được ca ngợi là một bước tiến mới trong xây dựng quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.
Dẫu vậy, điều đó đã không bao giờ xảy ra. Sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức, vị Tổng thống này đã theo đuổi một cách tiếp cận rất khác đối với Triều Tiên.
Mặc dù thiên hướng dùng những ngôn từ mạnh mẽ rất giống với các cơ quan thông tấn của Triều Tiên, ông Ri vẫn được đánh giá là trau chuốt các câu nói của mình theo văn phong ngoại giao hơn là khiêu khích.
Theo The Guardian, hiếm có quan chức Chính phủ Triều Tiên nào đủ khả năng lèo lái đất nước của mình đi qua cuộc khủng hoảng hiện nay, đặc biệt khi người đấy có quan hệ gần gũi với ông Kim.
Tiếp tục những tuyên bố "bốc hỏa" của mình trên đất Mỹ, hôm 25/9, Ngoại trưởng Ri Yong-ho cáo buộc Mỹ đang muốn tuyên chiến, đồng thời nói rằng, vì thế Triều Tiên sẽ có quyền bắn hạ máy bay Mỹ bất cứ khi nào.
Ngay lập tức Nhà Trắng đáp trả bằng thái độ khá nhẹ nhàng rằng Washington không hề tuyên chiến với Bình Nhưỡng, đồng thời nói tuyên bố trên là lố bịch.