Kim Jong Un làm gì để khuất phục Trump bằng hỏa lực?
Nguồn:Báo Điện tử VnMedia
Có vẻ như Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un không đùa khi tuyên bố ông này sẽ “khuất phục Tổng thống Mỹ Donald Trump bằng hỏa lực”. Theo tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên, ước tính có 4,7 triệu sinh viên và công nhân Triều Tiên tuyên bố họ sẵn sàng tình nguyện tham gia vào Quân đội Nhân dân Triều Tiên để chống lại các lực lượng Mỹ.
|
Trong số con số 4,7 triệu nói trên có khoảng 1,22 là nữ giới, tờ Rodong Sinmun số ra ngày hôm qua (28/9) cho biết thêm.
Động thái mới nhất của Chủ tịch Kim đã củng cố thêm cho tuyên bố được ông đưa ra hồi tuần trước về việc Triều Tiên sẵn sàng tung ra những hành động “ở cấp cao nhất” nhằm đáp trả bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của Tổng thống Trump, hãng tin Yonhap đưa tin.
Phát biểu trước rất nhiều các nhà lãnh đạo thế giới, ông Trump tuyên bố, Mỹ sẽ “phá hủy hoàn toàn Triều Tiên” nếu tình huống bắt buộc cần phải thế. Cũng trong bài phát biểu này, ông Trump đã miêu tả ông Kim là “người đàn ông tên lửa đang thực hiện nhiệm vụ tự sát đối với chính ông này và chính quyền của ông này”.
Thông báo trên tờ Rodong Sinmun được đưa ra sau khi Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết trừng phạt mới trong đó có lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng dệt may của Triều Tiên và hạn chế nguồn cung cấp nhiên liệu cho nước này vì vụ thử hạt nhân thứ sáu mà Bình Nhưỡng tiến hành hồi cuối tháng 8.
Bất chấp lời thông báo giật mình nói trên, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho rằng, những gì Triều Tiên vừa tuyên bố thực chất chẳng có gì mới hay khác so với những tuyên bố trước đây trong quá khứ. Theo Yonghap, Bình Nhưỡng thường đưa ra những tuyên bố như vậy trong các “chiến dịch tuyên truyền” nhằm “tăng cường sự đoàn kết trong nội bộ” đất nước.
Nếu thông báo của Triều Tiên là chính xác thì vị trí của Triều Tiên trên danh sách các nước có quân đội lớn nhất sẽ tăng lên. Hiện tại, Triều Tiên đang đứng thứ 4 với số lượng binh sĩ trong Lực lượng Vũ trang là 1,18 triệu người. Đây là ước tính do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra.
Theo Washington Post, Trung Quốc đang là nước có quân đội lớn nhất với 2,37 triệu binh sĩ, Ấn Độ đứng thứ hai với 1,43 triệu binh sĩ và Mỹ đứng vị trí thứ ba với 1,41 triệu người.
Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày một đáng lo ngại khi cả hai bên đều từng bước lấn tới và không bên nào chịu nhượng bộ. Hai bên tiếp tục lao vào cuộc khẩu chiến gay gắt, không có điểm dừng đồng thời tung ra hàng loạt cách hành động quân sự gây giật mình.
Có thể nói, bán đảo Triều Tiên hiện nay giống như một “quả bom nổ chậm” sẵn sàng bùng nổ bất kỳ lúc nào khi mà cả Bình Nhưỡng và Washington dường như đều sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh.
Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Đặc biệt, trong tháng Bảy, Triều Tiên đã hai lần tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – loại tên lửa có khả năng vươn tới nước Mỹ. Mới đất nhất, hôm 29/8, Bình Nhưỡng đã táo bạo bắn tên lửa qua không phận Nhật Bản. Giờ đây, Triều Tiên lại tuyên bố có được trong tay loại bom H tối tân hơn và có thể được đưa lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un công khai thể hiện quyết tâm theo đuổi mục tiêu chế tạo được một loại tên lửa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.
Tất cả những diễn biến như trên gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản – 3 nước đang đối đầu trực tiếp với Triều Tiên.